Thứ Hai, 21 tháng 11, 2016

Từ 'purpose' làm mình hồi tưởng về câu chuyện học tiếng Anh cuối những năm 1990, khi còn học lớp 10 ở Chuyên Ngữ, các cô trong thư viện (cơ quan mẹ) - lo lắng cho cái sự học của mấy thằng lông bông - đã quyết định mời giáo sư Xuân Thơm - Đại học Sư phạm Ngoại ngữ - về dạy tiếng Anh.

Hồi đó, tụi mình chỉ học để làm hài lòng cô giáo trên lớp, cho nên có thằng nào chịu phát âm đâu. Giáo sư Thơm - cây đại thụ trong nghề giảng dạy tiếng Anh -thì có vẻ tập trung nhiều vào việc bắt bọn trẻ con đọc lại bài trong sách, cứ sai đâu sửa đấy.

Với bọn trẻ chúng tôi hồi đó, điều này thật là khó chịu, vì chưa đứa nào nghe tiếng Anh bao giờ. Huống chi, ở lớp cô giáo rõ ràng đọc là "PƠ-PẦU", giờ đọc là "PƠ-PỜ-S" thì thấy vô lý quá. Lên lớp có khi cô lại mắng cho.

Hơn nữa, các bài tập trên lớp hoàn toàn không có một chút nào là đọc cả, chỉ toàn bài ngữ pháp với kiểm tra thuộc từ thôi, thì học nói làm gì. Cái việc giáo sư bắt chúng tôi phát âm cho đúng quả là bức bối lắm. Mà quan trọng hơn, nó cũng chẳng giúp gì cho chúng tôi trong việc nâng cao điểm tiếng Anh trên lớp cả.

Vậy nên, cho dù được quảng cáo là "Giáo sư còn dạy cho cả cô giáo của con đấy", chúng tôi vẫn chả thấy có tí động lực nào để học. Và dù sao, nói 'PƠ-pờ-s' nghe nó cứ thế nào ấy, cứ lạc loài ấy. Đọc 'pơ-pầu' nghe gần gũi và thân thiện hơn.

Nên cả bọn "đình công" - vẫn đi học, nhưng không thèm học, vì cái thứ phát âm ấy nó mới quá. Được khoảng một tháng thì vỡ lớp... Bây giờ, nhớ lại những nỗ lực của cụ giáo, thấy trân trọng hơn.

Bài viết theo tháng

Tin nổi bật

Đối tác: