Thứ Sáu, 16 tháng 12, 2016

Trái ngược với phản ứng ngạc nhiên của GS Paul Glewwe (Đại học Minnesota, Mỹ), nhiều chuyên gia giáo dục trong nước cho rằng việc học sinh Việt Nam đạt điểm cao trong chương trình đánh giá giáo dục quốc tế (PISA) khá dễ hiểu.

PGS.TS Lê Kim Long, Đại học Quốc gia Hà Nội phân tích, đặc điểm của giáo dục Việt Nam là học ứng thí, do vậy đánh giá PISA vẫn là một trong những sở trường của học sinh. Điểm Toán Việt Nam đạt thứ hạng 22/72 quốc gia tham dự PISA 2015 do kiến thức toán học phổ thông của Việt Nam nhiều hơn các nước và tâm lý chung là học thiên về các môn tự nhiên.

Điểm Đọc hiểu ở mức 32/72, cao hơn nhiều quốc gia phát triển, theo TS Long, một phần vì phương pháp dạy văn học ở Việt Nam cũng hướng đến mục đích thi cử. Các em luôn được yêu cầu đọc để nhận xét tác phẩm, học cách trở thành nhà văn ngay từ khi còn bé.

chuyen-gia-ly-giai-vi-sao-hoc-sinh-viet-nam-xep-hang-pisa-cao

PGS.TS Lê Kim Long cho rằng thi cử là sở trường của học sinh Việt Nam. Ảnh: Phiêu Linh

TS Trần Thị Bích Liễu, Đại học Quốc gia Hà Nội, cho rằng tuy chương trình PISA diễn ra 3 năm một lần, nhưng kết cấu bài thi và cách xây dựng dạng bài tập là tương tự nhau qua các lần tổ chức. Vì lý do này, nhiều trường có thể chuyển sang đánh giá học sinh phỏng theo PISA, trong khi học sinh Việt Nam vốn thông minh trong việc phát hiện để giải quyết các bài đã được học trước đó.

Nhìn từ khía cạnh xã hội học, TS Nguyễn Tùng Lâm (Hội tâm lý giáo dục Hà Nội) phân tích người Việt Nam có tinh thần hiếu học. Phụ huynh có truyền thống hy sinh để con cái có tương lai tươi sáng, do vậy đây cũng là động lực lớn để mỗi học sinh chăm chỉ học hành.

Tuy nhiên, TS Lâm vẫn cho rằng kết quả PISA của Việt Nam chưa thật sự tin cậy. "Phương pháp đánh giá PISA phải được phổ biến cho tất cả nhà trường, sau đó có thể chọn ngẫu nhiên bất kỳ ai tham gia thi, khi đó kết quả mới đáng tin cậy hơn bây giờ”, ông nói.

Cũng có chút nghi ngờ xếp hạng PISA, TS Dương Thái Công, Hiệu trưởng Đại học Kỹ thuật Công nghệ Cần Thơ, thắc mắc: “Không hiểu học sinh tham gia đánh giá được lựa chọn theo tiêu chí nào, ngẫu nhiên hay được chăm sóc đặc biệt”.

chuyen-gia-ly-giai-vi-sao-hoc-sinh-viet-nam-xep-hang-pisa-cao-1

TS Dương Thái Công thắc mắc về tiêu chí chọn học sinh tham gia đánh giá PISA. Ảnh: Phiêu Linh

TS Công khẳng định kết quả PISA không thể phản ánh chất lượng của cả nền giáo dục Việt Nam. Bởi nếu căn cứ vào điểm Toán trong kỳ thi THPT quốc gia vừa qua, mức trung bình của học sinh Việt Nam chỉ là 4,45. Kỳ thi tổ chức trên cả nước nên kết quả đáng tin cậy, phản ánh đúng chất lượng dạy và học đại trà.

Trước đó sáng 15/12, tại hội thảo khoa học quốc tế Việt Nam học lần thứ 5 diễn ra ở Hà Nội, GS Paul Glewwe đến từ Đại học Minnesota (Mỹ) cho biết khảo sát, xếp hạng PISA tỷ lệ thuận với GDP của mỗi quốc gia và luôn có mối tương quan thuận chiều giữa kết quả PISA với mức độ sung túc. Tuy nhiên, Việt Nam là trường hợp ngoại lệ. Kết quả PISA của Việt Nam đã vượt ra ngoài cuộc tranh cãi chỉ quốc gia có trình độ kinh tế phát triển cao mới có nền giáo dục chất lượng.

“Nói thật chúng tôi không hiểu chuyện gì đang xảy ra. Liệu có sự tác động của đầu vào, sách học thêm, tham khảo hay giáo viên dạy Toán của Việt Nam giỏi hơn, chất lượng hơn các nước khác?”, GS Paul đặt câu hỏi.

PISA là chương trình khảo sát giáo dục duy nhất mang tính toàn cầu nhằm đánh giá năng lực Toán, Khoa học và Đọc hiểu của học sinh độ tuổi 15, được thực hiện 3 năm một lần bởi Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD).

Ngày 6/12, OECD công bố kết quả PISA năm 2015 với 540.000 học sinh từ 72 quốc gia và vùng lãnh thổ tham gia. Việt Nam xếp thứ 8 trong 72 nước về Khoa học, thứ 22 về Toán và 32 về Đọc hiểu. Ngay lần đầu tiên tham gia bài đánh giá PISA vào năm 2012, Việt Nam đã đứng thứ 8 về Khoa học, thứ 17 về Toán và thứ 19 về Đọc hiểu.

Phiêu Linh

>>Giáo sư Mỹ thắc mắc 'Việt Nam nghèo sao học sinh xếp hạng PISA cao'
>>Học sinh Việt Nam xếp thứ 8 về khoa học thế giới
>>Những điều không có trong báo cáo xếp hạng giáo dục PISA

Bài viết theo tháng

Tin nổi bật

Đối tác: