Luật Giáo dục cơ bản tại Phần Lan quy định, học sinh đến trường phải được cung cấp bữa ăn miễn phí hàng ngày với thành phần dinh dưỡng cân bằng, giám sát chặt chẽ. Do vậy, các bữa ăn thậm chí còn trở thành công cụ học tập, dạy học sinh về thói quen ăn uống lành mạnh.
Các bữa ăn phải chứa tất cả thành phần được cân bằng dinh dưỡng theo hướng dẫn của Viện Dinh dưỡng quốc gia. Năm 2008, khuyến nghị về dinh dưỡng áp dụng ở trường học đã được Viện thông qua, bao gồm yêu cầu cụ thể về muối, chất xơ, chất béo và tinh bột. Ngoài ra, trường học phải tuân thủ tiêu chí khác cho các bữa ăn nhẹ. Dinh dưỡng trong mỗi bữa ăn phải bằng 1/3 lượng dinh dưỡng nạp vào cơ thể mỗi ngày của từng đứa trẻ.
Trẻ em Phần Lan ăn trưa miễn phí tại trường học với thực phẩm cân bằng dinh dưỡng. Ảnh: Finland Today |
Bữa trưa chỉ được coi là cân bằng khi học sinh ăn hết mọi thành phần trong suất. Ở căng tin, các em tự lấy khay và phục vụ bữa trưa cho chính mình. Các học sinh lớn có thể giúp học sinh bé hơn lấy thức ăn với gợi ý về thực đơn lành mạnh. Các trường học cũng sẽ được trao giải về bữa trưa học đường nếu tạo ra những thực đơn hiệu quả trong việc cân bằng dinh dưỡng.
Ở Phần Lan, một phần quan trọng của giáo dục là nâng cao nhận thức về vấn đề sức khỏe. Giáo dục cơ bản ở đất nước này bao gồm các lớp học bắt buộc về sức khỏe và kinh tế gia đình. Việc học các kỹ năng thực hành được khuyến khích. Nhiều trường dạy học sinh về nguồn gốc của thực phẩm, tổ chức các chuyến ghé thăm nông trại, thu hoạch việt quất. Giáo dục về thực phẩm là một trong những yếu tố trung tâm của mỗi ngày đến trường.
Kinh tế gia đình là môn học bắt buộc của học sinh lớp 7. Các em được yêu cầu học kinh tế gia đình 3 tiếng mỗi tuần, trong đó có 2 tiếng thực hành và một tiếng học lý thuyết. Đến khi lên lớp 8 hoặc lớp 9, kinh tế gia đình trở thành môn học tự chọn, tuy nhiên đây được xem là môn tự chọn phổ biến nhất của nam sinh trung học ở Phần Lan.
Phiêu Linh (theo foodandhealthteacher)