Thứ Năm, 15 tháng 12, 2016

Ngày 15/12, bên lề hội thảo nâng cao năng lực học tập cho người khiếm thị ở Việt Nam, bà Hà Thanh Vân - Hiệu trưởng Phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu (TP HCM) - cho biết, mỗi khi Bộ Giáo dục và Đào tạo ra sách giáo khoa mới thì trường này phải tự biên soạn và in thành sách chữ nổi.

Sau đó, trường chia sẻ bộ sách này cho những trường phổ thông đặc biệt ở tỉnh thành khác. Hiện, các trường cho học sinh khiếm thị chưa có một đầu mối ở trung ương để làm sách chữ nổi.

Nữ hiệu trưởng lo lắng trước thông tin ngành giáo dục sẽ áp dụng bộ sách giáo khoa mới từ năm 2018, trong khi TP HCM cũng chuẩn bị ra bộ sách riêng.

"Khi đó, chúng tôi phải làm sách chữ nổi theo chương trình của TP HCM và không thể chia sẻ sách cho các địa phương khác được", bà Vân nói.

truong-khiem-thi-gap-kho-neu-tp-hcm-co-sach-giao-khoa-rieng

Học sinh trường Phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu (TP HCM) trong một giờ học. Ảnh: Mạnh Tùng

Theo bà Vân, một bộ máy in sách chữ nổi giá 400-500 triệu đồng, kèm theo những phụ tùng đắt tiền nên không phải trường nào cũng mua được. Nguồn kinh phí để mua máy in và làm sách cho học sinh khiếm thị chủ yếu dựa vào nguồn tài trợ của một số tổ chức xã hội.

"Nên chăng Nhà xuất bản Giáo dục sau khi biên tập các bộ sách mới thì chuyển dữ liệu cho chúng tôi để giáo viên biên soạn lại. Các trường có máy in thì sẽ làm sách cho mình và các trường bạn. Quan trọng nhất là phải có người điều phối chứ chúng tôi đang rất bị động", bà Vân đề nghị.

Tại hội thảo, một số trung tâm giáo dục cho trẻ khuyết tật ở TP HCM cho hay, họ phải tìm nhiều cách, nhiều nguồn để có được sách và thiết bị dạy học.

PGS.TS Phạm Minh Mục, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Giáo dục đặc biệt (Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, Bộ Giáo dục) thừa nhận công tác làm sách chuyên biệt cho học sinh khiếm thị hiện rất khó khăn.

"Nguồn tài trợ của các tổ chức quốc tế đang hạn chế trong khi ngân sách của nhà nước là gần như không có", ông Mục nói và cho biết trong hai năm qua không có cuốn sách mới nào được in ra dành cho những học sinh đặc biệt.

Hiện, hệ thống ký hiệu chữ nổi đã được thống nhất trên toàn quốc nên các trường phổ thông đặc biệt tùy theo điều kiện của mình để biên soạn, in ấn.

"Ngay cả khi xin được kinh phí rồi thì cũng phải tập trung vào hai trường phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu ở Hà Nội và TP HCM vì chúng tôi cũng không có máy in", ông Mục trăn trở.

Mạnh Tùng

Bài viết theo tháng

Tin nổi bật

Đối tác: