Tuần trước tôi đọc một bài ngắn của tác giả Vernon Gunnarson về công ty Amazon mà tôi muốn chia sẻ với các bạn.
Amazon là một trong những công ty trực tuyến lớn nhất ngày nay với hàng tỷ USD thu nhập, nhưng mười lăm năm trước, nó chỉ là một công ty khởi nghiệp nhỏ bán sách trực tuyến. Làm sao một công ty nhỏ trở thành một công ty trực tuyến lớn nhất trên thế giới trong thời gian ngắn như thế.
Theo bài báo này, chính viễn kiến của người sáng lập ra công ty, Jeff Bezos đã góp phần phát triển từ một công ty khởi nghiệp tí hon trở thành một công ty toàn cầu khổng lồ. “Không khởi nghiệp nào có thể đạt được kết quả thành công trong môi trường năng động như Internet nếu không có những nhân viên phi thường với kỹ năng kỹ thuật chuyên môn thật rộng và thật sâu. Công ty của chúng ta phải xây dựng trên căn bản tìm ra được những người này...”, ông Bezos đã viết về chiến lược thuê người cho công ty trong bức thư gửi cho những nhân viên quản lý ngay sau khi Amazon thành lập.
Ngay trong những năm đầu, Amazon đã chú trọng đến việc thuê những công nhân tài năng nhất dựa trên viễn kiến của ông ấy gồm ba yếu tố.
Yếu tố thứ nhất là về sự ngưỡng mộ. Người quản lý phải biết ngưỡng mộ những nhân viên mà họ thuê vào làm việc cho họ. Ngoài ra người quản lý phải làm gương cho nhân viên của mình qua cách cư xử với họ và có kỹ năng gì mà các nhân viên có thể học được. Từ tiêu chí này, chuẩn thuê người từ cấp quản lý đến cấp nhân viên đều được được giữ rất cao.
Yếu tố thứ hai là sự tăng trưởng công ty. Tất cả nhân viên sẽ phải góp phần phát triển cho công ty trong việc tăng trưởng kinh doanh với các ý tưởng, kỹ năng và phát kiến mới. Điều này có nghĩa là mọi người đều phải hướng tới tương lai và có kỹ năng mới đóng góp cho công ty. “Mỗi năm, chuẩn thuê người phải liên tục tăng lên. Tôi yêu cầu mọi người hình dung về công ty trong năm năm sắp đến sẽ như thế nào, phát triển ra sao? Với công nghệ mới nào? Phải liên tục cải tiến không ngừng. Điều này có nghĩa, mọi nhân viên đều phải nhìn vào tiêu chuẩn mới hàng năm và trả lời rằng: dù tiêu chí lên cao thế nhưng tôi vẫn đạt được nó”, Jeff Bezos viết.
Yếu tố cuối cùng là văn hóa công ty hay mối quan tâm đóng góp cho văn hoá của công ty và nâng cao môi trường làm việc. Việc làm không phải khô khan hay nhàm chán mà nhân viên phải có thêm những thứ giải trí khác và hoạt động khác không liên quan tới việc làm. Ông ấy nêu ví dụ về một nhân viên cũng là nhà vô địch chính tả quốc gia hay đứng hàng thứ hai trong hoạt động thể thao trong tiểu bang.
Đã hơn 15 năm từ khi Bezos đưa ra viễn kiến này cho Amazon nhưng nó vẫn được coi như "khuôn vàng, thước ngọc" cho mọi nhân viên. Với thành công tăng trưởng và mở rộng trên nhiều lĩnh vực, từ bán hàng trực tuyến (online business) đến điện toán đám mây (cloud Computing), và giao hàng bằng phi cơ không người lái (Drone delivery) và gần đây là phóng phi thuyền lên không gian (Satellite and Space business) người ta phải công nhận rằng chính việc tìm kiếm những người có kỹ năng kỹ thuật cao ngay từ lúc đầu đã là yếu tố quan trọng dẫn lái cho thành công của Amazon.
Năm 2016, Jeff Bezos trở thành người giàu thứ năm trên thế giới, sau Bill Gates, Amancio Ortega, Carlos Slim và Warren Buffett. Amazon hiện là một trong những công ty có nhiều triệu phú hơn những công ty khác. Tôi không ngạc nhiên khi thấy mỗi tháng, hàng nghìn người nộp đơn xin vào làm việc nơi đây.
Ngày nay bài học chính cho mọi công ty khởi nghiệp là phải có những nhân viên kỹ năng cao và chuyên sâu vì sự cạnh tranh ngày càng cao. Thành công tuỳ thuộc vào tài năng của người trong công ty và nếu không biết điều này, bạn phải học từ bài học này. Để tăng trưởng công ty, trước hết bạn phải có những chuẩn thuê người chọn lọc. Chừng nào bạn có thể liên tục nâng chuẩn lên cao, bạn sẽ có tài năng giỏi nhất trong bất kỳ điều gì bạn làm.
Giáo sư John Vũ
Viện trưởng Viện nghiên cứu phần mềm Đại học Carnegie Mellon (Mỹ)
Kỹ sư trưởng của Tập đoàn Boeing