Thứ Sáu, 16 tháng 12, 2016

- Tại hội thảo quốc tế Việt Nam học ngày 15/12, GS Mỹ Paul Glewwe thắc mắc “Việt Nam nghèo sao xếp hạng PISA cao”, bà nhìn nhận việc này thế nào?

- Khi Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế thế giới (OECD) công bố kết quả Chương trình đánh giá học sinh quốc tế PISA vào tháng 12/2013, Việt Nam đứng thứ 17 về Toán học (lĩnh vực trọng tâm), thứ 19 về Đọc hiểu và thứ 8 về Khoa học, tất cả quốc gia đã bất ngờ. Rất nhiều nhà nghiên cứu từ Anh, Mỹ, Australia... đã sang tìm hiểu nền giáo dục Việt Nam để lý giải. Theo logic của các kỳ đánh giá trước đó, nước có nền kinh tế chưa phát triển sẽ không có kết quả PISA cao. Việt Nam là ngoại lệ, tạo nên sự khác biệt.

Kết quả PISA 2012 cũng làm chúng tôi bất ngờ, vì đây là lần đầu tiên giáo dục Việt Nam bước vào một thang đo chung quốc tế, để biết chất lượng giáo dục Việt Nam đứng ở đâu trên thế giới, mình có thế mạnh gì không hay tồn tại nhiều hạn chế như nhiều người Việt Nam phê phán.

- Vì sao Việt Nam quyết định tham gia PISA?

PISA có từ năm 2000 dành cho học sinh các nước thuộc OECD. Vì thấy tính ưu việt của PISA nên nhiều nước đã đăng ký tham gia, với Việt Nam là từ năm 2012. Bên cạnh mục đích giống các nước tham gia PISA để đánh giá đến độ tuổi kết thúc giai đoạn giáo dục bắt buộc, học sinh đã chuẩn bị để đáp ứng với các thách thức cuộc sống ở mức độ nào, Việt Nam cũng có những lý do riêng. Thứ nhất, tham gia PISA là bước tích cực giúp Việt Nam hội nhập quốc tế về giáo dục. 

Thứ hai, PISA góp phần đổi mới phương pháp kiểm tra, đánh giá trên lớp học và trên diện rộng theo hướng đánh giá năng lực học sinh; phát triển tư duy độc lập, sáng tạo trong học tập và khả năng vận dụng kiến thức vào vấn đề thực tiễn. Tham gia PISA cũng là bước chuẩn bị tích cực cho lộ trình đổi mới giáo dục sau năm 2015, thay đổi chương trình, sách giáo khoa mới.

Rất nhiều chuyên gia giáo dục nghi ngờ tính khách quan của kết quả PISA vì số lượng học sinh tham gia ít, chỉ ở một số vùng miền, bà nói gì về điều này?

- PISA chọn "mẫu” để đánh giá đại diện cho mỗi quốc gia. Toàn bộ học sinh tuổi 15 ở tất cả loại hình cơ sở giáo dục đều phải thống kê và nộp cho OECD. Tổ chức này sẽ tính toán trọng số, tỷ lệ các trường tham gia, sau đó chạy ra danh sách trường được chọn. Từ danh sách này, các nước sẽ thống kê toàn bộ dữ liệu học sinh tuổi 15, học từ lớp 7 trở lên và nộp cho OECD. Cuối cùng OECD chạy ra số lượng học sinh 35 em/trường. Phần mềm chạy mẫu online, được OECD mở trong thời điểm nhất định. Quy trình kỹ thuật này áp dụng cho tất cả quốc gia.

Điều đó cho thấy mọi lựa chọn đều là ngẫu nhiên và có tính đại diện của quốc gia, không có chuyện luyện “gà nòi”. OECD gọi đây là mẫu dân số học sinh ở tuổi 15, độ tuổi kết thúc chương trình giáo dục bắt buộc. Học sinh Việt Nam tham gia bài đánh giá PISA chủ yếu là lớp 10, một số trường THCS có học sinh lớp 9. OECD cử người sang Việt Nam giám sát việc học sinh làm bài, đồng thời thuê một tổ chức cùng tham gia giám sát với chuyên gia Việt Nam.

Theo danh sách chọn mẫu khảo sát chính thức PISA 2015, Việt Nam có 197 cơ sở giáo dục được chọn, trong đó có một trường nghề, 9 Trung tâm giáo dục thường xuyên, 4 trường phổ thông liên cấp (cấp 2 và cấp 3), 4 trường phổ thông dân tộc nội trú, 28 trường THCS và 150 trường THPT. Mỗi trường có 35 học sinh tham gia và một số trường có số học sinh tuổi 15 ít hơn 35. Tổng số học sinh tham gia là 5.826. 

giam-doc-pisa-viet-nam-khong-co-chuyen-luyen-ga-noi-di-thi

TS. Lê Thị Mỹ Hà khẳng định không có chuyện luyện "gà nòi" tham gia PISA. Ảnh: Thanh Tâm

- Bà khẳng định không có chuyện luyện "gà nòi" đi thi PISA, vậy việc luyện tập trước theo mẫu bài thi trước đó thì thế nào?

- Đề thi gốc của PISA bằng tiếng Anh. Việt Nam phải dịch thuật, sau đó một tổ chức kiểm soát chất lượng ngôn ngữ dịch thuật của Bỉ sẽ kiểm định. Chỉ khi tổ chức này đồng ý hoàn toàn về chất lượng dịch, các bộ công cụ mới được in ấn để sử dụng trong kỳ khảo sát. PISA đánh giá năng lực học sinh giải quyết các vấn đề trong tình huống thực tiễn, đây là thực tiễn của các nước OECD. Cho nên, việc luyện thi PISA là vô ích và không thể làm được.  

Tuy nhiên, để các nước làm quen với các dạng câu hỏi thi PISA, OECD phát hành công cộng tất cả bài thi PISA không được sử dụng trong các kỳ tiếp theo. Giáo viên và học sinh các nước vào trang web của OECD để tham khảo. Văn phòng PISA Việt Nam đã dịch một số bài thi được OECD phát hành công cộng và in vào tài liệu Tập huấn vận dụng cách đánh giá của PISA vào đánh giá trên lớp học cho giáo viên. Giáo viên sau khi được tập huấn sẽ vận dụng vào đổi mới đánh giá trên lớp học và giới thiệu cho học sinh.

Làm quen với các dạng câu hỏi không có nghĩa là luyện thi và luyện cũng chẳng để làm gì khi mục đích tham gia là để chuyển biến chất lượng giáo dục.

- Mức độ khó của các bài thi Toán, Khoa học và Đọc hiểu như thế nào?

- Bài thi ba lĩnh vực Toán, Khoa học và Đọc hiểu không chỉ dừng lại ở việc kiểm tra kiến thức thuần túy của một môn học mà là giải quyết một vấn đề thực tiễn thuộc các lĩnh vực đó. Ví dụ, ở lĩnh vực Khoa học, học sinh phải giải quyết các vấn đề liên môn. Điều này khiến học sinh Việt Nam gặp nhiều khó khăn vì đã quen với kiểu học theo từng môn Lý, Hóa, Sinh… ngay từ đầu lớp 6.

Câu hỏi trong lĩnh vực Toán học được đưa ra dưới dạng tình huống thực tiễn và học sinh phải vận dụng kiến thức toán học vào giải quyết. Ở lĩnh vực Đọc hiểu, mọi người nghĩ sẽ là đọc hiểu văn bản văn học nhưng bài Đọc hiểu PISA bao gồm những văn bản khoa học, toán học, xã hội, nghệ thuật… nhiều câu hỏi yêu cầu cách nhìn nhận vấn đề đa chiều, dùng lý luận để bảo vệ quan điểm cá nhân. Vì vậy, Đọc hiểu là bài thi khó nhất khiến học sinh Việt Nam khá chật vật.

Hình thức bài thi hoàn toàn là trắc nghiệm nhưng không chỉ đơn thuần là trắc nghiệm đa lựa chọn A, B, C, D. Bài thi PISA có rất nhiều loại trắc nghiệm mà mỗi loại câu hỏi sẽ đo được một cấp độ tư duy nào đó. Có những câu hỏi trắc nghiệm phức hợp độ khó khá cao. Ở Việt Nam, câu hỏi mở được cho là tự luận nhưng với OECD, câu hỏi mở ngắn, thậm chí có những câu hỏi mở dài vẫn là dạng trắc nghiệm, vì họ chỉ đánh giá ý tưởng của học sinh, không đánh giá mặt cấu trúc, bỏ qua sai sót về từ ngữ, ngữ pháp.

Đối với những câu hỏi đa lựa chọn quen thuộc với học sinh Việt Nam, họ không chỉ đánh giá học sinh làm đúng, mà dựa trên việc học sinh chọn phương án sai, họ đánh giá được mình thiếu và yếu những kiến thức, kỹ năng nào.

- Từ góc độ người trực tiếp tổ chức đanh giá PISA ở Việt Nam, bà giải thích thế nào về việc Việt Nam nghèo mà xếp hạng PISA cao?

- Chúng tôi đã nghiên cứu tất cả câu hỏi thi PISA, nghiên cứu bài làm của học sinh Việt Nam khá kỹ, phân loại câu hỏi đánh giá cũng như các nhân tố ảnh hưởng đến kết quả để có thể giải thích ngắn gọn ở mấy ý sau:

Thứ nhất, người Việt Nam có truyền thống yêu nước và hiếu học. Cha mẹ nghèo mấy cũng quyết tâm cho con đi học để bằng bạn bằng bè, có công ăn việc làm tốt và có chỗ đứng trong xã hội. Trẻ em ở xã hội hiện đại có nhiều thứ hấp dẫn để xao lẵng việc học tập, nhưng với sự thúc đẩy và kiểm soát chặt chẽ của cho mẹ, học sinh Việt Nam chăm chỉ đến trường. Trong quá trình học, nhà trường và thầy cô giám sát các em để không xao lãng việc học tập, không trốn học hay chơi điện tử... Điều đó được thể hiện ở các chỉ số OECD đo được khi so sánh với các quốc gia: việc đầu tư chi tiền cho con ăn học của gia đình người Việt Nam cao nhất, yếu tố kỷ luật của nhà trường và học sinh Việt Nam cũng thuộc nhóm cao nhất.

Thứ hai, chúng tôi nghiên cứu và thấy rằng, các câu hỏi thi PISA đánh giá khả năng vận dụng kiến thức, kỹ năng đã học vào giải quyết các tình huống thực tiễn. Có hai cách để làm tốt câu hỏi thi PISA. Một là kiến thức chắc chắn, hai là sự trải nghiệm cuộc sống. Nếu em nào vừa có kiến thức tốt, vừa có sự trải nghiệm cuộc sống tốt, em đó sẽ có được năng lực cao nhất thuộc mức 5, 6 và trên 6. Cuộc sống thực tiễn ở đây đa số là cuộc sống xã hội hiện đại của các nước OECD.

Học sinh Việt Nam đa số đã giải quyết được các câu hỏi ở góc độ học thuật, có những câu hỏi rất khó, tỷ lệ học sinh OECD làm được không cao. Điều này chứng tỏ giáo dục Việt Nam đã trang bị cho các em những kiến thức, kỹ năng khá chắc chắn. Đấy cũng chính là thế mạnh của giáo dục phổ thông của Việt Nam. Với kết quả mà học sinh đạt được trong 2 chu kỳ thi PISA 2012, 2015, chúng ta đã thấy rằng, giáo dục phổ thông Việt Nam đã có những thế mạnh nhất định.

Thứ ba, các câu hỏi thi và cách đánh giá của PISA rất mới lạ đối với giáo viên và học sinh Việt Nam. Bài thi PISA có rất nhiều dạng câu hỏi mà học sinh Việt Nam ít được làm trong nhà trường phổ thông, cách hỏi và cách chấm điểm của PISA cũng đa dạng, các câu hỏi thuần tuý về mặt kiến thức hầu như không có, tất cả đặt trong một tình huống thực tiễn để giải quyết. Có những câu hỏi không tìm cái đúng, cái sai, mà là nêu quan điểm cá nhân và dùng lý lẽ, dẫn chứng logic để bảo vệ quan điểm đã đưa ra. Học sinh Việt Nam đã phải làm quen và thích ứng rất nhanh trong quá trình làm bài thi PISA, các em đã vượt qua được bỡ ngỡ, khó khăn này. Điều đó chứng tỏ sự nhanh nhạy, tự chủ và bản lĩnh của học sinh trước nhữnh thách thức cần giải quyết.

Một quốc gia nghèo về kinh tế sẽ bị hạn chế về nhiều thứ, nhưng có một điều rất thú vị ở đây là vì Việt Nam vẫn còn nghèo nên người Việt Nam đang nỗ lực phấn đấu, cống hiến để tìm mọi giải pháp phát triển đất nước thoát khỏi cái nghèo, học sinh Việt Nam càng quyết tâm học tập. Sự giàu có rất có thể đã làm cho học sinh cảm thấy hài lòng và tận hưởng. Thực tế của Việt Nam đã chứng minh điều này.

Thanh Tâm thực hiện

Bài viết theo tháng

Tin nổi bật

Đối tác: