Chủ Nhật, 1 tháng 1, 2017

nguoi-dan-ong-khuyet-tat-mo-lop-hoc-mien-phi-cho-tre-ngheo

Anh Trần Phước Ninh phát vở, bút cho học sinh. Ảnh: Sơn Thủy

Anh Trần Phước Ninh ở thị trấn Nam Phước (Duy Xuyên, Quảng Nam) sinh ra đã chịu cảnh thiệt thòi khi bố mẹ chia tay, một mình mẹ nuôi anh khôn lớn. Năm lớp 11, anh bị ốm nặng, liệt nửa người, miệng méo xệch.

Không chấp nhận nằm đâu nằm đấy, anh tập đi lại và tìm công việc mưu sinh. “Năm 1993, mình bắt xe vào TP HCM bán vé số. Ở đất khách quê người, chỉ còn 200.000 đồng trong túi thì may mắn gặp một vị sư giúp đỡ. Nhà chùa cho ăn ở và mình tìm đến đại lý lấy vé số bán”, anh Ninh kể.

Hàng ngày, anh Ninh lê bước khắp nơi bán vé số, nhiều lúc bị cướp giật. Đến năm 2007, ở quê nhà mẹ lớn tuổi, anh lại rời Sài Gòn về chăm sóc mẹ. Anh mở quán bán hàng tạp hóa và cà phê. Ngày nhiều thu được vài chục nghìn nuôi sống bản thân và mẹ già. Còn dư đồng nào anh dành dùm cho người có hoàn cảnh đáng thương hơn. 

nguoi-dan-ong-khuyet-tat-mo-lop-hoc-mien-phi-cho-tre-ngheo-1

Lớp học thu hút hàng chục trẻ em đến học tiếng Anh miễn phí. Ảnh: Sơn Thủy

Thấy hoàn cảnh khó khăn của anh, nhiều mạnh thường quân giúp đỡ. Cho rằng mình còn may mắn hơn nhiều người, bản thân vẫn buôn bán có nguồn thu, anh dành những phần quà đó cho người khác. Những lần đi giúp người, bắt gặp nhiều hoàn cảnh éo le hơn mình, anh Ninh nghĩ cách giúp đỡ bài bản hơn.

Anh đứng ra lập quỹ từ thiện mang tên “Từ thiện kiểu Trần Phước Ninh”. “Mình chỉ làm cầu nối cho các mạnh thường quân giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn. Mỗi khi họ gửi tiền, quà về, mình sẽ nhờ người chở đi trao. Đôi lúc không cho được nhiều cũng tủi thân, nhưng có ít giúp ít, có nhiều giúp nhiều”, anh nói.

Sau trận lũ tháng 12 ở Quảng Nam, anh Ninh vận động được 100 suất quà để trao cho người dân làng Đông Bình, xã Duy Vinh, huyện Duy Xuyên, bị cô lập.

Ở quê, có rất nhiều đứa trẻ gia đình nghèo khó, không có điều kiện học tiếng Anh. Anh Ninh đứng ra kêu gọi mọi người chung tay, ban đầu anh chị em trong nhà, xa hơn nữa thì bạn bè và các mạnh thường quân mở lớp. Sau nhiều tháng kêu gọi, anh thu được hơn 30 triệu đồng xây một phòng học rộng khoảng 30 m2 tại nhà, mua sắm bàn ghế, bảng, bút, sách vở.

Có lớp học, anh viết thư ngỏ gửi đến các giáo viên dạy tiếng Anh ở các trường đóng trên bàn, sau đó rất nhiều người nhận lời. Tháng 10/2016, lớp học đi vào hoạt động với hơn 215 học sinh từ lớp 3 đến 12. Do học sinh đông và nhiều cấp nên được chia ra 3 lớp một ngày, gồm sáng, trưa và chiều tối.

nguoi-dan-ong-khuyet-tat-mo-lop-hoc-mien-phi-cho-tre-ngheo-2

Hơn 8.000 cuốn sách anh Ninh sưu tầm và mở thư viện tại gia cho trẻ nghèo đọc miễn phí. Ảnh: Sơn Thủy

Lớp học tiếng Anh miễn phí là giai đoạn đầu anh Ninh đề ra. Sắp tới, anh sẽ kêu gọi mọi người ủng hộ mở thêm lớp học Toán, Lý, Hóa cho trẻ nghèo. “Hiện có nhiều thầy cô đồng ý dạy miễn phí khi mình mở lớp. Đất xây phòng học của nhà, còn tiền xây dựng đang huy động, dự kiến cần thêm khoảng 30 triệu đồng nữa”, anh nói.

Ngoài việc mở lớp, sau nhiều năm ấp ủ anh Ninh biến phòng khách thành thư viện tại gia miễn phí cho trẻ em nghèo. Hiện có trên 8.000 đầu sách anh sưu tầm, mỗi ngày thu hút hàng chục trẻ em nghèo đến đọc.

Em Lê Cẩm Tú, học sinh lớp 6 bày tỏ, mỗi tháng đi học thêm tiếng Anh hết gần 400.000 đồng nhưng ba mẹ không có tiền chu cấp. Từ ngày chú Ninh mở lớp miễn phí, em đến học thường xuyên. “Hết bút, vở thì chú Ninh cho. Thầy cô dạy bài rất dễ hiểu, cái chi chưa rõ thì hỏi thầy cô tại lớp”, Tú nói.

Đầu buồi học, anh Ninh sẽ điểm danh, em nào vắng mặt sẽ gọi điện cho ba mẹ để kiểm tra lý do vắng học. 

Sơn Thủy

Tin nổi bật

Đối tác: