Thứ Sáu, 1 tháng 7, 2016

Điểm thi THPT Quảng Xương 1 (Thanh Hóa) năm nay có một thí sinh đặc biệt. Cô gái không tay Lê Thị Thắm đến từ  Trường THPT Đông Sơn 1 (Đông Sơn) dự thi để xét tốt nghiệp và xét tuyển đại học như hàng trăm thí sinh khác.

nu-sinh-khong-tay-uoc-mo-thanh-co-giao-tieng-anh

Cán bộ coi thi hướng dẫn thí sinh đặc biệt Lê Thị Thắm tại điểm trường THPT Quảng Xương 1. Ảnh: Lê Hoàng.

Sáng nay em được mẹ chở đến trường thi. 18 tuổi nhưng Thắm chỉ cao hơn một mét, nặng 26 kg. Cô gái có nước da ngăm đen, vầng trán rất cao, được xếp ngồi ở hàng ghế cuối cùng của phòng thi. 

Thắm đăng ký xét tuyển khối D vào ngành Sư phạm tiếng Anh, Đại học Hồng Đức, Thanh Hóa. "Trước đây, em muốn trở thành kỹ sư Công nghệ thông tin nhưng thầy cô và bố mẹ khuyên sức khỏe yếu, đi lại khó khăn nên em thay đổi ý định, ước mơ được làm cô giáo”, Thắm nói.

Do quy định của Bộ Giáo dục, ngành sư phạm không tuyển thí sinh khuyết tật nên gia đình phải làm đơn và được Hiệu trưởng Đại học Hồng Đức Nguyễn Mạnh An bảo lãnh em mới được dự thi.

“Nếu đỗ, em dự định sau 4 năm đại học sẽ về quê mở lớp dạy ngoại ngữ cho trẻ em tiểu học trong làng. Ở nhà em sẽ có mẹ phụ giúp nên cũng yên tâm và đỡ vất vả hơn”, Thắm nói và cho hay đã tìm hiểu kỹ về ngành dự thi. “Năm ngoái, khoa Ngoại ngữ lấy 17,5 điểm. Đây là số điểm không quá cao nên em tự tin thi đỗ”, Thắm cho biết thêm.

Nữ sinh kể, gần đến ngày thi tâm trạng có chút căng thẳng. Em dành tất cả thời gian có thể cho việc ôn luyện kiến thức. Đầu năm lớp 12, Thắm nặng 28 kg nhưng chỉ mấy ngày ôn luyện sát kỳ thi đã sút mất 2 kg. "Các bạn bình thường nếu không đỗ đại học có thể đi học nghề nhưng em thì không. Em chỉ có một con đường duy nhất là học để thực hiện ước mơ của mình", cô gái không tay tâm sự.

Thầy Nguyễn Trường Minh, cán bộ coi thi ở điểm trường THPT Quảng Xương 1 cho hay, biết Thắm dự thi ở đây nên hội đồng đã bố trí bộ bàn ghế phù hợp cho em. Nhưng đến ngày thi Thắm đề nghị vẫn ngồi bàn như các thí sinh khác.

“Em chỉ yêu cầu kê thêm một chiếc ghế băng để ngồi làm bài phía dưới thôi”, thầy Minh nói và cho hay, các thầy cô luôn dành cho Thắm sự quan tâm đặc biệt, luôn động viên nhằm giúp em có kết quả tốt nhất.

nu-sinh-khong-tay-uoc-mo-thanh-co-giao-tieng-anh-1

Viết bằng chân nhưng Thắm không cần kê bàn ghế đặc biệt, em chỉ đề nghị mượn thêm một chiếc ghế băng để làm bài trên đó. Ảnh: Lê Hoàng.

Phía ngoài cổng trường trường, chị Nguyễn Thị Tình (38 tuổi, mẹ Thắm) khá căng thẳng. Người mẹ không rời mắt phòng thi nơi con gái đang chuẩn bị làm bài. Chị bảo không muốn nhắc nhiều đến kỷ niệm buồn ngày hạ sinh con gái đầu lòng.

"Đến tận bây giờ, sau mười mấy năm, tôi không thể quên được giây phút ám ảnh một ngày đầu năm 1998. Sau khi tỉnh dậy trên giường đẻ, nhìn quanh không thấy con đâu, hỏi mọi người nhưng chẳng ai nói gì. Trong lòng tôi chợt hoài nghi có chuyện chẳng lành. Một tuần sau, khi tôi một mực đòi gặp con thì bà ngoại mới bế cháu đến. Nhìn cháu đỏ hỏn như một cục thịt, nhỏ xíu, yếu ớt và đặc biệt là không có tay, tôi chết điếng, nước mắt giàn giụa”, chị Tình kể.

Cứ mỗi lần cho con bú, chị Tình lại khóc thầm. “Tôi bế con trên tay mà nước mắt không ngừng rơi vì thương và lo lắng cho tương lai của nó", chị Tình tâm sự.

Người mẹ bảo cũng may khi lớn lên, Thắm có thể tự sinh hoạt cá nhân, giúp làm việc nhà bằng đôi chân khéo léo. Đến tuổi đi học, thấy bạn bè đến trường, em đòi bố mẹ cho đi. Nghe con đòi, chị Thắm cứ trào nước mắt rồi lựa lời khuyên ngăn. Con muốn đi học cũng được nhưng có tay nào để cắp cặp, để cầm bút mà viết? Nghe mẹ hỏi, cô bé lại lầm lũi đi về xó nhà, cả ngày không nói nửa lời. Ít ngày sau, Thắm mượn của chị họ một cây bút và một cuốn vở cũ, rồi ngày ngày khi bố mẹ đi làm vắng nhà, cô bé lại miệt mài tập viết bằng chân trái.

Bàn chân khô cứng lâu nay chỉ dùng để đi lại, giờ tập viết cứ khòng khoèo. Hai ngón chân kẹp bút để viết bị phồng rộp, tê cứng. Đau đớn nhưng Thắm vẫn ngồi lì một chỗ, nắn nót từng nét chữ. Khuyên ngăn mãi không được, vợ chồng chị Tình chuyển sang động viên và tìm cách giúp đỡ con. Thấy Thắm thích học chữ, chồng chị đã dành nhiều thời gian để kèm cặp cho Thắm chỉ với ý nghĩ là mong cho con đỡ buồn, đỡ tủi chứ không dám hy vọng con có thể học bằng người.

Một ngày của Thắm.

Tất cả mọi người không ngờ rằng nhờ chăm chỉ học quên ăn quên ngủ nên Thắm tiến bộ rất nhanh. Học viết bằng bút chán, Thắm tiếp tục tập viết bằng phấn, bất chấp việc bị phấn ăn khiến chân lở loét, máu tứa ra mỗi khi vận động mạnh. Mỗi đêm sau buổi tập viết, người mẹ lại lấy thuốc bôi vào chỗ loét cho con.

Năm 2004, vượt qua kỳ sát hạch, Thắm được nhận vào trường tiểu học ở gần nhà. "Nghĩ con đi học cho vui thôi, ai ngờ cháu tập cầm bút, viết được chữ bằng chân", chị Tình nói.

Những năm sau đó, người mẹ luôn ở bên và động viên con gái vượt qua tất cả thử thách. Từ cấp 1 đến hết lớp 12, nữ sinh đều được mẹ đưa đến trường. "Tôi bỏ hết công việc để tập trung chăm lo cho cháu, chỉ làm được ruộng vườn, chăn nuôi trong nhà", người mẹ kể.

Sau Thắm còn một em trai đang tuổi đến trường, gánh nặng kinh tế gia đình dồn hết lên vai người bố. Nhưng vợ chồng chị Tình vẫn quyết tâm nuôi các con ăn học. Không phụ công lao của bố mẹ, suốt 12 năm học, Lê Thị Thắm luôn cố gắng và đạt nhiều thành tích.

Năm lớp 3, em đoạt giải nhì cuộc thi vẽ tranh Hội người khuyết tật tỉnh Thanh Hóa, lớp 5 giành giải nhất cuộc thi viết chữ đẹp do huyện tổ chức. Cùng năm đó, nữ sinh đoạt giải xuất sắc thi viết chữ đẹp cấp tỉnh. Từ năm lớp 1 đến lớp 12, em liên tiếp đạt danh hiệu học sinh khá giỏi và nhận nhiều giải thưởng, bằng khen và học bổng về nghị lực sống. Không những viết chữ, vẽ tranh và làm nhiều việc, nữ sinh còn dùng laptop thành thạo bằng đôi chân.

nu-sinh-khong-tay-uoc-mo-thanh-co-giao-tieng-anh-2

Đôi lúc nữ sinh gặp chút khó khăn nên được các giám thị chăm sóc đặc biệt. Ảnh: Lê Hoàng.

Chị Tình cho hay, trước ngày thi chị đưa con xuống thị trấn Quảng Xương tìm một phòng trọ nhỏ để hai mẹ con ở lại buổi trưa. Do nhà cách xa điểm thi hơn 20 km nên chỉ buổi chiều, mẹ con chị mới về. Sáng sớm mỗi ngày, chị Tình lại đưa con đến trường thi.

Chị Tình bảo, gần đây Thắm có phần yếu đi, ốm đau triền miên nên lực học giảm sút. Ngoài ra, do tập viết nhiều bằng chân trái nên chân này dài hơn chân còn lại hơn 10 cm. Mỗi lúc nhìn con bước đi tập tễnh, chị Tình rất lo lắng.

Người mẹ cho hay, nếu con đỗ đại học, chị sẽ khăn gói xuống thành phố phụ con việc học hành. Chị cũng dự định tìm một việc làm phù hợp để kiếm thêm thu nhập và đóng học phí cho con gái.

Bài viết theo tháng

Tin nổi bật

Đối tác: