Trung Quốc đẩy mạnh giáo dục công nghệ để đào tạo lực lượng lao động trẻ trong nước. |
Theo VentureBeat, trong năm 2015, số tiền bỏ ra cho giáo dục công nghệ tại các công ty ở Trung Quốc đã đạt 1,07 tỷ USD, cao hơn 18% so với năm 2014. Đây đều là những doanh nghiệp chuyên dạy về phát triển phần mềm và công nghệ. Với việc giữ nguyên định hướng đầu tư vào giáo dục công nghệ từ năm 2013 tới nay, 2016 được dự kiến là năm Trung Quốc vươn lên vị trí số một về lĩnh vực công nghệ, vượt qua Mỹ và trở thành quốc gia được đầu tư startup lớn nhất thế giới.
Trung Quốc đang nhanh chóng chuyển đổi từ nền kinh tế sản xuất sang nền kinh tế dịch vụ nên chính phủ tích cực đầu tư vào quá trình này. Mới đây, Bắc Kinh tuyên bố lập quỹ quốc hữu 30 tỷ USD để đầu tư vào các công ty khởi nghiệp. Thành phố Hàng Châu (tỉnh Chiết Giang) là một ví dụ khi dự định là nơi khởi nghiệp của 30.000 công ty vào năm 2020. Do đó, nhân tài sẽ trở thành yêu cầu bắt buộc để vận hành chiến lược này.
Hàng thập kỷ nay, Trung Quốc phổ biến là điểm đến của những người tài. Bộ trưởng Công An Trung Quốc Quánh Thanh Côn mới đây giới thiệu về văn phòng nhập cư nhằm thu hút nhân sự giỏi từ nước ngoài. Nhưng người Trung Quốc hiểu rằng giải pháp cần thiết phải đến từ chính công dân của họ. Bắc Kinh cần biện pháp ngăn chảy máu chất xám, ngăn những bộ óc thiên tài của mình ra nước ngoài, đồng thời thuyết phục những người đã ra đi trở lại quê hương. Quan trọng nhất, chính quyền muốn đào tạo nhân tài ngay trong nước. Tuy nhiên, nhiệm vụ này không đơn giản khi Trung Quốc đang có khoảng 806 triệu nhân sự tiềm năng cần đào tạo lại.
Quốc gia đông dân nhất thế giới đang tăng tốc để cung cấp cho người học hệ thống giáo dục được xem là tốt nhất thế giới khi lần đầu tiên, có nhiều trường đại học nơi đây lọt Top 100 trường tốt toàn cầu trong năm 2016.
Những người trong ngành công nghiệp công nghệ đều biết rằng cao đẳng không thể đáp ứng nhu cầu, thường xuyên không đào tạo đủ lực lượng lao động mà các công ty cần, bởi thế giới thay đổi không ngừng, ngày càng đòi hỏi nhân sự tay nghề cao hơn. Đến nay, chính phủ Trung Quốc đã có kế hoạch đào tạo 13 triệu giáo viên để nhận nhiệm vụ truyền đạt lại kiến thức cho lực lượng lao động tương lai.
Nước Mỹ, đặc biệt là ở thung lũng Silicon đang dẫn đầu trong cuộc đua khởi nghiệp và cách mạng công nghệ toàn cầu nhưng cũng không thoát khỏi cảnh thiếu nhân sự giỏi. Chính quyền Obama hiểu được tầm quan trọng của vấn đề này và gần đây công bố chương trình TechHire với khoản tài trợ 150 triệu USD để thúc đẩy các viện giảng dạy phát triển kỹ năng mà người Mỹ cần.
Hải Khanh