Chủ Nhật, 19 tháng 6, 2016

Tại hội thảo “Trường học không áp lực, đi học là hạnh phúc” do hệ thống trường CGD Victory (trường thực nghiệm thứ ba ở Hà Nội) tổ chức sáng 19/6, GS Hồ Ngọc Đại chia sẻ nhiều vấn đề nóng của giáo dục.

gs-ho-ngoc-dai-hay-de-tre-duoc-vui-choi-trong-he

GS Hồ Ngọc Đại.

- Trước thời điểm tuyển sinh đầu cấp là cuộc chạy đua khốc liệt của phụ huynh trong việc chọn trường cho con, ông đánh giá thế nào về hiện tượng này? 

Tiêu chí chọn trường cho con phụ thuộc vào quan điểm, mong muốn của từng phụ huynh. Cá nhân tôi cho rằng trường học tốt là nơi phải quan tâm đến cuộc sống của trẻ, quan tâm và tôn trọng từng cá nhân, mỗi đứa trẻ là chính nó chứ không phải người khác.

Việc phụ huynh phải đi tìm trường ở nhiều nơi chứ không phải cho trẻ học ngay nơi mình ở cho thấy sự bất thường của giáo dục. Trẻ sẽ học tốt nhất ở ngay nơi sinh sống, với những người bạn hàng xóm thân thiết hàng ngày, với môi trường, không gian thân thuộc, gần gũi. 

Nếu một nền giáo dục lành mạnh thì bất cứ ở đâu học cũng tốt. Sản phẩm giáo dục đáng lẽ phải phụ thuộc vào công nghệ, phương pháp giáo dục chung, bất cứ ở đâu học cũng theo công nghệ đó và bất cứ ở đâu học cũng tốt. Chẳng hạn dạy tiếng Việt, công nghệ giáo dục của tôi dạy tốt ngay ở miền núi Lào Cai, với học sinh dân tộc thiểu số. Các giáo viên phải dùng công nghệ có sẵn chứ không phải sáng kiến kinh nghiệm. Trông cậy vào sáng kiến cá nhân là tư duy cũ, lạc hậu.

Thế nhưng giáo dục hiện nay bất thường ở chỗ chất lượng sản phẩm lại phụ thuộc vào cá nhân từng giáo viên và huy động sáng kiến kinh nghiệm. Và vì thế phụ huynh đôn đáo đi chọn trường, chọn lớp cho con. Những tồn tại đó cho thấy sự thất bại của nghiệp vụ sư phạm, sự lạc hậu của nền giáo dục.

- Bên cạnh một bộ phận phụ huynh lo tìm trường, tìm lớp cho con thì một số khác đôn đáo tìm lớp học hè. Theo giáo sư, con trẻ nên có một mùa hè thế nào? 

- Tôi cho rằng không nên cho trẻ đi học hè, hãy để trẻ vui chơi vì với trẻ, vui chơi là hạnh phúc. Việc phụ huynh cho con đi học trước lớp 1 cũng rất tệ. Cuộc đời còn rất nhiều thứ cần học chứ không phải chỉ có những con chữ.

Học trước, học thêm là điều rất không nên, nhưng không học thêm thì điểm của con thấp, trong khi phụ huynh rất quan trọng chuyện này. Giữa hai cái tồi tệ, người ta chọn cái ít tồi tệ hơn, và cho con đi học thêm. Việc này càng phải cho thấy phải đổi mới giáo dục.

Tôi may mắn có một tuổi thơ đẹp. Nghĩa là được vui chơi, được làm những gì mình thích mà không bị ép học.

- Vậy ngành giáo dục cần đổi mới như thế nào thưa giáo sư?

- Đảng và Nhà nước đã có nghị quyết về đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục. Tôi rất ủng hộ và hoan nghênh Nghị quyết này. Nó cho thấy sự quyết tâm chính trị về đổi mới giáo dục.

Trong những năm qua, tất cả các ngành đều có nhiều thay đổi, riêng giáo dục thì gần như không, chỉ có những thay đổi mang tính vụn vặt. Thay đổi là phải từ tận gốc nghiệp vụ sư phạm theo nguyên tắc học sinh phải tự tìm hiểu, tự làm. Khi trẻ tự học lấy, tự làm lấy thì sẽ tự tin, tự trọng.

Tuy nhiên, tư duy giáo dục ở nước ta hiện nay chỉ lo trẻ không làm được. Nguyên một Bộ trưởng Giáo dục từng nói với tôi: “Đến sinh viên đại học cũng chưa tự học được, nói gì đến trẻ em”. Lối suy nghĩ truyền thống đó mình chưa phá vỡ được. Trong khi đó, mất thời gian là mất tuyệt đối, không thể cứu vãn được. Những đứa trẻ lớn lên “trông trời, trông đất, trông mây” chứ không trông vào chính mình.

Ý chí chính trị về đổi mới căn bản toàn diện là tốt nhưng phải có công nghệ thực thi. Một mình ngành giáo dục cũng không làm hết được các công việc. Ví dụ việc chống dạy thêm, học thêm, Đảng và chính quyền phải đứng ra làm. Dạy thêm, học thêm không chỉ ở trường học mà ở khắp nơi, ngành giáo dục không có gì trong tay thì sao có thể làm được. Vì vậy cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị.

Lan Hạ

Bài viết theo tháng

Tin nổi bật

Đối tác: