Thời của chúng tôi, được đi làm nghiên cứu sinh là việc hết sức khó khăn. Cả một khóa 700 lưu học sinh đi học Liên Xô cũ lúc đó chỉ chọn ra khoảng 40 người thuộc diện chuyển tiếp sinh. Tiêu chuẩn phải là tốt nghiệp bằng đỏ, không vi phạm kỷ luật, có thành tích trong học tập, nghiên cứu khoa học và công tác đoàn thể. Nói chung là có một hệ thống tiêu chí chấm điểm.
Đó là chuyển tiếp sinh còn dễ, nghiên cứu sinh, tức là các anh chị học trong nước và được tuyển chọn để đi làm nghiên cứu sinh còn khó hơn nhiều. Vì chỉ tiêu thì hạn chế mà người ứng tuyển thì nhiều. Đến khi thi thì một suất phải có 3-4 người dự tuyển. Nói tỷ số chọi 3-4 người thì nghe nhẹ nhàng nhưng khi biết tên 3-4 người đó là ai thì mới thấy thật sự là sức ép lớn. Cho nên có nhiều anh chị rất giỏi nhưng cũng phải thi đến vài lần mới tìm được suất nghiên cứu sinh.
|
TS Trần Nam Dũng.
|
Đấy là mới qua được vòng đầu. Vòng tiếp theo là thi tối thiểu, chọn thầy hướng dẫn và bảo vệ đề cương. Phần này thì chúng tôi, dân chuyển tiếp sinh, có nhiều thuận lợi hơn so với các anh chị nghiên cứu sinh từ trong nước sang. Các môn thi tối thiểu tương tự các môn thi quốc gia mà chúng tôi vừa thi xong ở cuối năm thứ năm, cô đọng và nâng cao hơn. Với các anh chị nghiên cứu sinh thì khó khăn hơn nhiều, mà chủ yếu là do vấn đề ngôn ngữ, đặc biệt là trong môn triết học. Nhưng rồi tất cả mọi người đều vượt qua vòng 2, dù có thể là người này dễ dàng hơn, người kia khó khăn hơn.
Giai đoạn 3 mới là quan trọng nhất - làm luận án. Đây là khâu khó nhất. Thủ tục ở đây không rườm rà, cũng không phải báo cáo tiến độ, báo cáo chuyên đề gì cả. Nghiên cứu sinh chỉ báo cáo với giáo sư hướng dẫn. Mà với giáo sư hướng dẫn thì quan trọng nhất là kết quả mà nghiên cứu sinh đạt được. Nếu có đường hướng gì khả quan thì giáo sư cho báo cáo trên seminar để mọi người góp ý thêm.
Thông thường các buổi seminar mọi người góp ý rất nhiều, đôi khi cãi nhau như mổ bò, và mình phải biết cầu thị lắng nghe, phải lấy làm mừng khi có người nhận xét, tranh luận, đặt câu hỏi. Nếu có một kết quả tương đối hoàn chỉnh thì giáo sư sẽ yêu cầu nghiên cứu sinh viết thành bài báo để đăng. Cứ có chừng 2-3 bài báo thì đã có khả năng được bảo vệ (chuẩn kandidat, tức là phó tiến sĩ).
Nói thì dễ như vậy, nhưng để có một bài báo được nhận đăng thì không hề đơn giản. Trước hết phải tham khảo rất nhiều tài liệu, bài báo về vấn đề mình đang làm, xem người ta đã làm được gì, đến đâu, có thể khai thác tiếp theo hướng nào, từ đó tìm những hướng đi tiếp cho mình.
Rồi chúng tôi bắt tay vào thực hiện. Cũng phải thường xuyên đi dự seminar, dự hội nghị để trao đổi với đồng nghiệp, các bạn nghiên cứu sinh giống mình. Đôi khi trong những trao đổi đó sẽ lóe ra các giải pháp để giải quyết các vấn đề còn bế tắc. Khi có đường hướng rồi thì phải tập trung giải quyết thật nhanh, cho ra kết quả luôn. Lúc đó thì thường là nghiên cứu sinh sẽ làm việc quên thời gian, quên ăn, quên ngủ, có khi quên cả bạn gái (cũng từ đó mà các nghiên cứu sinh thường bị các em gái chê là mấy ông hâm).
Thực tế là nếu bạn làm về một đề tài mà có nhiều người quan tâm thì bạn không thể lười biếng được. Chỉ cần chậm chân một chút mà có người khác công bố trước là coi như bạn mất đi một cơ hội.
Một ví dụ cá nhân, năm 1989, trong luận văn tốt nghiệp của mình, tôi đã có được một bước tiến quan trọng trong việc giải quyết bài toán Kegel – Wiegandt trong lý thuyết vành trên trường đặc số dương, định sang làm nghiên cứu sinh sẽ giải quyết tiếp, thế nhưng khi sang đến nơi (tức là khoảng 4 tháng sau) thì giáo sư hướng dẫn nói là bài toán đã được một tác giả khác giải quyết xong.
