Cấu trúc đề thi môn tiếng Anh kỳ thi THPT quốc gia 2016 theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo gồm 2 phần: trắc nghiệm chiếm 80% và tự luận là 20% - đã được áp dụng cho kỳ thi THPT quốc gia 2015.
Nhiều lãnh đạo đại học tại TP HCM vừa đề xuất với Bộ Giáo dục nên bỏ hẳn 20% tự luận, bởi phần này không nhiều ý nghĩa phân hóa học sinh nhưng lại gây nhiều khó khăn trong công tác chấm thi. "Nếu có thêm phần tự luận thì công việc làm phách môn thi này cũng phức tạp hơn khi phải tách biệt hai phần rõ ràng", Trưởng phòng Đào tạo một trường đại học nói.
Nhiều lãnh đạo đại học tại TP HCM đề xuất bỏ phần tự luận trong đề môn tiếng Anh của kỳ thi THPT quốc gia 2016. Ảnh: Mạnh Tùng |
Ông Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP HCM cho rằng, qua kinh nghiệm năm trước cho thấy sinh viên chỉ tập trung vào 80% phần thi trắc nghiệm chứ ít đầu tư phần tự luận. Theo một thống kê tương đối, năm ngoái trường có hơn một nửa số bài thi môn tiếng Anh đạt điểm rất thấp phần tự luận.
Cùng quan điểm, ông Nguyễn Văn Đệ, Trưởng văn phòng Trung tâm ngoại ngữ Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP HCM (quận Phú Nhuận) cho rằng, kỹ năng viết không được chú trọng ở bậc THPT nên đưa phần này vào thì phần lớn học sinh không làm được.
"Để hướng đến mục tiêu rèn luyện bốn kỹ năng nghe, nói, đọc, viết cho học sinh của Bộ Giáo dục, cấu trúc đề thi có tự luận nên làm có lộ trình, song song với việc dạy. Hiện, bộ nên bỏ phần thi tự luận này", ông Đệ đề xuất.
Ngoài ra, lãnh đạo các trường đại học cho rằng, không chỉ phức tạp trong khâu chấm thi mà chi phí để chấm cũng tăng lên nếu có phần tự luận. Nếu 100% đề tiếng Anh là trắc nghiệm thì các trường sẽ chấm bằng máy, đơn giản hơn nhiều.
Trong khi đó, các trường THPT lại cho rằng phải giữ lại phần tự luận của đề thi tiếng Anh nhằm giữ sự ổn định cho học sinh.
Bà Lê Thị Phương Thoa, Tổ trưởng Tổ Anh văn THPT Nguyễn Hữu Huân (quận Thủ Đức) cho biết, từ đầu năm đến nay, Sở Giáo dục đã tập huấn cho giáo viên dạy tiếng Anh cấu trúc đề thi cũ, từ đó giáo viên cũng truyền đạt và giảng dạy cho học sinh theo hướng này. "Với bất kỳ sự thay đổi nào vào lúc này sẽ khiến học sinh hoang mang khi thời gian ôn thi không còn nhiều", bà Thoa nói.
Bà Thoa phân tích, ngay trong chương trình sách giáo khoa phổ thông, bốn kỹ năng nghe, nói, đọc, viết cũng được chia theo khối lượng đồng đều. Do đó, việc đưa 20% kỹ năng viết luận vào trong đề tiếng Anh là cần thiết để phù hợp với chương trình học. Về lâu dài, cấu trúc đề thi này sẽ giúp học sinh chú trọng hơn đến kỹ năng viết - vốn rất cần thiết cho công việc trong tương lai.
Ông Lâm Triều Nghi, Hiệu trưởng THPT chuyên Trần Đại Nghĩa (quận 1) cũng ủng hộ quan điểm giữ phần tự luận trong đề tiếng Anh của kỳ thi THPT quốc gia, bởi đây là yếu tố quan trọng để đánh giá thí sinh. Nếu bỏ phần thi tự luận cần chuẩn bị lộ trình từ chương trình giảng dạy THPT, tiến tới thay đổi đề thi và phải thông báo cho giáo viên, học sinh trước cả năm học.
Theo ông Nghi, có thể khắc phục những khó khăn nảy sinh từ phần tự luận nếu tách biệt trắc nghiệm và tự luận thành hai phiếu trả lời riêng. Như vậy, các trường sẽ tiết kiệm thời gian phân loại bài thi và tổ chức chấm thi.
Còn ông Bùi Gia Hiếu, Hiệu trưởng THPT Nhân Việt (quận Tân Phú) thẳng thắn rằng, các ý kiến phản ứng phần tự luận đều đứng trên quan điểm lợi ích của mình, trong khi giáo viên và học sinh cần sự ổn định để dạy và ôn tập tốt nhất. Phần tự luận trong đề thi sẽ hạn chế việc dạy và học tiếng Anh một cách máy móc đồng thời các trường đại học cũng có cơ sở để phân loại thí sinh.
Trong khi đó, một hiệu trưởng trường THPT đề xuất có thể thay thế phần tự luận bằng các câu hỏi kiểm tra trình độ viết câu của thí sinh dưới dạng trắc nghiệm cho các năm sau đó, nếu Bộ Giáo dục muốn bỏ phần thi này.
Tại buổi tập huấn công tác tổ chức kỳ thi THPT quốc gia 2016 hồi tuần trước tại TP HCM, đại diện Bộ Giáo dục giải thích cấu trúc đề thi vừa có trắc nghiệm, vừa có tự luận là hướng đến việc dạy ngoại ngữ rèn luyện đủ bốn kỹ năng: nghe, nói, đọc, viết.
Bộ Giáo dục cho rằng, phần tự luận trong đề thi không khó nhưng sẽ là bước đầu để tiếp tục triển khai giảng dạy tiếng Anh theo hướng trên.
Mạnh Tùng