Tiết học thực tế từ Hà Nội đến các di tích lịch sử như: thành cổ Quảng Trị, nghĩa trang Trường Sơn, nghĩa trang Đường 9, cầu Hiền Lương… mang đến cho học sinh lớp 12 trường THPT Phan Huy Chú (Hà Nội) nhiều bài học quý báu.
Ngày 26/3, thầy và trò trường THPT Phan Huy Chú (Đống Đa, Hà Nội) đã có buổi báo cáo về tiết học thực tế Hành trình tri ân tới Quảng Trị, với sự tham dự của Thứ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Vinh Hiển, các phụ huynh của trường. Chuyến đi dài 600 km từ Hà Nội tới "vùng đất lửa" trong kháng chiến chống Mỹ, được tổ chức vào tháng 1, cho 300 học sinh lớp 11, 12. Các em đã được tới nhiều địa danh lịch sử nổi tiếng, gắn với cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước như: Ngã ba Đồng Lập, thành cổ Quảng Trị, nghĩa trang Đường 9, nghĩa trang Trường Sơn…
Thầy trò trường THPT Phan Huy Chú (Đống Đa, Hà Nội) hát Quốc ca dưới cơn mưa tại nghĩa trang Trường Sơn (Quảng Trị). Ảnh: NVCC. |
Nguyễn Thùy Nhung, Vũ Huyền Thương (lớp 12C2) và rất nhiều học sinh khi kể về chuyến đi này đã nhắc rất nhiều đến kỷ niệm thắp hương ở nghĩa trang Trường Sơn. Chưa bao giờ các em nhìn thấy cảnh mộ liệt sĩ mênh mông bạt ngàn như không có điểm dừng ở đó. "Em vẫn biết có rất nhiều người ngã xuống và nằm tại nghĩa trang Trường Sơn, song khung cảnh hiện ra trước mắt thật xa với sức tưởng tượng", Huyền Thương nói. Nguyễn Thùy Dung thì nghẹn ngào nhắc lại cảm giác xót xa khi vô vàn ngôi mộ chỉ có vài chân hương dù học sinh đã cố gắng đi khắp ngả thắp hương để các anh, các chú được ấm áp.
300 học sinh trường Phan Huy Chú cùng thầy cô và một số phụ huynh tham gia chuyến đi đã đồng thanh hát vang bài Quốc ca giữa nghĩa trang của hơn 10.000 liệt sĩ. Nguyễn Trâm Anh (lớp 12A1) cho biết: "Chưa bao giờ em thấy các học sinh hát Quốc ca to đến vậy". Dưới cái lạnh cắt da, cơn mưa miền Trung xối xả, không một người nào run rẩy, kêu than.
Trải nghiệm tại thành cổ Quảng Trị cũng lấy đi nhiều nước mắt của các cô cậu học trò đất thủ đô. Nhiều em cho biết "không dám bước đi", "chỉ dám bước nhẹ nhàng" tại nơi là nấm mồ chung của hàng chục nghìn liệt sĩ mà thân xác ở Đáy sông còn đó bạn tôi nằm. "Thành cổ Quảng Trị - một nghĩa trang không có những nấm mồ..., các anh chỉ có một ngôi mộ tập thể chung. Đài tưởng niệm trung tâm là biểu tượng của nấm mồ đó. Thương lắm khi biết tại mảnh đất đó, thân xác các anh đã hòa vào cùng cây cỏ, đất trời", Nguyễn Dương Hương Nhi (lớp 12D1) chia sẻ trong bài viết sau chuyến đi.
Nhiều học sinh cho biết, tiết học trải nghiệm 600 km đã mang đến cho các em nhiều bài học bổ ích về giá trị của hòa bình, thấu hiểu và biết ơn nhiều hơn khi chứng kiến những mất mát hy sinh của lớp lớp cha ông, cảm nhận sâu sắc niềm tự hào dân tộc. Từ đó, ngọn lửa niềm tin, tình yêu và trách nhiệm gia đình, quê hương, đất nước trong các em được cháy lên mạnh mẽ và bền lâu hơn. Cậu học trò tinh nghịch Dương Thái Hoàng An (lớp 12D1) sau chuyến thăm các anh hùng liệt sĩ đất Quảng Trị về đã tự hứa với lòng mình sẽ học hành chăm chỉ:
"…Sách vở có lúc xa xôi
Liên minh bóng đá, mải vui nhiều trò
Đi Quảng Trị ngẫm mà lo
Ân hận tìm đến bến bờ tri ân…".
Nhiều học sinh đã bật khóc khi cố gắng thắp hương được thật nhiều mộ liệt sĩ ở nghĩa trang Trường Sơn, Đường 9 nhưng vẫn còn vô vàn ngôi mộ chỉ có chân hương. Ảnh: NVCC. |
Nói về "Tiết học dài 600 km", Hiệu trưởng trường THPT Phan Huy Chú Nguyễn Thị Nhiếp cho biết, chuyến đi nằm trong kế hoạch dạy học trải nghiệm, đã được nhà trường thực hiện nhiều năm. Trong hành trình này, học sinh được học tập liên môn kiến thức: Ngữ văn, Lịch sử, Giáo dục công dân, Giáo dục quốc phòng. Không chỉ đơn thuần đi trải nghiệm để mắt thấy, tai nghe, khi trở về, các em sẽ viết cảm nhận cá nhân, bài luận nhóm để tính điểm học tập. Nhà trường cũng có giải thưởng cho học sinh có bài viết, sản phẩm xuất sắc sau trải nghiệm. Đây là cách trường THPT Phan Huy Chú hưởng ứng chủ trương đổi mới, đa dạng hóa hình thức dạy học của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
"Chỉ nghe thầy cô giảng bài trên lớp, xem phim tư liệu…, đôi khi học sinh không hiểu hết chiều sâu và các giá trị mà bài học muốn truyền tải. Việc cho các em tới chính nơi đã diễn ra những gì sách giáo khoa nhắc tới, để tự mắt thấy tai nghe, tự cảm nhận, nuôi dưỡng lòng biết ơn không khi nào được phép nguôi vơi. Biết ơn người đã hy sinh, ơn cha mẹ, thầy cô. Tất cả sẽ giúp học sinh ghi nhớ bài học sâu sắc và có thêm nhiều kiến thức chi tiết, sinh động bổ ích. Đặc biệt khi tham gia các trải nghiệm xa nhà, sống trong tập thể, học sinh còn được học về cách sống, cách làm người", bà Nhiếp nói.
Cô Nguyễn Kim Anh, giáo viên dạy Văn, Khối trưởng chủ nhiệm Khối 12 chia sẻ rằng, nhiều học sinh của mình sau chuyến đi không còn sợ những bài nghị luận xã hội về tình yêu gia đình, tổ quốc, trách nhiệm công dân, bởi đã có quá nhiều dẫn chứng từ trải nghiệm thực tế trong "tiết học dài 600 km".
Bản thân cô và các giáo viên tham gia Hành trình tri ân cũng thu hoạch được nhiều điều như: nhớ lại kiến thức, biết rõ nội dung nào học sinh quan tâm để đào sâu, phần nào các em ít hứng thú để có tăng sự cuốn hút và điều chỉnh cách dạy hợp lý. "Các thầy cô giáo cũng học tập qua chuyến đi nhưng theo cách của người làm thầy, đó là tích lũy, cập nhật thêm kiến thức chi tiết, để khi trở về có thể dạy rộng mở, tránh bị sách vở hóa do thiếu thực tế", cô Anh chia sẻ.
Quỳnh Trang