Tại cuộc họp triển khai kế hoạch năm học 2016-2017 tại UBND TP HCM sáng 26/7, ông Lê Hoài Nam – Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM – cho biết, số học sinh tăng trong năm nay tập trung chủ yếu ở các quận, huyện ngoại thành như quận 12 (tăng 4.258 học sinh), quận Bình Tân (tăng 5.746), huyện Bình Chánh (tăng 5.381)…
TP HCM đã đầu tư xây mới 1.919 phòng học với tổng vốn hơn 2.000 tỷ đồng phục vụ số học sinh này. Mục tiêu của ngành giáo dục đến năm 2020 sẽ đạt tỷ lệ 300 phòng học cho 10.000 dân.
Phó giám đốc Sở Giáo dục thông báo, trong năm học mới, thành phố cần tuyển thêm 4.958 giáo viên. Trong đó bậc mầm non cần 1.557 giáo viên, bậc tiểu học cần 1.544, còn lại là giáo viên bậc THCS, THPT, giảng viên trung cấp chuyên nghiệp.
Ngoài ra, Sở Giáo dục đang triển khai thí điểm giữ trẻ ngoài giờ tại quận Thủ Đức và Bình Tân sau 17h mỗi ngày, kể cả thứ bảy nhằm đáp ứng nhu cầu gửi trẻ của công nhân. Bước đầu, chương trình mang lại hiệu quả tích cực và nhận được sự ủng hộ của người dân.
Phụ huynh ở quận Thủ Đức, TP HCM trắng đêm xếp hàng xin học mẫu giáo cho con. Ảnh: Mạnh Tùng |
Tại cuộc họp, Phó chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thị Thu lưu ý: "Số học sinh tăng thêm từng năm phụ thuộc vào dân số nhập cư, tâm lý năm sinh… Chúng ta có thể tạm yên tâm khi thành phố luôn dành ngân sách cố định cho ngành giáo dục, hoặc kêu gọi xã hội hóa, nhưng điều đáng lo hiện nay là quỹ đất để làm chỗ học đang khan hiếm", bà Thu nêu vấn đề.
Riêng mô hình giữ trẻ ngoài giờ, Phó chủ tịch UBND TP HCM khuyến khích triển khai rộng hơn nữa tại các quận, huyện tập trung nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất. "Nhiều giáo viên mầm non không có nhu cầu dạy tăng cường ngoài giờ vì họ cũng có gia đình, con cái nên Sở Giáo dục cần vận động họ góp sức, hỗ trợ thành phố ở chương trình này", bà Thu chỉ đạo.
Bà Thu cũng yêu cầu Sở cần có lộ trình chặt chẽ, phù hợp để chấm dứt việc dạy thêm, học thêm trong trường theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thành ủy thành phố.
Mạnh Tùng