Hai sinh viên năm cuối sắp sửa thuyết trình. Ngữ điệu của họ tốt, trình bày slide rõ ràng, sắp xếp ý mạch lạc, tuy nhiên nói trước đám đông vẫn là thử thách cam go. Khi slide đầu tiên được chiếu lên, một khán giả đứng dậy, đi lại trong phòng. Khán giả khác thở mạnh và gà gật với vẻ ngái ngủ.
Trước phản ứng của khán giả, các sinh viên đã đổi giọng và ra hiệu để lấy lại sự chú ý trong khán phòng, Nytimes.com ngày 5/8 đưa tin.
Buổi thuyết trình diễn ra với khán giả là hai chú chó Teddy (giống chó sục Jack Russell) và Ellie (giống chó núi Bernese). Buổi tập dượt này thuộc chương trình thí điểm nhằm giúp đỡ sinh viên dễ bị căng thẳng tại Đại học American (Mỹ).
Chú chó lắng nghe khá chăm chú khi sinh viên thực hành thuyết trình. |
Theo tài liệu quảng bá cho chương trình, diễn thuyết trước chú chó thân thiện và không phán xét có thể giúp giảm huyết áp, hạn chế sự căng thẳng và cải thiện tâm trạng, cách hoàn hảo để luyện tập cho bài thuyết trình cá nhân hoặc theo nhóm.
Dự án này của Bonnie Auslander, Giám đốc Trung tâm truyền thông doanh nghiệp Kogod, nhằm giúp sinh viên trau dồi kỹ năng nói và điều chỉnh nội dung thuyết trình. Cùng với cơn sốt sử dụng chó trong trị liệu tâm lý, những chú chó tham gia dự án thường làm việc tích cực vào thời gian các trường đại học chuẩn bị cho kỳ tốt nghiệp. Trung tâm lên lịch hơn chục buổi tập dượt vào cuối kỳ và tuyển chọn 6 chú chó cho mỗi dịp này.
Lợi ích của những buổi tập dượt thường được sinh viên truyền tai nhau. “Bạn sẽ mỉm cười khi nhìn những chú chó. Bạn có cơ hội làm lại nếu chưa suôn sẻ, nhờ đó từng bước khắc phục được khó khăn trong khả năng truyền đạt”, Jessica Lewinson, sinh viên năm hai từng diễn thuyết trước Teddy và Ellie chia sẻ.
Jessica nói thêm, chó thường sẽ ít xao lãng hơn sinh viên đại học. Nó chăm chú lắng nghe và thậm chí còn liếm người bạn với vẻ khuyến khích.
Tìm một khán giả “ảo” là phương pháp điều trị thực nghiệm phổ biến cho các rối loạn lo âu, trong đó có nỗi lo trình bày trước đám đông.
Phiêu Linh