Thứ Bảy, 2 tháng 4, 2016

co-giao-dam-me-day-tre-hoc-phong-chong-xam-hai-o-sai-gon

Tiến sĩ tâm lý Lê Thị Linh Trang. Ảnh: Lê Thanh Trung

Giữa tháng ba, tiến sĩ tâm lý Lê Thị Linh Trang đăng một status trên Facebook cá nhân: "Tuần sau, thứ Sáu ngày 25/3, chúng ta có lịch dạy chương trình miễn phí kỹ năng phòng chống xâm hại cho học sinh ở Tiểu  học Bùi Văn Mới, quận 9. Anh chị em, bạn nào thích và có thể sắp xếp thời gian tham gia, mình trân trọng kính mời nhé".

Lập tức, cô Trang nhận được nhiều "comment" của đồng nghiệp lĩnh vực tâm lý học đăng ký sẽ tham gia chương trình. Nhờ đó, 16 lớp của trường Tiểu học Bùi Văn Mới đã được học kỹ năng phòng chống xâm hại.

Đây là việc làm quen thuộc của cô Trang từ đầu năm 2015 đến nay, ngoài công việc chính là giảng viên Học viện Cán bộ TP HCM.

Năm 2014, bộ  phim "Bạn cần biết nói không" do cô Trang làm cố vấn với nội dung về phòng chống xâm hại tình dục ở trẻ em được giải vàng trong Liên hoan phim truyền hình toàn quốc. Thấy bộ phim ý nghĩa với thông điệp rất thiết thực nhưng chỉ được phát sóng ít lần, tiến sĩ tâm lý trẻ nảy ý tưởng nó đến với học sinh tiểu học tại TP HCM.

"Vì chương trình dạy học tại các trường đã dày đặc, họ cũng chưa biết mình là ai, sẽ dạy điều gì nên không dễ để các trường cho vào dạy kỹ năng tự bảo vệ cho trẻ trước nguy cơ xâm hại", cô Trang kể.

Sẵn các mối quan hệ với nhiều học trò tại Học viện Cán bộ Thành phố - vốn là lãnh đạo các trường tiểu học trên địa bàn – cô Trang đã thuyết phục để họ nhận thức tầm quan trọng của kỹ năng và đồng ý để cô vào trường dạy.

Mỗi tiết học của cô Trang gồm 12 phút chiếu phim "Bạn cần biết nói không" và 40 phút dạy kỹ năng thông qua các câu hỏi tình huống từ phim. Tiết học được thiết kế dành cho một lớp học, không ghép chung nhiều lớp để cô giáo có điều kiện chỉ bảo cho nhiều trẻ.

co-giao-dam-me-day-tre-hoc-phong-chong-xam-hai-o-sai-gon-1

Một tiết học phòng tránh bị xâm hại do cô Trang đứng lớp tại Tiểu học Rạch Ông (quận 8). Ảnh: Lê Thanh Trung

Từ sự dè dặt, các bé đã mạnh dạn trả lời xoay quanh các tình huống mà các em có thể bị xâm hại. Ban đầu, các em nhận thức, người có thể xâm hại mình là "đàn ông, trẻ và lạ mặt" thì kết thúc tiết học, các em biết được "tất cả những ai có điều kiện tiếp cận đều có thể xâm hại mình".

Mỗi tiết học, nữ giáo viên đều chuẩn bị sẵn các bao lì xì để thưởng cho các em có câu trả lời đúng. Cô giáo chia sẻ, sở dĩ chọn bao lì xì với số tiền rất nhỏ để làm quà mà không phải là bánh kẹo để "dò bài" các em.

Nhiều em sau khi học xong tiết học đã "đấu tranh tư tưởng" trước khi nhận bao lì xì vì trong bài học của cô có dặn phải cẩn thận với người không quen biết cho tiền hòng dụ dỗ. Cô Trang nhận xét đây cũng là biểu hiện cho thấy tiết học có hiệu quả với trẻ khi các em đã tự biết cách bảo vệ mình.

"Ngoài ra, có bé nhận bao lì xì lại về khoe và kể về tiết học với ba mẹ. Điều đó giúp thông điệp của tôi lan tỏa tới phụ huynh", cô Trang cho biết.

Theo cô Trang, số vụ xâm hại tình dục trẻ em ở nước ta năm sau cao hơn năm trước và độ tuổi bị xâm hại ngày càng nhỏ bởi cả xã hội chưa quan tâm đúng mức vấn đề giáo dục giới tính và ý thức tác hại của xâm hại tình dục.

Ngay cả những người gần gũi nhất với trẻ là phụ huynh cũng e ngại, dè dặt khi nhắc đến chuyện này với con. "Nhiều phụ huynh còn có xu hướng không tin hoặc đổ lỗi cho con mình nếu bé kể chuyện bị ai đó xâm hại. Vô tình, nạn nhân lại trở thành người đáng xấu hổ trong khi kẻ xâm hại lại ung dung", nữ tiến sĩ tâm lý phân tích.

Ban đầu, cô Trang đi dạy một mình nhưng sau đó, nhiều đồng nghiệp là bạn bè, học trò cũ biết đến và mê chương trình này nên xin đứng lớp cùng. Hiện, nhóm dạy kỹ năng phòng chống xâm hại cho trẻ tròm trèm chục người, đã dạy hàng trăm tiết học tại hơn 40 trường tiểu học ở TP HCM, với khoảng 20.000 học sinh tham dự.

co-giao-dam-me-day-tre-hoc-phong-chong-xam-hai-o-sai-gon-2

Một tiết học khác tại Tiểu học Trần Hưng Đạo (quận 1) do một đồng nghiệp của tiến sĩ Lê Thị Linh Trang đứng lớp. Ảnh: Lê Thanh Trung

Nhiều thầy, cô hiệu trưởng tiểu học dù không quen biết cô Trang nhưng biết tiếng của chương trình cũng mời cô về dạy cho học sinh. Mỗi khi có lời mời dạy kỹ năng phòng chống xâm hại cho trẻ, cô lại đăng thông tin lên Facebook để rủ đồng nghiệp cùng tham gia.

Bà Nguyễn Thị Ngọc Dung - Phó hiệu trưởng Tiểu học Trần Văn Kiểu (quận 10) đánh giá cao tiết học của cô Trang mang đến cho học sinh trường mình. Bà Dung nói ở trường, các thầy cô ít khi nói về xâm hại tình dục trẻ em với học sinh vì ngại ngùng và thiếu sự am hiểu tâm lý để có thể truyền đạt.

"Cô Trang sử dụng ngôn ngữ, hình ảnh đơn giản nhưng giúp các em rất thích thú, hiểu và áp dụng được kỹ năng để tự bảo vệ mình", bà Dung nhận xét.

Mạnh Tùng

Bài viết theo tháng

Tin nổi bật

Đối tác: