Thứ bảy, 9/4/2016 | 09:00 GMT+7
Thứ bảy, 9/4/2016 | 09:00 GMT+7
Ngoài món bánh màu trắng truyền thống, các em còn nghĩ ra cách dùng gấc, cà rốt, su su... làm bánh trôi nhiều màu sắc.
Tết Hàn thực 3/3 Âm lịch năm nay, học sinh mầm non và tiểu học Ban Mai (Hà Nội) được thử sức làm món bánh trôi, bánh chay truyền thống. Đây là dịp để các em biết rõ hơn nguồn gốc của tập tục này, cảm nhận được ý nghĩa hướng về gia đình, nguồn cội.
Mỗi lớp học chia ra làm 2 nhóm: nhóm tìm hiểu nguồn gốc, ý nghĩa Tết Hàn thực bằng các bài tập trắc nghiệm, nhóm còn lại làm bánh. Sau khoảng thời gian nhất định, 2 nhóm sẽ đổi vị trí công việc cho nhau.
Các em tự tay làm mọi công đoạn, cô giáo đứng bên hướng dẫn.
Khác với các bé mầm non cần sự hỗ trợ của bố mẹ và cô giáo, học sinh trường Tiểu học Ban Mai tự tin trải nghiệm hết tất cả công đoạn làm bánh trôi.
Nhiều bạn nhỏ hứng khởi khi lần đầu được tự tay nặn bánh.
Choi Ju Yeong (áo trắng), học sinh lớp 3A6 người Hàn Quốc thích thú với việc tạo màu cho những chiếc bánh trôi, bánh chay. Em cho biết kỳ nghỉ hè tới đây khi trở về Hàn Quốc thăm ông bà, em sẽ mang theo bí kíp làm bánh và nhuộm màu để ông bà cùng trải nghiệm, thưởng thức.
Bánh nặn xong được các em chuẩn bị mang đi luộc.
Ngoài món bánh truyền thống, các em cùng đưa ra “ý tưởng sắc màu”, nhuộm màu bằng ruột gấc và nước ép các loại củ quả như bắp cải tím, cà rốt, su su…
Nhiều cha mẹ chia sẻ cuộc sống bận rộn nên gia đình hầu như không tự làm bánh ở nhà, thường mua sẵn về thắp hương. Nhưng khi nhà trường tổ chức làm bánh trôi tại lớp, cha mẹ cũng dành ra một giờ để đồng hành, chia sẻ cùng con. Tết Hàn thực trở nên ý nghĩa nhiều hơn khi cha mẹ cảm nhận được niềm vui của con trẻ, có những khoảnh khắc bình yên thực sự dành cho con cái.
Những viên bánh trôi đầy màu sắc như cầu nối giúp bạn bè, tình cô trò, tình cảm gia đình gắn kết hơn.
Đình Khoa