Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM vừa công bố dự thảo đề án “Giáo dục âm nhạc dân tộc trong trường học trên địa bàn thành phố”. Học sinh tiểu học và THCS mỗi tuần sẽ được học một tiết âm nhạc dân tộc với bài hát và thể loại tùy theo từng độ tuổi khác nhau. Bên cạnh đó, các em sẽ được làm quen với các nhạc cụ dân tộc trong quá trình học.
Theo dự thảo đề án, âm nhạc dân tộc là một hoạt động ngoại khóa và không thay thế môn Âm nhạc trong chương trình giáo dục phổ thông hiện nay.
Riêng ở bậc THPT, âm nhạc dân tộc sẽ được lồng vào môn Âm nhạc theo chương trình sách giáo khoa mới năm 2018 để học sinh tự chọn.
Theo Sở Giáo dục TP HCM, khó khăn lớn nhất của việc triển khai đề án trên là số lượng giáo viên âm nhạc không nhiều và chất lượng không đồng đều.
Hiện thành phố chỉ có 96 giáo viên tiểu học và 16 giáo viên THCS đáp ứng yêu cầu “hiểu biết và sử dụng các loại nhạc cụ dân tộc”.
Ngoài ra, hiệu quả của việc đánh giá kết quả học tập âm nhạc tại các trường chưa cao khi hầu như tất cả học sinh đều ở mức đạt, hoàn thành. Do đó, học sinh chưa tích cực, cố gắng trong học tập môn học này.
Trước đó, từ năm học 2013-2014, TP HCM đã triển khai đưa âm nhạc dân tộc vào trường tiểu học tại TP HCM với mục đích giúp học sinh tiểu học tìm hiểu, thưởng thức âm nhạc dân tộc.
Mạnh Tùng