9h30 sáng 2/7, kết thúc hai phần ba thời gian làm bài thi môn Văn, gần một trăm thí sinh tại điểm thi Đại học Công nghệ TP HCM (cụm thi Đại học Khoa học Tự nhiên TP HCM) bước ra cổng trường.
Theo nhiều thí sinh, đề Văn năm nay không nhiều bất ngờ. Riêng phần đọc hiểu với 8 câu hỏi nhỏ đã "làm khó" nhiều thí sinh. "Câu hỏi về biện pháp tu từ và phương thức biểu đạt của phần đọc hiểu khó, em xác định sai mất", Thanh Nhàn (ngụ quận Thủ Đức) cho biết.
Trong khi đó, phần làm văn với 7 điểm, gồm hai câu hỏi được nhiều thí sinh đánh giá là vừa sức.
Nhiều thí sinh rời điểm thi Đại học Công Nghệ TP HCM sớm. Ảnh: Mạnh Tùng |
Trái với dự đoán của nhiều thí sinh rằng câu nghị luận xã hội sẽ đề cập các vấn đề thời sự, đề Văn lại yêu cầu bàn luận về quan điểm Sự hèn nhát khiến con người tự đánh mất mình, còn dũng khí giúp họ được là chính mình. Trúc Nhi (ngụ quận Thủ Đức) cho rằng, quan điểm này rất hay, tuy không thời sự nhưng phù hợp với lứa tuổi thanh niên.
"Em đồng ý với quan điểm này và viết bài rất hăng say. Câu nói này mới nhưng quan niệm sống này thì cũng quen thuộc nên em không mất nhiều thời gian suy nghĩ, phân tích đề", Nhi nói.
Tại một số điểm thi như Đại học Sài Gòn, Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Sư phạm TP HCM (quận 5), khoảng 9h45 đã lác đác thí sinh rời phòng. Các em nhận định đề không quá khó, nếu học kỹ, bám sát chương trình dễ đạt trên điểm trung bình. Riêng phần đọc hiểu chỉ 3 điểm nhưng có 2 phần, tổng cộng đến 8 câu hỏi khá khó hiểu và mất thời gian.
Nữ sinh Nguyễn Mai Hoa nói rằng mất gần một giờ để đọc, hiểu và làm được phần một dù phần này chỉ 3 điểm. "Phần nghị luận và hình tượng Vợ nhặt em học ôn khá tốt nên có thể yên tâm, chỉ mong đạt được 7 điểm Văn vì em dự định nộp hồ sơ vào khối xã hội", Hoa nói.
Sáng 2/7, thí sinh Hà Nội trải qua 180 phút làm bài thi môn Văn trong tiết trời dịu mát. Tại điểm thi Đại học Sư phạm (Xuân Thủy, Cầu Giấy), còn hơn 30 phút nữa mới kết thúc giờ làm bài nhưng thí sinh đã ồ ạt ra khỏi phòng.
Thí sinh thi tại điểm Đại học Sư phạm. Ảnh: Giang Huy. |
Một số em thi khối B đánh giá đề Văn không quá khó. "Phần nghị luận nói về sự hèn nhát và sự dũng cảm, em lấy dẫn chứng về người nghiện ma túy. Nếu có can đảm thì vượt qua để trở lại cuộc sống bình thường, nếu không thì tiếp tục sa lầy. Còn tác phẩm Vợ nhặt của nhà văn Kim Lân em cũng ôn nên làm tốt", Nguyễn Thị Thúy Quỳnh (THPT Sơn Tây) cho biết.
"Đề không bất ngờ, không có sự đột phá" là nhận xét chung của ba nam sinh Nguyễn Tiến Đạt, Hoàng Trường Giang và Phan Anh Tuấn (THPT Sơn Tây). Đạt cho hay phần em viết thoải mái nhất là nghị luận xã hội nói về sự dũng cảm và hèn nhát của con người. Nội dung đó không có gì mới song phù hợp với người trẻ đang bước vào đời như em.
"Em ôn các bài thơ Đất nước của Nguyễn Đình Thi với Sóng của Xuân Quỳnh. Bạn em bảo ôn thêm Vợ nhặt của Kim Lân, nhưng em chỉ đọc qua, không ôn kỹ lắm. May là làm bài cũng ổn", Tuấn nói.
