Thứ Ba, 13 tháng 9, 2016

Em Hoàng Thị Phương Thảo đang là học sinh lớp 4, Trường Tiểu học Yên Trạch, huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên.

Năm Thảo lên 3 tuổi, sau những trận sốt liên miên không dứt, hai đầu gối của em bắt đầu sưng và đau nhức. Thương con, mẹ gom hết số tiền còn lại trong nhà để đưa em đi viện. Lúc này mẹ em mới biết con mình bị mắc chứng bệnh viêm đa khớp.

Bệnh khớp ở trẻ em phân ra thành nhiều mức, nhưng không may Thảo lại bị mắc bệnh ở thể nặng nhất, cần được điều trị chăm sóc đặc biệt và thậm chí em còn có nguy cơ tàn tật suốt đời. Căn bệnh khiến Thảo thường xuyên bị sốt, mệt mỏi, kém ăn và khó chịu, nhất là phải chịu đựng những cơn đau, buốt khủng khiếp hành hạ.

Đặc biệt, vào những ngày thời tiết nắng, mưa thất thường thì những cơn đau ấy như nhân lên hàng trăm, hàng nghìn lần khiến em nằm mê man, bị tê hết nửa người và không thể tự ngồi dậy được. Những lúc như thế mẹ lại nâng đỡ, xoa bóp cho em  bớt đau bởi đi viện mãi cũng không có tiền và dưới Thảo còn có hai em nữa vẫn cần sự chăm sóc...

uoc-mo-chay-bong-cua-co-be-mac-benh-nguoi-gia

Vượt qua nỗi đau bệnh tật là một cô bé Thảo rất ham học. Có những khi bệnh chỉ cần đỡ hơn một chút, có thể ngồi dậy được là em lại xin mẹ cho đi học. Nhà cách trường 2km, có hôm Thảo mệt quá thì mẹ cõng đi, còn đa phần em tự đi bộ đến trường chứ nhất định không chịu nghỉ học.

Có nhiều lúc, khi đến tới trường thì đầu gối, mắt cá chân của em sưng tấy, đau nhức; khuỷu tay, cổ tay, khớp vai mỏi nhừ không thể chép được bài. Tuy nhiên, những lúc như thế em vẫn dũng cảm, cắn răng chịu đựng cơn đau để ngồi nghe cô giáo giảng bài. Có lần đau quá, không chịu được khiến em khóc òa và nằm duỗi ra bàn. Lúc đó, cô và các bạn lại xúm vào xoa bóp, rồi đưa em về nhà. Mỗi lần như thế, mẹ chỉ biết ôm em vào lòng và khóc thương cho cô con gái bé bỏng, thiệt thòi của mình.

Những lúc bệnh nặng quá, Thảo phải đi viện điều trị, nhanh thì một tuần hoặc 2 tuần mới đỡ, nhưng được về nhà hôm trước thì hôm sau em lại nằng nặc đòi mẹ cho đi học. Em rất sợ nghỉ học lâu quá lại không theo kịp các bạn trong lớp. Đến lớp dù biết viết nhiều tay sẽ bị đau và mỏi, nhưng em vẫn chịu khó mượn vở của các bạn để chép lại bài. Em không nhờ các bạn chép hộ bài vì sợ không hiểu gì. Do đó, dù đau và mỏi nhưng em vẫn cố gắng tự viết lại, chỗ nào không hiểu thì nhờ các bạn hoặc thầy cô giảng lại. Do tính chuyên cần được rèn luyện mỗi ngày nên sức học của em rất khá. Năm nào em cũng nhận được giấy khen của nhà trường.

Hiện bố của Thảo bị bệnh thần kinh nên thường xuyên đánh bốn mẹ con em. Cũng vì thương ba đứa con thơ dại và không chịu được những trận đòn thừa sống, thiếu chết của chồng nên người mẹ trẻ đành dắt 3 chị em Thảo về căn nhà lá sát bên nhà ông bà ngoại để nương nhờ. Rơm rớm nước mắt, mẹ Thảo kể đúng 12h đêm giao thừa năm 2014, chồng của chị đánh bé út được gần 1 tuổi. Trước tình cảnh đó, chị nghĩ rằng mình phải bảo vệ các con và chính bản thân. Bởi nếu chị mà chết thì ai lo cho con. Còn bé Thảo dù bị ốm nhưng khi bố lên cơn thì cũng bị đánh...

Từ ngày ra đi, chị vừa làm mẹ, vừa làm cha. Trong làng, ai gọi việc gì chị cũng làm từ phụ xây, xẻ gỗ, bốc hàng... Những công việc nặng nhọc đến người đàn ông khỏe mạnh làm còn mệt, vậy mà để lo cho các con, chị lại nhận hết, miễn sao kiếm được mấy đồng mẹ con rau cháo qua ngày.

Thảo rất hiểu chuyện và thương mẹ, ngoài giờ học, cô bé vừa trông em (hai em: một bé học lớp 2, một bé 2 tuổi), vừa làm việc nhà giúp mẹ. Chỉ hôm nào đau quá, không thể làm được thì em mới chịu nằm yên.

Sự hiếu thảo, ý chí vươn lên vượt qua hoàn cảnh và số phận của cô bé lớp 4 thật đáng khâm phục. Chia tay Thảo nhưng tôi vô cùng cảm động trước tâm sự của cô bé: "Cháu không giận bố đâu. Bố cháu bị bệnh nên mới thế. Sau này cháu chỉ mong được làm bác sĩ để chữa bệnh cho bố và cả cháu nữa. Hy vọng cả nhà cháu lại được ở cùng nhau..."

Phạm Thị Dịu

Từ ngày 8/8 đến 16/10, Báo VnExpress phối hợp cùng nhãn hàng Dutch Lady tổ chức cuộc thi "Học bổng Đèn Đom Đóm". Độc giả có thể chia sẻ những câu chuyện về chân dung vượt khó học giỏi của các em học sinh bậc tiểu học (cấp 1), trung học cơ sở (cấp 2) đã nỗ lực vượt qua mọi trở ngại để tiếp tục đến trường. Chương trình kéo dài 10 tuần, hàng tuần, ban tổ chức sẽ chọn ra 10 câu chuyện ý nghĩa, xúc động nhất (tương ứng 10 nhân vật) để trao học bổng (mỗi suất trị giá 3 triệu đồng). Độc giả có bài viết giới thiệu nhận vật được chọn trao giải học bổng sẽ nhận nhuận bút 500.000 đồng mỗi bài. Gửi bài dự thi tại đây.

Bài viết theo tháng

Tin nổi bật

Đối tác: