Hơn 30 nhóm sinh viên khoa Cơ khí chế tạo máy (Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP HCM) tham gia cuộc thi múa rối tự động tại sân trường, tối 23/12. Sản phẩm dự thi là những robot điều khiển từ xa, được thiết kế làm đồ án cho môn "Nhập môn cơ điện tử".
Robot múa rối của tiết mục Sự tích Hồ Gươm. Ảnh: Mạnh Tùng |
Lấy ý tưởng sự tích Hồ Gươm, Vũ Nhật Tú cùng nhóm bạn mất 3 tuần thiết kế robot thuyền chở vua Lê Lợi và một robot Rùa thần. Kịch bản với thời lượng 3 phút tái hiện câu chuyện vua Lê cùng quần thần bơi thuyền ra hồ Tả Vọng thì Rùa thần nổi lên, đòi gươm báu.
"Các thiết bị được chúng tôi mua, một số ít được tái chế từ máy móc cũ và tận dụng chai nhựa, các miếng xốp có sẵn. Vừa làm, vừa sửa chữa rất nhiều mới có được sản phẩm hoàn chỉnh", Tú cho biết.
Trong khi đó, nhóm Trần Nghĩa Tường lấy ý tưởng cuộc chiến của Sơn Tinh, Thủy Tinh để chế tạo 2 robot múa rối tượng trưng cho hai nhân vật này. Robot nổi trên mặt nước nhờ chiếc phao và giao chiến với nhau, tranh giành Mỵ Nương.
"Khó nhất là làm sao cho cử động của robot phải uyển chuyển thì tiết mục của mình mới hấp dẫn", nam sinh chia sẻ.
Tại cuộc thi, các đội khác cũng lấy ý tưởng từ chuyện cổ tích Thánh Gióng, Cô gái quàng khăn đỏ, Ông lão đánh cá và con cá vàng... để thiết kế robot. Tuy nhiên, khi biểu diễn nhiều đội đã thất bại ngay từ những giây đầu tiên khi robot mới ra sân khấu đã lật ngửa hoặc động cơ không chạy.
Một tiết mục robot múa rối tại cuộc thi. Ảnh: Mạnh Tùng |
PGS.TS Nguyễn Trường Thịnh, Trưởng khoa Cơ khí chế tạo máy cho biết, cuộc thi nhỏ này vừa là sân chơi cho sinh viên năm nhất, vừa là bài kiểm tra môn học. Dự kiến đầu năm sau, trường sẽ tổ chức cuộc thi thiết kế chế tạo các robot rối nước có thể tự giao tiếp với nhau với một kịch bản có sẵn
"Chúng tôi muốn có những robot múa rối thay cho người điều khiển, với ý nghĩa đưa ứng dụng công nghệ kỹ thuật trong nghệ thuật truyền thống", ông Thịnh cho biết.
Mạnh Tùng