Thứ Bảy, 23 tháng 7, 2016

Sau bài viết gây xôn xao dư luận của thầy giáo Phạm Thanh Long ở Đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội về việc tăng học phí, VnExpress tiếp tục nhận được chia sẻ của độc giả Nguyễn Lan Hương.

Giáo dục là một "hợp đồng của thị trường" hay vì "public good" (tạm dịch là  mục đích tốt cho xã hội và cộng đồng). Là một sinh viên, một phụ huynh có con sang năm vào đại học và là một người nghiên cứu về giáo dục đại học, tôi thực sự suy nghĩ khi đọc bài viết của thầy giáo gửi cho sinh viên của mình ở Đại học Kinh tế hiện "hot" trên diễn đàn ở Việt Nam. Một bài viết có những phần phản ánh đúng thực trạng của nhận thức về giáo dục/vai trò của giáo dục hiện nay, dù là dưới góc độ một phát biểu của cá nhân giáo viên.

Với chút ít trải nghiệm từ giáo dục Mỹ, tôi muốn được chia sẻ những trách nhiệm của trường học và giáo viên khi giáo dục là hợp đồng của thị trường.

1. Giáo dục đại học đúng không dành cho tất cả, nhưng mục tiêu cuối cùng của giáo dục (dù là hệ thống tư hay công) đều phải phục vụ cho "public good". Đấy là triết lý của giáo dục đại học ở Mỹ và hầu hết nước trên thế giới, bởi lý do học và giáo dục đại học nhằm phục vụ cho con người và xã hội. Đấy là lý do dù là tại Mỹ, nơi có hơn 7.000 đại học các loại (từ Ivy League đến trường chuyên bán bằng dởm), học sinh học ở bất kỳ trường nào mà đạt chuẩn kiểm định tối thiểu, có quyền vay tiền (lãi suất ưu đãi, dưới mức vay thương mại) và hưởng trợ cấp học phí từ bang và liên bang.

Vậy, những hệ thống hỗ trợ cho sinh viên Việt Nam đi học đang ở đâu và vận hành như thế nào trong các đại học Việt Nam?

2. Nếu chúng ta nhìn đến việc học là một việc đầu tư dài hạn, câu chuyện quan trọng nhất là ai sẽ đảm bảo thông tin đầy đủ, chính xác và minh bạch để "nhà đầu tư" (cha mẹ và học sinh) quyết định đầu tư vào đâu? Hệ thống thông tin chính xác về tiền học, chi phí liên quan, các hoạt động và dịch vụ hỗ trợ sinh viên, tìm kiếm công việc... hay phát triển nghề nghiệp, thu nhập khi đang đi học hoặc sau tốt nghiệp, thực trạng ngành nghề đang phát triển hay chậm phát triển, tương lai và dự báo phát triển kinh tế xã hội/nghề nghiệp, hay thậm chí đơn giản hơn, thông tin về cựu học sinh đã tốt nghiệp, đã có việc làm đúng chuyên môn với mức lương bao nhiêu, chất lượng giáo viên, kiểm định những gì... có trường nào ở Việt Nam đã làm điều này?

3. Khi nói đừng than vãn về tiền học tăng 30% trong khi coi giáo dục là một hợp đồng dịch vụ giữa trường và sinh viên, bên cung cấp dịch vụ đã "chặn" quyền được nói, được phát biểu, được chia sẻ suy nghĩ về dịch vụ mà trường cung cấp cho sinh viên. Tại sao lại thế nhỉ? Khi mà đáng lý sinh viên là khách hàng, nếu có tăng phí dịch vụ thì phải có thỏa thuận, có lịch trình và thống nhất giữa các bên...

4. Ở Mỹ, khi đi mua đồ, đồ không đúng như quảng cáo hoặc khách hàng không thích, khách hàng có quyền trả lại trong vòng 30 ngày đến 6 tháng. Bên cung cấp đồ có khi phải bồi thường vì quảng cáo láo. Trong trường đại học, nếu giáo viên dạy những gì out-of-date hoặc không giúp cho học sinh có kiến thức và kỹ năng được cập nhật, đáp ứng khả năng lao động của sinh viên, sinh viên có quyền khiếu nại, đòi đổi giáo viên, đổi lớp/trường và hơn mọi thứ hay của Mỹ, họ có quyền lập trang Student Reviews, viết blog về trường, giáo viên của mình, để nhận xét và đánh giá hay và dở của thầy và trường.

Đương nhiên, trong hệ thống thị trường, khái niệm "mua ý kiến" cũng đã xảy ra và làm sai lệch những nhận xét về thầy và trường, nhưng về cơ bản, sinh viên có quyền lên tiếng khi họ đang học, về tất cả những gì xảy ra liên quan đến chuyện học của họ. Ví dụ, muốn tăng tiền học, phải có đại diện của sinh viên tổ chức họp và thống nhất với nhà trường, và điều này được ghi rõ trong điều lệ hoạt động. Việc thiết lập và xây dựng hệ thống quyền và trách nhiệm của trường, giáo viên trong trường đại học của Việt Nam, đi cùng với quyền và trách nhiệm của sinh viên đang như thế nào? Cơ chế đổi lớp, đổi ngành, và đổi trường liên quan đến công nhận tín chỉ giữa các ngành và trường... sẽ như thế nào?

5. Hệ thống đánh giá trường (scorecard) công khai thông tin trên website của chính phủ Mỹ là một trong những kênh tốt để biết trường nào vào với trường nào (http://ift.tt/1J4vKH9). Mặc dù, theo quan điểm cá nhân tôi, scorecard này vẫn còn nhiều điểm phải hoàn thiện (ví dụ, ở tra cứu mức lương sau tốt nghiệp, hiên nay mới dừng lại ở mức lương chung cho toàn trường, chưa phản ánh đúng và chính xác về mức lương của từng ngành cụ thể, vì học sinh cần biết theo ngành để xem xét và quyết định ngành học), ít nhất, Chính phủ Mỹ đã hiểu và đã xây dựng kênh thông tin chính thức về hệ đại học. Liệu khi nào sinh viên chúng ta có được điều này trước khi quyết định vào trường nào?

6. Với thị trường lao động Mỹ, cảnh báo về nghề nghiệp, ngành học, thất nghiệp... luôn được cập nhật. Họ đã kêu lên về vụ "overeducated" (học quá nhiều, hơn mức cần thiết), và vụ vay nợ tiền học giờ là khoản nợ tín dụng lớn nhất... Những hệ thống thông tin và cảnh báo độc lập này, khi nào chúng ta xây dựng được?

7. Nếu giáo dục là một thị trường theo kiểu các nước thị trường (Mỹ và các nước đã phát triển), tất cả trường vẫn phải phụ thuộc một phần vào ngân sách nhà nước, cho hỗ trợ tài chính, cho nghiên cứu, cho đề tài đặt hàng chính sách, cho n thứ khác. Nhưng vì từ 2008 đến nay, khủng hoảng kinh tế lớn quá, thất nghiệp nhiều quá, ngân sách giáo dục cắt giảm đều hàng năm, nên việc kêu gọi hãy học thật tốt, hãy đi làm thêm nhiều, hãy tiết kiệm hết sức, hãy làm bất cứ việc gì để tốt nghiệp sớm... bị "nhạt" phần nào. Tỷ lệ học sinh sinh viên Mỹ dropout vẫn nhiều do phải chịu quá nhiều sức ép về tiền học và cơm áo, họ đi làm 2-3 jobs nên không kham nổi việc học nữa... Và Mỹ họ tính ra chi phí thiệt hại (cho sinh viên và cho xã hội) khi sinh viên bỏ học còn lớn hơn nhiều so với các chi phí hỗ trợ sinh viên học.

Vậy, chúng ta sẽ muốn sinh viên chúng ta học trong tình trạng nào, tập trung để đạt kết quả tốt nhất, vừa học vừa làm hay học để rồi, vì thiếu tiền, đi làm nhiều lên và có nguy cơ bỏ học cao? Còn không, học đại học sẽ dành cho "nhà có điều kiện", khi các chính sách học bổng, hỗ trợ tài chính, công việc khi đi học chưa được phát triển tốt trong hệ thống đại học. Thế nên, khi nói đến giáo dục thị trường, hợp đồng mua bán kiến thức, chỉ mong ai đó nhìn được cả những mặt tốt và mặt trái của nó, để chuẩn bị trước chính sách và định hướng, vì một "public good"!

Nguyễn Lan Hương

Xem thêm:
>>ThS Phạm Hiệp: 'Tăng học phí cần sự có sự thỏa thuận trước với sinh viên'
>>Bài viết của thầy Phạm Thanh Long
>>Sinh viên Đại học Kinh tế bức xúc vì học phí tăng

Bài viết theo tháng

Tin nổi bật

Đối tác: