Tôi có chút may mắn khi được trở thành nhà giáo và lại được giảng dạy ở một trường sư phạm giàu truyền thống, nơi được ví như “cái máy cái” sản sinh ra những thầy, cô giáo tương lai cho ngành giáo dục. May mắn đó giúp tôi được đi nhiều, quan sát nhiều và thực sự thấu hiểu được nghề nghiệp, công việc mà các đồng nghiệp tôi đang làm ở khắp mọi miền tổ quốc, ở mọi ngành học, cấp học.
Quan sát đó giúp tôi có nhiều niềm vui với nghề khi thấy ánh mắt long lanh, vẻ mặt hớn hở yêu đời của các em nhỏ, thấy các em đang từng bước trưởng thành giống như những hạt giống khỏe mạnh đang vươn mình phát triển. Song lại có một mặt khác, một góc khuất không nhỏ tôi cũng đã nhìn thấy, nó làm đau đến tận da thịt, xói mòn tâm can và lo sợ không nguôi cho những cách giáo dục phản giáo dục, cho những quan điểm lỗi thời, lạc hậu đang ngày ngày hiện diện ở những nơi được coi là trung tâm của thu và phát văn hóa, là chuẩn mực của mọi chuẩn mực, đó là nhà trường.
Giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh có ý nghĩa lớn, là nhiệm vụ chính song hành với quá trình truyền đạt tri thức trong trường học. Chỉ khi cả hai mục tiêu về tri thức và đạo đức đạt được trong giảng dạy thì mới có thể khẳng định hoạt động giáo dục là có hiệu quả. Thiếu một trong hai yếu tố đó là chúng ta tạo ra những con người chưa hoàn thiện, một là thiếu tri thức khoa học cần thiết cho công việc, hai là thiếu kỹ năng sống trong cộng đồng.
Giáo dục đạo đức là cách chúng ta định hình ra những con người tương lai của đất nước, những công dân can đảm, thẳng thắn, dám đối đầu với khó khăn nguy hiểm, không cúi mình, làm ngơ trước cái xấu, cái ác. Thấy hết điều đó mới thấu hiểu nhiệm vụ cao quý và nặng nề của ngành giáo dục.
Song làm thế nào? Giáo dục như thế nào để tạo ra một thế hệ công dân như vậy. Câu trả lời phải có từ mỗi người thầy giáo, cô giáo. Cầm trên tay viên phấn, viết chữ gì cũng phải suy nghĩ đắn đo thực sự chín chắn, khoác lên mình trang phục nhà giáo nói câu gì cũng phải cẩn trọng cho tương lai.
Lần tôi về làm việc ở một trường trung học cơ sở, trong một giờ chào cờ sau bài hát Quốc ca thiếu hồn, buồn ngủ của hơn 1.000 học sinh, là đến phần liệt kê tội của cô giáo tổng phụ trách, tôi giật mình với quá nhiều tội mà các em bị quy kết và lên án, nào là thiếu nghiêm túc trong giờ học, không chép bài đầy đủ, chọc bạn gái, ném chai nước… Cảm giác như các em đến trường ngoài học ra thì làm bất cứ việc gì cũng sai, cũng phạm quy cả.
Sau phần liệt kê tội là cả một sân trường “phạm nhân” hớn hở lên trước cờ, các em dường như đã biến hình phạt đứng dưới cờ là niềm vui, là một lần được thể hiện mình trước các bạn và hình phạt đó thực sự vô hiệu trước sức phản kháng mạnh mẽ của học sinh.
Tôi đồng ý là có một số học sinh cá biệt, có nhiều hành vi thiếu chuẩn mực, song liệu chúng ta đã đúng khi mang các em ra trước toàn trường để kỷ luật, để làm các em phải xấu hổ, để như là một hình thức thóa mạ tập thể? Hình thức kỷ luật này mang lại hiệu quả gì? Có tốt không? Kết quả thế nào? Không thấy một thầy cô, một nhà sư phạm nào đề cập tới.
Hãy nói đi các thầy cô giáo? Có phải đã đến lúc chúng ta nên chấm dứt hình thức đó? Luật không cho phép sao chúng ta làm? Hiệu quả giáo dục không có sao chúng ta làm? Hãy nghĩ ra một hình thức nào đó mang tính giáo dục hơn, nhân văn hơn và sẽ hiệu quả hơn với những học sinh thân yêu.
Sau lần chứng kiến buổi chào cờ đó, tôi lo sợ, trăn trở và muốn diễn bày suy nghĩ của mình để mong nhận được ý kiến của mọi người. Để có thể chúng ta góp phần làm tốt hơn cho sự nghiệp trồng người.
Thạc sĩ giáo dục Hồ Thương