Nhưng nếu mình ngại khó khăn, ngại cạnh tranh chọn những đề tài “dễ thở theo ý mình” thì sẽ ít được quan tâm, không có người phản biện góp ý và khi đăng bài thì nguy cơ bị trả lại rất cao. Mà như đã nói ở trên, không có bài báo đăng thì khó có khả năng được bảo vệ.
Sau những nỗ lực nào đó ta vượt qua được giai đoạn 3 và nhận được câu “Em viết luận án đi” của giáo sư hướng dẫn thì ta đã bước vào giai đoạn 4 - viết luận án. Nếu lúc làm luận án ta đã phải đọc nhiều để tìm đường hướng thì lúc này còn phải đọc nhiều hơn để viết phần tổng quan cho đầy đủ nhất, để nêu lên được đầy đủ bức tranh của vấn đề nghiên cứu, nói rõ được vị trí của các kết quả mà luận án thu được là ở chỗ nào, ý nghĩa ra sao (tất nhiên, đôi khi nghiên cứu sinh sẽ không biết rõ hết điều này mà còn phải nhờ vào các phản biện và giáo sư hướng dẫn).
Sau đó là hoàn thành luận án, đóng quyển, in tóm tắt, gửi phản biện, gửi cơ quan hướng dẫn ngoài. Thời đó chưa có máy tính như bây giờ nên công đoạn này cũng rất khó khăn, phải đánh máy rồi nhờ đàn em điền công thức. Nếu sai 1-2 chỗ là phải đánh lại cả trang, rất vất vả. Tôi nhớ câu chuyện vui là có anh nghiên cứu sinh nhờ được một em gái điền công thức. Đến khi nhận lại mới tá hỏa thấy tất cả các dấu tích phân đều bị sửa thành chữ S. “Em thấy anh viết chữ S xấu quá, sửa lại thế cho đẹp!”, em gái nói.
Tuy là khó khăn, vất vả như thế nhưng thực ra thì các chuyển tiếp sinh và nghiên cứu sinh có rất nhiều thuận lợi so với các anh chị làm nghiên cứu sinh trong nước. Thứ nhất là không phải lo lắng gì về cuộc sống: lương 120 rúp/tháng (trong khi tiền ăn, rất thoải mái chỉ khoảng 60 rúp), được học toàn thời gian mà không vướng bận gì. Môi trường khoa học tốt, các seminar khoa học diễn ra định kỳ và luôn có mời các nhà toán học ở các tỉnh khác, nước khác đến báo cáo. Đi dự các hội nghị khoa học trong nước đều được thanh toán tiền.
Tất cả chi phí liên quan đến in ấn, đóng quyển, gửi phản biện, gửi cơ quan hướng dẫn ngoài, chi phí đi lại, ăn ở của phản biện và các thành viên hội đồng đều được trường thanh toán và lo, nghiên cứu sinh chỉ cần chuẩn bị thật tốt cho buổi bảo vệ. Giáo sư hướng dẫn thì rất tận tình, chăm chút. 2-3 tuần mà nghiên cứu sinh trốn không gặp (thường là do không có gì để báo cáo) là các ông sẽ nhắn gọi lên liền.
Có lần, do thấy tôi lười quá, giáo sư hướng dẫn của tôi, Viện sĩ A.I.Kostrikin đã bắt tôi hàng ngày theo ông và anh Phạm Hữu Tiệp (nay là GS Đại học Arizona) vào rừng ngồi làm việc trong vòng một tháng. Tôi đã viết được một bài báo sau đợt này. Đến lúc viết luận văn, giáo sư của tôi sửa cho tôi từng chữ, đỏ cả quyển luận án.
Vì thế đã được cho bảo vệ rồi thì thường mọi việc đều suôn sẻ. Các chất vấn trên buổi bảo vệ thường chủ yếu để làm rõ các vấn đề đã trình bày. Các giáo sư lại rất tâm lý, biết là các nghiên cứu sinh thường hồi hộp, lo lắng nên đôi khi các ông còn pha trò để giải tỏa áp lực. Có anh nghiên cứu sinh còn đang sợ tím tái thì viện sĩ B.V. Gnedenko nói “Tôi thấy cậu này nói tiếng Nga còn hay hơn một số nghiên cứu sinh của chúng ta ấy chứ”, thế là anh tự tin hẳn lên, hoàn thành xuất sắc buổi bảo vệ.
Vài dòng tản mạn để nhớ về thời nghiên cứu sinh của hơn 20 năm trước, nhớ về những giáo sư Nga đã hết lòng dạy dỗ các thế hệ sinh viên, nghiên cứu sinh Việt Nam.
TS Trần Nam Dũng
ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia TP HCM