Tôi là giáo viên cấp 2 dạy môn Hóa, thuốc thế hệ 9x. Xin phép được dùng cách xưng hô “tôi” để dễ dàng thể hiện quan điểm và phù hợp với tất cả phụ huynh, sinh viên, học sinh. Hiện nay vấn đề dạy thêm - học thêm gây nhiều tranh cãi, mỗi người một ý kiến, tôi đều tôn trọng quan điểm của các bạn. Tôi cũng xin đưa thêm những suy nghĩ của cá nhân, của người trong ngành giáo dục để mọi người hiểu.
Về chương trình học, tôi thấy tất cả mọi người đều kêu nặng, là giáo viên tôi hoàn toàn đồng ý. Trong một tiết dạy kéo dài 45 phút, chúng tôi mất khoảng 15 phút đầu tiên để ổn định lớp, kiểm tra bài cũ, vậy còn 30 phút rất khó để giảng hết nội dung trong sách giáo khoa. Trong chương trình Hóa học 9, riêng bài đầu tiên oxit, tôi phải mất một tiết rưỡi giảng học sinh mới hiểu và viết được phương trình hóa học. Tôi nói thế để các bạn hiểu, giáo viên lúc nào cũng phải trong tâm thế chạy đuổi chương trình.
Giáo án muốn đưa thêm bài tập thì cũng không có thời gian chữa. Nhiều lớp chọn, một tiết có thể thoải mái, nhưng với lớp thường, oxit, axit… là gì, các em đều không nhớ, chúng tôi lại phải mất thời gian nhắc lại. Hơn nữa tuy tính chất hóa học oxit bazơ tác dụng với nước thành dung dịch bazơ, không phải oxit bazơ nào cũng phản ứng, sách giáo khoa không ghi rõ ra oxit nào không tác dụng, oxit nào tác dụng được, nhưng tôi phải dạy học sinh để khi đi thi các em không sai.
Về chuyện thi cử, kỳ thi đại học hay lên trung học phổ thông, các bạn muốn con mình vào trường tốt thì chắc chắn phải đi học thêm. Học buổi chiều ở trường hay học đội tuyển học sinh giỏi cũng đều là học thêm cả, nên các bạn đừng nghĩ con mình thi giải này giải nọ không phải nhờ học thêm.
Về chuyện giáo viên đì học sinh, không bung hết kiến thức, tôi không phủ nhận, nhưng trường tôi đang dạy đa phần giáo viên rất tâm huyết. Giáo viên cũng chịu áp lực thi cử thành tích còn hơn cả học sinh, nên không bung hết kiến thức chẳng qua do không có thời gian dạy mà thôi. Một lớp bao nhiều em, chúng tôi đâu thể quan tâm từng em được.
Về học sinh, tôi xin nhận xét đa phần học sinh bây giờ lười suy nghĩ, lười làm bài tập. Mỗi lần giao bài tập trên lớp, tôi phải đi xuống hết tổ này tổ kia hối thúc các em làm bài, mở lại vở xem lý thuyết, nói các em cứ làm đi, sai cũng được. Nhưng không, một lớp thường chỉ cần 5-10 học sinh làm được bài đã là giỏi rồi. Đơn giản như công thức n = m/ M, yêu cầu các em rút ra tính m, nhiều em còn khó khăn, hoặc chẳng cần quan tâm cô giáo yêu cầu gì.
Ngày xưa không cần học nhiều vẫn đỗ cao. Vì sao? Đó là do lúc đó game, điện thoại, Facebook chưa có, cùng lắm học sinh mê đá bóng, còn bây giờ game còn có sức mạnh hơn bóng đá nhiều các bạn ạ. Các bạn cứ kèm con em mình tốt, ở nhà kiểm tra xem con mình đã làm hết bài tập hay chưa, thì giáo viên chúng tôi sẽ bớt đi sự mệt mỏi căng thẳng. Các bạn cứ thử dạy mới thấy chúng tôi cũng không nhàn hạ gì. Hơn nữa các môn không thi, học sinh không có tinh thần học, bây giờ xã hội là như vậy.
Vì sao giáo viên dạy Văn lại bắt các em học thuộc, trong đó tôi ngày xưa học môn này thấy rất nhẹ nhàng, chỉ cần chú ý nghe giảng, đọc qua phần thầy giáo phân tích là nhớ được? Đó là do các em lười suy nghĩ, và để đảm bảo chất lượng giáo viên phải dùng mọi biện pháp dọa có, phạt có để các em học bài. Chúng tôi cũng phải hoàn thành sổ sách, chấm bài, thời gian đó cũng không ít đâu, mỗi ngành nghề có đặc thù riêng. Nếu các bạn nghĩ nó nhàn, vậy sao không theo, phải chăng đây là sự ganh tị?
Tôi mới đi dạy được 3 năm nên trong năm học tôi rất bận, chỉ có 3 tháng hè là được thoải mái. Hơn nữa giáo dục lại hay đổi mới, chúng tôi cũng rất vất vả để theo. Về cá nhân mình, lương tôi không khác gì giáo viên thể dục, công dân… Với cấp 2, môn Hóa cũng chỉ được xem như môn phụ nhưng nếu có thi cử, tôi chỉ dạy thêm ở trường 2,5 buổi chiều. Thời gian đó cũng rất ngắn để ôn tập lại cho các em. Nếu như không thi, lương tôi không có thêm khoản nào cả, so với giáo viên môn chính đương nhiên thấp hơn nhiều. Nhưng tôi nghĩ lương họ được cao hơn mình do phải đi dạy các buổi chiều thêm cho học sinh, cũng là mô hôi công sức của họ “phải bán phổi nuôi thân”.
Năm ngoái các em học tôi cũng đề nghị tôi mở lớp dạy, tôi chỉ nói các em cứ học như trong vở ghi tôi dạy, chăm làm bài tập là giỏi vì tôi biết các em trên lớp cũng bị giáo viên môn chính ép học nhiều và phần vì muốn các em tự học nữa. Giáo viên ép cũng vì kết quả thi cử mà thôi, chúng tôi cũng mong bài thi đơn giản hơn, nhẹ nhàng hơn với các em lắm. Tuy nhiên cũng có phụ huynh muốn tôi đến nhà kèm riêng chó con họ, tôi chối không được cũng đành dạy (tôi dạy em học yếu hoặc em muốn thi học sinh giỏi), tôi nói rõ để các bạn hiểu.
Vì sao tôi chối vì đi dạy phải nói phải giảng cũng mệt các bạn ạ, muốn kiếm được nhiều tiền từ việc dạy thêm, các đồng nghiệp của tôi phải dạy từ sáng đến tối, giáo viên nam còn phù hợp, chứ nữ sẽ vất vả hơn. Cá nhân tôi nghĩ nếu còn dạy thêm thì giáo viên chỉ nên dạy thêm buổi chiều ở trường để tối còn có thời gian soạn bài, lo toan gia đình. Còn nếu cấm dạy thêm thì nên đổi mới giáo dục, sách cần nhẹ nhàng hơn và đề thi dễ hơn, đừng lan man nhiều các dạng bài, vì học xong cũng không áp dụng được nhiều. Đề bây giờ có khi dễ hơn lúc tôi thi đại học, nhưng đã 7 năm rồi, thế hệ học sinh bây giờ cũng khác ngày xưa, các em thích chơi hơn, đa phần là vậy phụ huynh ạ.
Trên đây tôi đưa ra một số khía cạnh để mọi người hiểu hơn. Thực sự vẫn còn nhiều giáo viên có tâm lắm, nên các bạn đừng nói một nửa hay 90% giáo viên cố gắng kiếm tiền dựa vào học sinh, thật sự tôi rất xót xa. Ngày xưa vì giáo viên dạy đội tuyển Hóa của tôi giúp tôi từ học sinh không hiểu gì thành người học tốt môn này, vì những bài học của cô giáo dạy môn Giáo dục công dân, dạy Văn của tôi ở cấp 3 mà tôi muốn theo ngành sư phạm (dù các cô cũng nói ngành giáo dục này bạc bẽo lắm) và tôi mong mọi người đừng vơ đũa cả nắm.
Nhân đây tôi mong các bậc phụ huynh nên có định hướng đúng đắn cho con mình, đừng giao phó hết cho giáo viên, chúng tôi không thể thay các bạn hoàn toàn trong việc giáo dục con cái.
Đỗ Thị Cẩm Vân