Lưu Quỳnh An, thí sinh học khối C cho biết muốn tận dụng hết 180 phút để làm bài nhưng vẫn ra sớm 15 phút sau khi làm hết 7 mặt giấy. An đánh giá đề thi không có vấn đề thời sự để thỏa sức "múa bút". Trước khi thi môn Văn, nữ sinh rất chăm chỉ xem báo, cập nhật thông tin về các sự kiện nóng đã và đang diễn ra. "Ngoại trừ phần nghị luận nói về sự hèn nhát và lòng dũng cảm, đề không có gì đặc biệt, rất khó có bài viết bứt phá để lấy điểm cao, nhất là với những bạn học khối C như em muốn lấy điểm cao vào các trường top đầu", An chia sẻ.
Học sinh Hà Nội đánh giá đề Văn.
Tại Hà Tĩnh, sáng nay có hơn 17.000 thí sinh tham gia thi môn Văn. 9h30, còn một tiếng nữa mới kết thúc, tuy nhiên nhiều thí sinh đã ra sớm. Trương Quang Sáng (trường THPT Lê Quý Đôn) dự thi tại điểm trường Trung cấp nghề Hà Tĩnh đánh giá: "Đề văn rất hay, nhất là câu hỏi nghị luận nói về sự hèn nhát và lòng dũng cảm. Giới trẻ chúng em, những người đại diện cho thế hệ tương lai của đất nước rất cần lòng dũng cảm".
Nhiều thí sinh ở Thanh Hóa đánh giá, đề thi sát chương trình, trong đó có một câu trọng điểm là tác phẩm văn xuôi Vợ nhặt nên quen thuộc với học sinh lớp 12. Nam sinh Duy Anh đăng ký xét tuyển khối A nên môn Văn không quá chú trọng. "Em chỉ cần đạt điểm trung bình môn Văn. Nếu thầy cô chấm lỏng chắc em được 5 điểm", Duy Anh nói.
Đa số thí sinh sẽ được 6-7 điểm
Thầy Đặng Văn Du, Tổ trưởng Tổ Văn trường THPT Pleiku (Gia Lai) cho rằng, đề Văn năm nay không khó, các câu nghị luận xã hội và nghị luận văn học quen thuộc. Phần đọc hiểu cũng nằm trong kiến thức chương trình phổ thông. Thầy Du dự đoán đa số thí sinh đạt điểm khá 6,5-7.
Thạc sĩ Đặng Ngọc Khương, giáo viên trường THPT Quốc tế Newton nhận xét, đề thi môn Ngữ văn vừa sức và có tính phân loại cao. Nội dung kiến thức và kỹ năng phù hợp, vừa đảm bảo kiến thức cơ bản của chương trình vừa cập được những hiểu biết cần thiết trong cuộc sống hiện đại.
"Hiểu biết tiếng Việt nói riêng và ngôn ngữ dân tộc nói chung luôn là điều cần thiết đối với học sinh và đó cũng là nhiệm vụ quan trọng của giáo dục. Bên cạnh đó, vấn đề cuộc sống trong mối quan hệ giữa cái riêng và cái chung, vấn đề thái độ ứng xử hèn nhát hay có dũng khí cũng là điều không thể thiếu trong việc định hướng nhân cách cho con người", thầy Khương nói.
Theo thầy, phần đọc hiểu không đánh đố học sinh, nắm chắc kiến thức tập làm văn và tiếng Việt như: chủ đề của đoạn văn biện pháp tu từ, phương thức biểu đạt, phát hiện từ ngữ và hình ảnh thơ tiêu biểu…, học sinh đã có thể đạt được nửa số điểm. Phần nghị luận xã hội câu hỏi ngắn gọn, rõ ý, vấn đề không quá mới nhưng đầy tính thực tiễn và cách hỏi vẫn tạo được hứng thú cũng như có định hướng cho người làm bài.
Phần nghị luận văn học hỏi về tình huống truyện của tác phẩm Vợ nhặt - một vấn đề khá gần gũi với học sinh nhưng cách hỏi theo kiểu đưa ra ý kiến nhận định lại có thể làm mới câu hỏi. Với đề bài này, phổ điểm phổ biến sẽ nằm trong khoảng 6-7, học sinh khá giỏi có thể đạt 8-9 điểm, số đạt trên 9 điểm sẽ hiếm.
Nhóm phóng viên