Nhân kỷ niệm một năm ra mắt, FUNiX - trường đại học trực tuyến đầu tiên tại Việt Nam dành tặng 10 suất học bổng cho những bạn trẻ đam mê Công nghệ thông tin. Tuy nhiên, thay vì trao học bổng cho những sinh viên có thành tích học tập xuất sắc, trường chia đều cơ hội cho tất cả mọi người bằng hình thức quay số. Ứng viên may mắn có mã số đăng ký trùng với kết quả quay số ngẫu nhiên sẽ được nhận.
Sau 5 kỳ quay số, có hơn 1.000 ứng viên tham gia, 10 người may mắn nhận được học bổng. Trong đó, có 6 suất học bổng trị giá 50% học phí chứng chỉ đầu tiên của FUNiX dành cho sinh viên mới nhập học; 4 suất trị giá 100% học phí cho chứng chỉ tiếp theo đối với sinh viên đang theo học ở đây.
Cụ thể, ở đợt đầu tiên, hai ứng viên may mắn nhận học bổng là Trần Hoàng Yến Nhi (mã số dự thưởng FX 133) - sinh viên FUNiX nhận học bổng 100% và Ngô Tuấn Kiệt (mã số dự thưởng FX 058) - học sinh trường THPT FPT nhận học bổng 50%.
Các ứng viên còn lại nhận học bổng 100% của chương trình là Trịnh Văn Sử, Vũ Trần Chí, Trần Văn Chín. Còn Nguyễn Văn Hùng, Nguyễn Thế Anh, Trương Khải Hoàn, Trịnh Văn Đại và Nguyễn Văn Cường nhận học bổng 50%.
Thành lập từ tháng 10/2015, Đại học trực tuyến FUNiX chuyên đào tạo lĩnh vực Công nghệ thông tin. Theo đó, thay vì phải tới trường như hình thức học truyền thống, sau khi đăng ký, sinh viên của trường sẽ được cấp tài khoản online và có thể đăng nhập vào chương trình để học bất cứ lúc nào rảnh.
Ngoài giáo trình được biên soạn từ các nguồn tài liệu mở (MOOC) của các trường đại học, học viện hàng đầu trên thế giới, trường còn có đội ngũ 500 mentors tham gia hướng dẫn sinh viên. Họ đều là những nhà quản lý, sếp lớn làm việc trong lĩnh vực công nghệ thông tin ở các công ty trong và ngoài nước.
Sau một năm hoạt động, FUNiX hiện có gần 1.000 sinh viên đến từ 62 tỉnh thành và 13 quốc gia khác nhau trên thế giới theo học. Đặc biệt, với hình thức tuyển sinh bằng phỏng vấn, không phân biệt đội tuổi, ngành nghề, sinh viên của trường rất đa dạng. Trong đó, sinh viên lớn tuổi nhất đã 76 còn sinh viên nhỏ nhất chỉ mới 13; không chỉ để lấy bằng đại học, nhiều học viên đã là tiến sĩ, thạc sĩ thậm chí có hơn 30 năm kinh nghiệm làm việc công nghệ vẫn theo học tại trường để cập nhật kiến thức.
Ngọc Anh