Ngày 17/12, chia sẻ tại hội thảo Giáo dục trải nghiệm - Để học Toán không còn là cuộc chiến, chị Phan Hồ Điệp, mẹ "thần đồng" Đỗ Nhật Nam cho biết, trước đây con chị rất không thích học Toán. "Cứ đọc đề Toán, Nam lại vặn vẹo không chịu làm bài. Ví dụ, bài yêu cầu tính vận tốc của xe, con sẽ bảo người ta đi thế nào là việc của người ta, sao mình phải tính hộ họ. Trên lớp có giờ kiểm tra môn Toán, con sẽ lấy lý do ốm và xin được nghỉ học", chị Điệp kể.
Chị Phan Hồ Điệp, mẹ của "thần đồng" Đỗ Nhật Nam. Ảnh: Quỳnh Trang. |
Lúc đầu, bà mẹ trẻ rất nản khi con không tập trung học bài, ngồi vào bàn là xin phép đi uống vệ sinh, uống nước… Với suy nghĩ giống con cá nếu cứ bắt nó phải trèo lên ngọn cây thì có lẽ cả đời sẽ nghĩ mình là kẻ ngớ ngẩn, chị Điệp chấp nhận việc Toán học không phải niềm yêu thích của con. Chị để con phát triển theo đam mê ngôn ngữ, bên cạnh đó vẫn khuyến khích và tạo hứng thú cho con học Toán bằng cách gắn với những thứ xung quanh.
"Tôi dạy con học Toán bằng cách trải nghiệm với những thứ ở xung quanh như cắt củ xu hào có thể cắt thành bao nhiêu hình chữ nhật, tính diện tích các hình ấy. Vừa dạy con cách tiết kiệm tiền, tôi vừa cùng con học Toán như hỏi nếu mỗi tháng tiết kiệm một số tiền giống nhau thì đến khi nào con có được 200.000 đồng", chị Điệp chia sẻ và cho biết việc thường xuyên để con đọc sách và thấy được vẻ đẹp của Toán học là cách giúp con dần hứng thú hơn với môn học này. Khi ra các đề Toán cho con, chị luôn kết hợp với nhiều lĩnh vực, vấn đề để con vừa luyện tư duy đọc hiểu, vừa nắm được kiến thức về thế giới và đưa ra giải pháp khắc phục một số vấn nạn.
Cùng cách giáo dục bằng trải nghiệm của mẹ và sau này sang Mỹ học là cách tiếp cận thú vị của giáo viên như: đố học sinh ai giải bài nhanh hơn, đề nghị học sinh nếu tìm ra đáp án khác thầy thì báo cáo để thầy xem lại bài của mình, năm lớp 8 Nhật Nam rất thích thú Toán học.
Các học sinh trường tiểu học Ban Mai (Hà Đông, Hà Nội) hứng thú học trải nghiệm Toán học qua ghép các hình. Ảnh: Đình Khoa. |
Trả lời câu hỏi làm thế nào để trẻ không sợ việc học, kinh nghiệm của mẹ Nhật Nam là giờ học luôn bắt đầu bằng những thứ con thích học trước; hạn chế tối đa thúc "con đi học bài đi"; rèn cho con học trong môi trường không quá yên tĩnh và tạo ra các trò chơi đố con ngồi học được lâu, tập trung hơn.
"Dường như nhà trường đang hướng các con đến việc trở thành thợ giải toán nhưng tôi không chạy theo điểm số, áp lực thi cử ấy. Tôi không dạy Nam học trước hay cho con tham gia trường chuyên lớp chọn để con được thoải mái học hành. Đặc biệt, tôi chấp nhận những điểm chưa tốt của con, luôn nhìn vào điểm tích cực của con để rồi đồng hành cùng con trong việc học", người mẹ chia sẻ.
Chị nhấn mạnh, gia đình, đặc biệt là bố mẹ, là nhân tố quan trọng nhất trong việc giúp con hứng thú với học hành.
PGS.TS Chu Cẩm Thơ (Phó trưởng Bộ môn Phương pháp, Đại học Sư Phạm Hà Nội) cho biết, qua nghiên cứu có một thực tế là nhiều học sinh tiểu học hiện nay không thích học Toán, giải bài một cách thụ động. Giải pháp để các con hứng thú và làm chủ được Toán học là cho trẻ học trải nghiệm bằng các trò chơi, bài toán gắn liền với cuộc sống của trẻ. PGS.TS Cẩm Thơ đã cho 2 con học lớp 1 và lớp 3 áp dụng phương pháp này khi nấu ăn, chơi với các đồ vật trong nhà như yêu cầu con xếp hộp bia của bố thành các mô hình, đếm các loại rau… Các con chị dù không được học trước nhưng khi tiếp xúc với môn Toán hay bất cứ môn học nào khác đều thấy rất nhẹ nhàng vì được dạy cách tư duy từ trước. "Con có thể giúp cô giáo ra đề bài môn Toán, làm thơ bằng các con số hay sáng tác tranh bằng hình học… Môn Toán không phải để học Toán mà là cơ hội để con phát triển tư duy. Do đó, các bố mẹ đừng nhồi nhét, ép buộc con vào các khuôn khổ mà nên biến nó thành thời gian để con khám phá", nhà sáng lập phương pháp học tư duy dựa trên trải nghiệm nói. Theo chị, tri thức con khám phá ra khi học qua các trò chơi có thể rất nhỏ nhưng giá trị con trải nghiệm được trong quá trình đó lại rất lớn vì con phát triển được cảm xúc, trí thông minh, tư duy logic… Đây là những điều không thấy được khi cho con giải một bài toán bằng phương pháp truyền thống. |
Quỳnh Trang