Thứ Sáu, 17 tháng 6, 2016

Sáng lập ra Đại học trực tuyến FUNiX, ông Nguyễn Thành Nam còn là Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Đại học FPT. Ông cũng là một trong 13 người đặt nền móng đầu tiên để hình thành nên Tập đoàn FPT.

Với chiến công trong việc khai phá và phát triển xuất khẩu phần mềm cho Tập đoàn, ông từng giữ chức CEO kiêm Chủ tịch HĐQT của FPT Software, CEO của FPT.

Với biệt danh “Nam già”, ông được nhiều người nhớ ngay đến như một dị nhân hàng đầu ở FPT. Ông là vị thủ lĩnh phong trào của FPT, đồng thời là nhân vật biểu trưng cho văn hóa độc lạ ở FPT. Ông thường có những suy nghĩ khác người, nhiều mơ mộng, dí dỏm một cách thông thái và đặc biệt rất sáng tạo. Với gần 30 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực phần mềm và quản lý, hiện ông Nam vẫn được tín nhiệm ở vai trò Cố vấn sáng tạo FPT.

sep-lon-trong-nganh-cong-nghe-di-day-them

Ông Nguyễn Thành Nam - một trong 13 người sáng lập ra FPT cũng là người đứng đầu đại học trực tuyến đầu tiên tại Việt Nam.

Là một trong những thầy giáo ưu tú tại FUNiX, ông Phan Phương Đạt từng được biết đến là một trong những cậu bé vàng của nền Toán học Việt Nam. Ông hai năm liên tiếp đoạt hai huy chương Olympic Toán quốc tế và được ba đời Thủ tướng tặng bằng khen.

Gần 20 năm làm việc tại FPT, ông Đạt trải qua nhiều cương vị quan trọng như Giám đốc nhân sự FPT, Phó tổng giám đốc FPT Software, Hiệu phó Đại học FPT…

Trong quá trình công tác, Tiến sĩ Đạt áp dụng kỹ năng, tư duy Toán học giải đáp nhiều bài toán khó trong thực tiễn. Hiện ông là Trưởng ban Đào tạo FUNiX, đồng thời phụ trách Câu lạc bộ Tài năng trẻ FPT. Tinh thần phản biện cao, hóm hỉnh nhưng sâu sắc, lại có biệt tài biến đồ cũ, hỏng thành đồ mới, dùng được, ông Phan Phương Đạt cũng được xếp vào hàng “quái nhân” của FPT.

Còn mentor Trần Nam Dũng được nhiều người ví von là "ông bầu" của nhiều thần đồng Toán học. Dưới bàn tay huấn luyện của thầy giáo này, nhiều học sinh đã đạt huy chương Toán, Tin quốc tế.

Xuất thân là học sinh chuyên Toán, trường Trung học Phan Châu Trinh, Đà Nẵng, năm 1983, ông Dũng giành giải Nhì Toán quốc tế tại Paris (Pháp), sang Nga du học và làm nghiên cứu sinh. Thời đó, ông Dũng là tiến sĩ Toán xuất sắc của Đại học Tổng hợp Lomonosov và được trao tặng nhiều bằng khen của Chủ tịch nước, Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục…

Ông Dũng sau đó đầu quân về trường Đại học Khoa học tự nhiên TP HCM, là huấn luyện viên trưởng đội tuyển Toán trường Phổ thông Năng khiếu (thuộc Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia TP HCM) từ năm 1997-2003.

Nhiều thần đồng Toán học Việt đều là học trò của ông như: Lâm Xuân Nhật (Huy chương Đồng kỳ thi Tin học quốc tế năm 2002), Nguyễn Đăng Khoa (Huy chương Bạc Toán học quốc tế lần 44, năm 2003), Lê Quang Nẫm (Huy chương Vàng Olympic Toán châu Á - Thái Bình Dương năm 2002)…

Cũng là một trong những mentor xuất sắc, Tiến sĩ Hoàng Giang có nhiều năm công tác trong lĩnh vực Công nghệ thông tin ở Nga, Việt Nam và Nhật Bản.

Ngoài chuyên môn về lĩnh vực IT, ông còn nắm vững kiến thức lĩnh vực Cơ khí và Quang học tại. Tiến sĩ Hoàng Giang có nhiều đóng góp cho Tổng Công ty Viettel - nơi ông đang giữ chức Phó giám đốc Trung tâm Sản phẩm ứng dụng.

Ông có bề dày kinh nghiệm trong các lĩnh vực như: quản lý phát triển sản phẩm, quản lý dự án, lập trình phần mềm, quản lý và đào tạo nhân viên… Một số dự án lớn ông từng tham gia gồm: dịch vụ giám sát và chống trộm xe máy; dịch vụ giám sát phương tiện vận tải; hệ thống tính cước và chăm sóc khách hàng; hệ thống chuyển mạng giữ số,…

15 năm làm việc trong lĩnh vực phần mềm giúp ông Nguyễn Việt Quang - Giám đốc Công nghệ của Công ty UDC (Universal Data Communication) tích lũy không ít kinh nghiệm. Ông tốt nghiệp Thạc sĩ chuyên ngành Khoa học máy tính của Học viện Bách Khoa Kiev, Ukraine.

Ông Quang có 9 năm va vấp ở mảng thương mại tại thị trường Singapore, đặc biệt là mảng thiết kế cũng như phát triển đa nền tảng và môi trường mạng; 6 năm nghiên cứu C/C ++ và Java lập trình đa nền tảng. Ông có nhiều hiểu biết với RDBMS; kinh nghiệm phát triển và lãnh đạo dự án; sở hữu chứng chỉ Brainbench và reCertifications mà nhiều người mơ ước.

Thời đi học, ông Quang từng đoạt nhiều giải thưởng danh giá như Olympic Toán học tổ chức giữa Học viện Thực hành và các trường đại học tại Ukraine; giải Tư Olympic Toán học giữa các trường đại học và các nước cộng hòa thuộc Liên bang Xô Viết.

FUNiX hiện có 255 mentor, trong đó 55 người tham gia hệ thống trực tuyến thường xuyên để giải đáp thắc mắc của sinh viên, 200 mentor dự bị còn lại sẵn sàng hỗ trợ thông tin và tham gia giảng dạy khi cần thiết.

Điều đặc biệt là họ không lên lớp đứng giảng mà chỉ nhận trả lời các câu hỏi, hướng dẫn sinh viên qua hệ thống online. Với cơ chế trả lương khác biệt, mức thu nhập của các mentor tỷ lệ thuận với số câu hỏi nhận được từ sinh viên. Do vậy, mentor nào được nhiều sinh viên chọn hỏi thì thu nhập cao.

N.Loan

Bài viết theo tháng

Tin nổi bật

Đối tác: