Thử hình dung bạn là giám đốc bán hàng cho một công ty lớn. Hôm nay là ngày đẹp trời và bạn mời khách hàng người Singapore đi ăn. Vị khách hàng nhìn thấy bạn tại nhà hàng, tay bắt mặt mừng, hỏi ngay “how are you doing?”.
Bạn trả lời tự tin “I’m dining with you… of course”...
Bạn thấy không khí hơi tĩnh lặng khác thường, ông khách không giấu nổi vẻ ngạc nhiên rồi lảng qua chuyện khác. Bạn không hiểu tại sao? Hãy ngừng lại 2 giây và tư duy một chút, có gì không ổn trong câu trả lời của bạn?
Trên thực tế, câu hỏi “how are you doing” rất hay bị nhầm với “what are you doing”. Qua thời gian giao tiếp với các học viên tại Việt Nam, tôi nhận thấy phần lớn (có lẽ đến hơn 80%) luôn trả lời nhầm câu này.
Vì không nghe kỹ từ để hỏi “HOW”, người nghe thường mặc định là “WHAT are you doing”(vì nghe rõ từ “doing” nhất nên đoán luôn là câu hỏi đại loại sẽ là “Bạn đang làm gì thế?”), rồi trả lời không chút đắn đo là “tớ đang học bài, hoặc uống nước, hoặc đi vệ sinh”.
"How are you doing" là câu chào hỏi khiến nhiều người hiểu lầm. Ảnh: dailymotion |
Hãy tiếp tục tưởng tượng về tình huống trên, trong buổi gặp mặt, khách hàng giới thiệu bạn với một người đến từ Anh. Sau màn giới thiệu, vị khách người Anh nói “how do you do”. Bạn mừng như bắt được vàng vì câu hỏi quen thuộc này, và bạn trả lời ngay “I’m a Sales Manager of ABC company”.
Bạn quay ra và thấy đôi mắt của bà khách mới còn to và sững sờ hơn ông khách lúc trước, lộ rõ vẻ bối rối rồi sau đó gật gù chuyển qua chủ đề mới. Đây quả là tình huống khó xử. Bạn có hiểu vì sao?
Nếu để ý kỹ một chút, bạn sẽ biết “how do you do” hoàn toàn khác với “what do you do”. What do you do (for a living) là câu hỏi để hỏi về nghề nghiệp công việc của bạn, trong khi đó “how do you do” là câu nói thường thấy khi người ta gặp mặt lần đầu (thường là khi được giới thiệu với nhau), giống như “hi, nice to meet you” vậy. Như thế, bà người Anh nói “how do you do” chỉ như một câu chào, bạn có thể trả lời “how do you do”.
Trong giao tiếp, mà trước tiên là chào hỏi trong tiếng Anh, người học tiếng Anh cần hiểu sự khác biệt của những thứ “na ná nhau” hay “nghe quen quen”, để không rơi vào những tình huống “làm người khác bối rối” và luôn tự tin giữ phong thái chuyên nghiệp của chính mình.
Moon Nguyen