- Lý do gì khiến Bộ Giáo dục và Đào tạo chọn thời điểm này để ra quy định yêu cầu các trường báo cáo tình hình việc làm của sinh viên tốt nghiệp?
- Việc điều tra, công bố tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm đã được thực hiện tại nhiều cơ sở giáo dục đại học trong các năm qua vì luôn là mối quan tâm của người học và là một trong những tiêu chí kiểm định chất lượng. Tuy nhiên, việc này chưa được thực hiện trong toàn hệ thống và hầu như chưa được kiểm chứng.
Vụ trưởng Giáo dục Đại học Nguyễn Thị Kim Phụng. |
Nghị quyết số 63 ngày 22/7/2016 của Chính phủ về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020 quy định: "Đẩy mạnh phát triển thị trường lao động… chú trọng giải quyết việc làm cho thanh niên và sinh viên mới tốt nghiệp". Chỉ thị của Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo về triển khai các nhóm nhiệm vụ chủ yếu của năm học 2016-2017 và những năm tiếp theo nêu rõ: "Điều chỉnh cơ cấu đào tạo theo hướng giảm dần các ngành nghề đang dư thừa trên thị trường lao động, tăng cường đào tạo các ngành khoa học kỹ thuật và công nghệ. Kiểm soát quy mô đào tạo theo hướng giảm chỉ tiêu các ngành ít có nhu cầu tuyển dụng và chất lượng thấp; tăng dần quy mô đào tạo các ngành có nhu cầu tuyển dụng cao và chất lượng cao".
Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu các trường báo cáo tình hình việc làm của sinh viên tốt nghiệp là một trong những việc thiết thực để thực hiện nghị quyết của Chính phủ và chỉ thị của Bộ trưởng. Như vậy, từ nay về sau việc điều tra, khảo sát việc làm của sinh viên tốt nghiệp trở thành công việc thường xuyên, cần thiết, bắt buộc đối với mỗi trường.
- Bộ Giáo dục kỳ vọng văn bản này sẽ tác động như thế nào đến học sinh, sinh viên, các trường và xã hội?
- Chúng tôi mong muốn thông tin về tỷ lệ việc làm của sinh viên tốt nghiệp trước hết sẽ giúp học sinh, sinh viên hình dung được nhu cầu của thị trường đối với ngành đào tạo và sự chấp nhận của xã hội đối với chất lượng đào tạo của trường mà họ muốn theo học. Với yêu cầu này, sau khi học, các em sẽ có ý thức hơn trong việc tiếp tục đóng góp, xây dựng "thương hiệu", uy tín của trường bằng cách kết nối thông tin hình thành cơ sở dữ liệu việc làm sinh viên, giúp trường điều chỉnh chương trình, chỉ tiêu tuyển sinh để tập trung nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo. Đó cũng là xây dựng "thương hiệu" cho chính mình.
Trên cơ sở tỷ lệ việc làm của sinh viên tốt nghiệp, các trường xem xét, điều chỉnh chỉ tiêu tuyển sinh, cơ cấu ngành đào tạo; điều chỉnh, cập nhật nội dung chương trình, đảm bảo chất lượng đào tạo đáp ứng yêu cầu sử dụng lao động nhằm nâng cao tỷ lệ sinh viên có việc làm. Trong điều kiện tự chủ, các trường phải có trách nhiệm công khai thông tin và giải trình xã hội. Việc làm của sinh viên tốt nghiệp là thông tin quan trọng mà các trường phải công khai đầy đủ và chính xác. Thông tin về việc làm của sinh viên tốt nghiệp có trọng số cao trong kiểm định chất lượng chương trình đào tạo, kiểm định chất lượng cơ sở đào tạo, phân tầng, xếp hạng. Vì thế, đây là một trong những tiêu chí tạo sự cạnh tranh lành mạnh giữa các trường.
Xã hội sẽ quan tâm hơn đến vấn đề việc làm của sinh viên; cùng giám sát việc các trường công khai thông tin để chất lượng giáo dục đại học ngày càng tốt hơn. Qua đó, văn hoá chất lượng sẽ được hình thành, hiệu quả đào tạo sẽ được nâng cao... Ngoài ra, cơ quan quản lý thị trường lao động cũng cần thực hiện biện pháp thiết thực để chú trọng giải quyết việc làm cho thanh niên và sinh viên mới tốt nghiệp theo nghị quyết 63 của Chính phủ.
- Ở Việt Nam từ trước đến nay không có văn hóa sinh viên tốt nghiệp kết nối với trường. Điều này gây nên khó khăn cho các đại học trong việc nắm bắt tình hình công việc của cựu sinh viên. Bộ nói gì về những khó khăn của các đại học?
- Việc gì khi mới làm cũng có những khó khăn nhất định. Tuy nhiên, trong điều kiện các cơ sở đào tạo cạnh tranh để đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động thì việc làm này sẽ tốt cho các trường cũng như các bên có liên quan, trong đó có cả sinh viên và cựu sinh viên (như đã nói ở trên). Để làm tốt, tất nhiên trường phải chọn được cán bộ tâm huyết, hiểu việc để thực hiện công việc một cách tổng thể, xuyên suốt từ tuần lễ sinh hoạt sinh viên - công dân đầu khoá học, trong quá trình sinh hoạt lớp, đoàn hội tại trường, đối thoại với sinh viên hàng năm… đến kết nối với các ban liên lạc cựu sinh viên, hình thành hệ thống thông tin/cơ sở dữ liệu sinh viên - cựu sinh viên của trường… Tôi tin rằng các trường tốt sẽ có nhiều cách để làm tốt việc này.
Để hỗ trợ cho các trường điều tra thống kê việc làm của sinh viên tốt nghiệp, thời gian tới, Bộ sẽ giao cho đơn vị chuyên môn xây dựng phần mềm trực tuyến để sinh viên tốt nghiệp đăng ký. Trên cơ sở thông tin chi tiết do phần mềm cung cấp, Bộ sẽ có chủ trương phù hợp trong việc mở ngành, điều chỉnh chỉ tiêu tuyển sinh, khuyến cáo thí sinh về những ngành dư thừa lao động. Đồng thời, Bộ cung cấp cho các trường trong toàn hệ thống thông tin cần thiết để điều chỉnh chương trình đào tạo, giúp sinh viên tốt nghiệp tìm được việc làm phù hợp với chuyên ngành được đào tạo.
- Việt Nam có khoảng 500 đại học, cao đẳng, mỗi trường hàng năm lại có hàng nghìn sinh viên tốt nghiệp. Với số lượng lớn như thế, Bộ đã có phương án giám sát, kiểm tra nào để biết số liệu công bố của các trường là chính xác?
- Với chức năng quản lý nhà nước, Bộ sẽ thực hiện việc thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm, nếu có. Tuy nhiên, việc giám sát tốt nhất là toàn xã hội cùng giám sát nên Bộ đã yêu cầu kết quả điều tra sinh viên tốt nghiệp có việc làm phải được công khai trên website của trường.
Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ so sánh thông tin trong báo cáo với thông tin trường đã công khai, cùng với các minh chứng xác thực về phương pháp, quy trình, kết quả điều tra việc làm của sinh viên tốt nghiệp..., từ đó phân loại báo cáo theo mức độ tin cậy, kiểm tra kỹ những trường báo cáo không có độ tin cậy cao và kiểm tra ngẫu nhiên đối với một cỡ mẫu phù hợp để xác định độ tin cậy trong báo cáo của các trường.
- Trường hợp phát hiện đại học/cao đẳng đưa khống số liệu, Bộ sẽ xử lý thế nào?
- Kết quả thanh tra, kiểm tra các trường có báo cáo không đúng cũng sẽ được công khai để xã hội có đủ thông tin và thực hiện quyền giám sát. Đối với các trường công bố không trung thực, tuỳ theo nguyên nhân, mức độ mà có thể xem xét đến việc đăng ký chỉ tiêu tuyển sinh của trường trong năm học tiếp theo.
Tuy nhiên, nếu trường nào công khai thông tin về tình hình việc làm của sinh viên tốt nghiệp không trung thực thì đó cũng là tự hạ thấp uy tín của chính mình vì xã hội sẽ không tin vào tất cả thông tin khác do trường cung cấp.
- Nhiều đại học trên thế giới không chỉ công khai tỷ lệ sinh viên có việc làm mà còn nêu rõ sinh viên làm ở vị trí nào, mức lương bao nhiêu, làm đúng chuyên môn không… Vì sao Bộ không đưa những tiêu chí này vào mẫu báo cáo?
- Do là năm đầu tiên Bộ yêu cầu các trường trong cả hệ thống báo cáo tỷ lệ việc làm của sinh viên thống nhất về thời điểm, nội dung, phương thức công khai báo cáo... nên chưa thể cầu toàn. Với các trường chưa thực hiện thống kê tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm thì mục tiêu ban đầu là nhằm giúp họ tự nhận thức về sự cần thiết và mục đích việc làm này (như đã nói trên). Vì vậy, các tiêu chí đưa vào báo cáo mới ở mức tối thiểu cần thiết, để áp dụng chung cho tất cả trường. Sau khi các trường đã giao cho đơn vị, cán bộ theo dõi, đã chuẩn bị những điều kiện cần thiết để thực hiện công việc này hàng năm thì có thể điều chỉnh dần, chi tiết hóa thông tin cần báo cáo để thực hiện trong các năm học sau. Điều đó để đảm bảo tính khả thi của báo cáo.
Tuy nhiên, các trường đã có kinh nghiệm và nguồn lực, muốn khẳng định uy tín, thương hiệu của mình thì vẫn có thể điều tra thêm các tiêu chí cần thiết khác về sinh viên tốt nghiệp và công bố cho toàn xã hội biết (ngoài các yêu cầu báo cáo theo quy định của Bộ).
Ngày 28/9, Bộ Giáo dục và Đào tạo ra công văn 4806 về việc báo cáo tình hình việc làm của sinh viên tốt nghiệp. Nội dung báo cáo (tính theo ngành đào tạo) yêu cầu nêu rõ: - Tình trạng việc làm của sinh viên sau khi tốt nghiệp: Báo cáo phân tích kết quả điều tra dựa trên 3 chỉ tiêu: Có việc làm, chưa có việc làm, chưa có việc làm và đang học nâng cao. - Khu vực làm việc của sinh viên tốt nghiệp: Báo cáo phân tích kết quả điều tra sinh viên tốt nghiệp đang làm việc theo khu vực (khu vực nhà nước, tổ chức tư nhân, liên doanh với nước ngoài). - Đánh giá mối quan hệ giữa kết quả đào tạo và tình trạng việc làm của sinh viên tốt nghiệp: Báo cáo đánh giá tình hình việc làm của sinh viên tốt nghiệp và đưa ra các kiến nghị trong việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh, điều chỉnh cơ cấu ngành đào tạo, đổi mới nội dung, chương trình đào tạo, phương pháp dạy học hoặc những thay đổi khác nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo của nhà trường. Từ năm 2016, giám đốc các đại học, học viện; hiệu trưởng các trường đại học, cao đẳng sư phạm triển khai việc thu thập thông tin, xây dựng và công bố báo cáo về việc làm của sinh viên chính quy, tốt nghiệp bằng thứ nhất (tính từ sinh viên tốt nghiệp năm 2015) trên trang thông tin điện tử của trường, đồng thời gửi báo cáo (kèm theo phụ lục và minh chứng về phương pháp, quy trình thực hiện báo cáo để phục vụ việc xác thực thông tin) về Bộ Giáo dục và Đào tạo trước ngày 1/1 hằng năm (bắt đầu từ ngày 1/1/2017). |
Quỳnh Trang thực hiện