Thứ hai, 21/11/2016 | 10:21 GMT+7
Thứ hai, 21/11/2016 | 10:21 GMT+7
Phần Lan vẫn đứng đầu thế giới về chất lượng giáo dục. Singapore và Nhật Bản có mặt trong danh sách nhờ kết quả học tập của học sinh luôn cao.
1. Phần Lan
Danh sách 11 nước đứng đầu về chất lượng giáo dục được Independent đăng tải ngày 19/11 dựa trên phân tích dữ liệu của Diễn đàn Kinh tế Thế giới. Phần Lan thường xuyên đứng đầu bảng xếp hạng của hệ thống giáo dục toàn cầu. Bất kể khả năng của học sinh không giống nhau, các em đều được dạy trong các lớp tương tự nhau. Kết quả, khoảng cách giữa học sinh tốt nhất và học sinh kém nhất ở Phần Lan là nhỏ nhất trên thế giới. Trường học ở quốc gia này rất hiếm khi giao bài tập về nhà và học sinh chỉ phải trải qua một kỳ thi bắt buộc ở độ tuổi 16. Ảnh: Getty Images
2. Thụy Sĩ
Chỉ có 5% học sinh ở Thụy Sĩ theo học trường tư. Các bài học được giảng bằng tiếng Đức, Pháp hoặc Italy, phụ thuộc vào khu vực. Từ cấp hai trở đi, học sinh được phân cách tùy khả năng. Ảnh: Swissgetaway
2. Bỉ
Cùng xếp vị trí thứ hai là Bỉ. Quốc gia này có 4 loại trường trung học, bao gồm trường phổ thông, trường kỹ thuật, trường dạy nghề và trường nghệ thuật. Giáo dục được ưu tiên cao, chiếm thị phần lớn nhất trong ngân sách hàng năm của chính phủ. Giáo dục công lập và tư thục có sẵn cho trẻ em từ 4 đến 18 tuổi, yêu cầu rất ít chi phí hoặc miễn phí. Ảnh: e-architect
4. Singapore
Singapore đạt điểm rất cao trong chương trình đánh giá sinh viên quốc tế PISA (mục đích đo lường và so sánh hiệu suất học tập ở các nước khác nhau). Tuy nhiên, hệ thống trường học ở đất nước này cũng nổi tiếng là tạo nhiều áp lực cho giới trẻ. Ảnh: Wikipedia
5. Hà Lan
Theo nghiên cứu năm 2013 của UNICEF, trẻ em Hà Lan hạnh phúc nhất thế giới. Học sinh thường không được giao nhiều bài tập về nhà cho đến khi lên cấp hai. Trường học được phân chia thành trường tôn giáo, trường công lập "trung tính", chỉ có một số ít trường tư. Ảnh: Getty Images
6. Qatar
Theo BBC năm 2012, Qatar trở thành "một trong những cầu thủ quan trọng nhất trên mặt trận đổi mới giáo dục". Đất nước dầu mỏ đang đầu tư rất nhiều trong việc cải thiện tiêu chuẩn giáo dục như một phần của chiến lược Tầm nhìn 2030. Trường công lập cung cấp giáo dục miễn phí nhưng chỉ áp dụng cho công dân Qatar. Công dân nước ngoài có xu hướng gửi con đến trường tư thục. Ảnh: dohalife
6. Ireland
Ireland đồng hạng với Qatar trên bảng xếp hạng hệ thống giáo dục. Đa số trường trung học ở Ireland do tư nhân sở hữu và quản lý, nhưng được nhà nước tài trợ. Theo báo cáo gần đây, chi tiêu của Ireland cho giáo dục hiện giảm 15% do khủng hoảng tài chính kéo dài từ 2008 đến 2013, vì vậy hệ thống giáo dục rất có thể chịu ảnh hưởng trong tương lai. Ảnh: National Geographic
8. Estonia
Theo số liệu năm 2015, Estonia dành khoảng 4% GDP cho giáo dục. Luật Giáo dục năm 1992 của nước này chỉ ra mục tiêu của giáo dục là "tạo điều kiện cho sự phát triển cá nhân, gia đình và đất nước Estonia; thúc đẩy sự phát triển của các dân tộc thiểu số, đời sống kinh tế, chính trị, văn hóa ở Estonia và bảo tồn thiên nhiên trong bối cảnh kinh tế và văn hóa toàn cầu; dạy về giá trị của công dân; thiết lập các điều kiện tiên quyết cho việc tạo ra truyền thống học tập suốt đời trên toàn quốc". Ảnh: news.err.ee
9. New Zealand
New Zealand cung cấp giáo dục tiểu học và trung học từ 5 đến 19 tuổi, độ tuổi bắt buộc học là từ 6 đến 16. Có 3 loại trường trung học tại New Zealand: trường công lập chiếm 85% học sinh, trường bán công chiếm 12% và trường tư chiếm 3%. Ảnh: Otagogirls
9. Barbados
Chính phủ Barbados đầu tư mạnh vào giáo dục, kết quả là 98% dân số biết chữ, một trong những tỷ lệ cao nhất thế giới. Hệ thống trường tiểu học dành cho học sinh từ 4 đến 11 tuổi, trường trung học dành cho học sinh từ 11 đến 18 tuổi. Đa số trường học ở cả hai cấp này đều do nhà nước sở hữu và quản lý. Ảnh: Pinterest
9. Nhật Bản
Cùng xếp ở vị trí thứ 9 với New Zealand và Barbados là Nhật Bản. Đây là quốc gia thuộc top đầu về trình độ học vấn, bao gồm khoa học và toán học, trong Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế. Học sinh trải qua 6 năm tiểu học, 3 năm trung học cơ sở, 3 năm trung học phổ thông trước khi vào đại học. Trung học phổ thông là không bắt buộc, tuy nhiên tỷ lệ tham gia tuyển sinh là gần 98%. Ảnh: euromic
Phiêu Linh