Thứ Hai, 1 tháng 8, 2016

Ngày 2/8, thầy Nguyễn Mạnh An, Hiệu trưởng Đại học Hồng Đức cho biết, nhà trường vừa nhận hồ sơ xin đặc cách theo học ngành sư phạm đối với nữ sinh Lê Thị Thắm (quê xã Đông Thịnh, huyện Đông Sơn). Thắm sinh ra đã không có hai tay, nhưng nghị lực vươn lên, là tấm gương sáng để sinh viên noi gương.

“Ước mơ của em là được theo học ngành sư phạm tiếng Anh để tích lũy thêm kiến thức sau này về dạy những em nhỏ trường làng và những người khuyết tật như em. Vì thế, nhà trường muốn chắp cánh cho ước mơ của em”, thầy An nói.

nu-sinh-khong-tay-duoc-dac-cach-vao-dai-hoc

Lê Thị Thắm vẫn tham dự kỳ thi THPT quốc gia dù được đặc cách. Ảnh: Lê Hoàng.

Đại diện Đại học Hồng Đức cho hay, Thắm là trường hợp đặc biệt nên nhà trường sẽ tạo điều kiện hết mức hỗ trợ em và gia đình. Trước mắt, trường sẽ bố trí cho Thắm và mẹ em được ở trong ký túc xá, bố trí bàn học riêng cho em ngồi học, đồng thời tìm việc làm phù hợp cho mẹ của Thắm, để mẹ em có thêm thu nhập và có thời gian đưa đón em đến lớp.

Hiệu trưởng Đại học Hồng Đức hứa sẽ tìm kiếm các suất học bổng giúp Thắm có điều kiện trang trải cuộc sống. Sắp tới trong dịp khai giảng vào tháng 9, nhà trường sẽ trao cho Thắm một suất học bổng, do tiến sĩ Bùi Sỹ Lợi (Phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội) tài trợ.

Thắm chia sẻ, rất xúc động trước tình cảm mà nhà trường dành cho mình và hứa học tập thật chăm chỉ để không phụ sự kỳ vọng của mọi người. “Em sinh ra không được may mắn như bao bạn trẻ khác, nhưng luôn được cha mẹ, thầy cô và bạn bè chia sẻ. Em sẽ viết tiếp ước mơ trên đôi chân của mình”, Thắm nói.

Trong kỳ thi THPT quốc gia vừa qua, Thắm đạt 17,83 điểm, cộng với điểm ưu tiên vùng được 18,83. “Hôm biết kết quả em hơi buồn, vì môn tiếng Anh và Ngữ Văn, em mới làm được một nửa thời gian thì bị ngất…”, Thắm nói. Với số điểm này, Thắm đủ điều kiện vào Hồng Đức, nhưng do sư phạm là ngành đặc thù không tuyển thí sinh khuyết tật nên em phải được đặc cách mới có thể theo học.

Chị Nguyễn Thị Tình, mẹ Thắm chia sẻ, gần đây Thắm ốm liên tục, gia đình đưa em đi khám ở Hà Nội, bác sĩ thông báo, em cần mổ để cắt u ở xương cầu vai. Do sức khỏe không đảm bảo nên Thắm cần thêm thời gian bồi dưỡng rồi mới phẫu thuật. “Giúp con thực hiện ước mơ, tôi sẽ phải bỏ hết công việc nhà, ruộng nương để đi theo chăm sóc. Phần việc ở nhà đành để bố cháu vừa đi phụ hồ vừa nuôi bé thứ hai thôi. Dù biết sẽ đối diện vô vàn khó khăn, nhưng tôi vẫn sẽ nỗ lực bằng mọi giá giúp con thực hiện tâm nguỵen của mình”, chị Tình nói trong nước mắt.

Chào đời năm 1998, Thắm không có đôi tay như bao đứa trẻ bình thường khác. Lớn lên, Thắm vận động và có thể tự sinh hoạt cá nhân, giúp cha mẹ làm việc nhà bằng đôi chân khéo léo. Đến tuổi đi học, thấy bạn bè đến trường, em đòi mẹ cho đi học. Bàn chân khô cứng vốn chỉ dùng để đi lại giúp cô bé tập viết những nét chữ khòng khoèo đầu tiên. Hai ngón chân kẹp bút để viết bị phồng rộp, tê cứng nhưng Thắm không từ bỏ.

Đau đớn nhưng Thắm vẫn ngồi lì một chỗ, nắn nót từng nét chữ. Nhờ chăm chỉ học quên ăn quên ngủ nên Thắm tiến bộ rất nhanh. Học viết bằng bút chán, Thắm tiếp tục tập viết bằng phấn, bất chấp việc bị phấn ăn khiến chân lở loét, máu tứa ra mỗi khi vận động mạnh. Mỗi đêm sau buổi tập viết, người mẹ lại lấy thuốc bôi vào chỗ loét cho con. Năm 2004, vượt qua kỳ sát hạch, Thắm được nhận vào trường tiểu học ở gần nhà.

Những năm sau đó, người mẹ luôn ở bên và động viên con gái vượt qua tất cả thử thách. Từ cấp 1 đến hết lớp 12, nữ sinh đều được mẹ đưa đến trường. Từ năm lớp 1 đến lớp 12, em liên tiếp đạt danh hiệu học sinh khá giỏi, nhận nhiều giải thưởng, bằng khen và học bổng về nghị lực sống. Không những viết chữ, vẽ tranh, nữ sinh còn dùng laptop thành thạo bằng đôi chân.

Lê Hoàng

Bài viết theo tháng

Tin nổi bật

Đối tác: