Thứ Ba, 28 tháng 6, 2016

Chiều 28/6, Chương trình phát triển công nghiệp vi mạch TP HCM trao những bộ KIT SG8V1 (con chip đầu tiên do Việt Nam thiết kế) cho sinh viên Trường Đại học Giao thông Vận tải – Cơ sở II.

tp-hcm-tang-chip-tu-thiet-ke-cho-sinh-vien

TP HCM tặng chip cho các trường đại học để sinh viên nghiên cứu. Ảnh: Duy Trần

Ngoài đại học này, các trường Bách khoa, Sư phạm Kỹ thuật, Công nghệ thông tin sẽ được trao tổng cộng 40 bộ KIT trị giá khoảng 240 triệu đồng. Đây là lần đầu tiên những bộ chip thiết kế trong nước được chuyển về các trường đại học để nghiên cứu, phát triển nguồn nhân lực vi mạch.

Bốn đại học này sẽ được đầu tư phòng thí nghiệm ứng dụng vi mạch Việt với cơ sở vật chất ban đầu gồm các bộ KIT SG8V1, sách hướng dẫn sử dụng và khóa tập huấn chuyển giao giáo trình hướng dẫn sử dụng. Kinh phí được tài trợ bởi Chương trình phát triển công nghiệp vi mạch TP HCM giai đoạn 2013–2020 thông qua Sở Thông tin Truyền thông.

Ông Lê Thái Hỷ - Giám đốc Sở Thông tin Truyền thông TP HCM – cho rằng, hằng ngày, hầu hết người Việt cầm trên tay đồ dùng điện tử nhưng việc thiết kế và chế tạo lại dựa hết bên ngoài. Theo ông, ngành vi mạch trong nước phải phát triển mạnh mẽ để có thể tự làm ra những con chip phục vụ an ninh quốc phòng, tránh nước ngoài nắm bắt, kế đến ứng dụng rộng rãi vào cuộc sống.

"Việc tặng chip cho sinh viên nghiên cứu là một phần trong kế hoạch mở rộng sự hiểu biết của sinh viên TP HCM với mục tiên đào tạo được 2.000 kỹ sư về vi mạch đến năm 2020", ông Hỷ nói.

Sau khi tặng chip cho các trường đầu tiên, năm nay, Trung tâm Nghiên cứu và đào tạo phát triển Vi mạch (ICDREC) tiếp tục làm việc với các trường đại học, viện, trung tâm nghiên cứu để thực hiện nhân rộng thêm 6 phòng thí nghiệm.

Duy Trần

Bài viết theo tháng

Tin nổi bật

Đối tác: