Kính gửi độc giả báo VnExpress, tôi là tác giả bài báo “Có nên phạt học sinh đứng trước toàn trường trong buổi chào cờ” đăng ngày 6/4 và đã nhận được nhiều ý kiến khen, chê của độc giả. Tôi cầu thị tiếp thu những ý kiến đóng góp đó và qua đây cũng xin giãi bày một đôi điều độc giả quý báo đã quan tâm.
Thứ nhất, rất nhiều độc giả muốn tôi với cương vị là thầy giáo đưa ra giải pháp để xử lý những học sinh vi phạm nội quy, quy định của nhà trường. Có độc giả cho rằng nói dễ làm mới khó, rằng tôi là giảng viên nên không hiểu thực tế giáo dục ở các trường tiểu học, trung học cơ sở còn nhiều áp lực với giáo viên... Tôi có cảm giác đây là những ý kiến, là sự trăn trở của những người trong cuộc, của những đồng nghiệp của tôi ở các trường cấp I, cấp II, những người đang trực tiếp giảng dạy và ngày ngày đối diện với những áp lực lớn từ trường lớp.
Thú thực tôi có kinh nghiệm 10 năm giảng dạy, 10 năm đó tôi có cả nghìn học trò hiện nay giảng dạy ở mẫu giáo, cấp I, II, mối liên hệ với các em sinh viên cũ giờ là đồng nghiệp đã giúp tôi hiểu phần nào nỗi vất vả, khó nhọc của các thầy cô dạy phổ thông. Tôi hiểu và rất chia sẻ nỗi niềm đó của các thầy cô, nhưng nếu vì áp lực lớn về chất lượng dạy học, về thành tích của trường, của lớp mà chúng ta “gò” các em quá là điều rất không nên làm.
Mặt khác cách chúng ta bắt phạt các em đứng dưới cờ tôi thấy chẳng có tác dụng gì. Nếu các em đã sai mà thầy cô lại dùng một biện pháp sai để sữa thì kết quả sẽ thế nào? Có chăng thì nhất thời chấm dứt được hành vi đó chứ không làm thay đổi suy nghĩ và nhận thức về hành vi sai trái của mình.
Về vấn đề xử lý thế nào với học sinh vi phạm nội quy, quy định của nhà trường, tôi không có giải pháp chung cho mọi vi phạm của học sinh mà theo tôi phải dựa vào nội dung vi phạm của các em để chúng ta nghĩ cách giáo dục. Làm được điều này quả thực rất khó, nó đòi hỏi thầy cô có lòng nhiệt huyết, yêu nghề, yêu trò, mỗi thầy cô giáo ngoài là nhà sư phạm còn phải là nhà văn hóa mẫu mực, có ý thức trách nhiệm cao với lời nói và hành động của mình trước học sinh.
Ví dụ, một em quậy phá, vô lễ với giáo viên, thầy cô có thể phạt các em bằng cách bắt chép lại 5 lần một câu chuyện về tình cảm thầy trò, sau đó đọc cho cả lớp cùng nghe. Có người sẽ cười với giải pháp của tôi, cho rằng sẽ không có kết quả gì, chẳng ích gì đối với học sinh vi phạm. Kết quả của dạy học hình thành nhân cách học sinh không thể thấy tức thì qua một bài giảng, một lần phạt mà đó là một quá trình chuyển hóa từ từ trong nhận thức của học sinh. Cái chúng ta cần là sự thay đổi trong nhận thức của các em chứ không phải là một câu xin lỗi gượng ép, một hình phạt mang nặng tính chất răn đe.
Chúng ta có những cách phạt các em bằng biện pháp đầy tính nhân văn, mô phạm và phù hợp với môi trường giáo dục. Mỗi thầy cô giáo phải sáng tạo ra những giải pháp giáo dục nhân văn trên cái nền văn hóa sâu sắc của mình.
Thứ hai, một số độc giả ủng hộ bài viết của tôi, cho rằng cần thay đổi biện pháp để giáo dục các em, vừa đảm bảo được nội quy, quy định trong môi trường giáo dục, vừa phù hợp với thực tiễn phát triển và những tâm sinh lý lứa tuổi học sinh. Nhiều độc giả đã kể lại những câu chuyện của mình và nỗi ám ảnh với những lần xử phạt như vậy. Tôi tin những câu chuyện cảm động đó là chân thật, là minh chứng xác đáng để chúng ta suy nghĩ có nên chấm dứt hình thức xử phạt trước cờ hay không.
Hình thức xử phạt trước cờ với học sinh bắt đầu từ khi nào và chúng ta muốn đạt được kết quả giáo dục gì qua hình thức đó? Ý kiến và những phân tích của độc giả là hết sức đáng quý, đáng trân trọng, thể hiện sự quan tâm lớn của nhân dân đối với sự nghiệp giáo dục nước nhà.
Thứ ba, bài viết của tôi không phê phán các thầy cô giáo, những người trên thực tế không có quyền lựa chọn hình thức xử phạt học sinh mình. Nhiều thầy cô cũng thấy làm vậy là không đúng, không tốt nhưng không lên tiếng hoặc không thể lên tiếng và rồi hình phạt đó cứ kéo dài theo năm tháng, để lại nỗi ám ảnh trong suốt cuộc đời như một số chia sẻ của các độc giả.
Cuối cùng tôi chân thành cảm ơn quý báo đã cho tôi có dịp trao đổi về vấn đề mình còn nhiều băn khoăn, cảm ơn quý độc giả đã chia sẻ về bài viết. Chúng ta tin tưởng với kiến thức và lòng yêu nghề, các thầy, cô giáo sẽ đào tạo ra những hiền tài cho đất nước, tạo ra nguyên khí vững bền để xây dựng một quốc gia hưng thịnh.
Trân trọng!
Hồ Thương