Thứ Bảy, 2 tháng 7, 2016

Sáng nay, thí sinh Hà Nội vượt qua môn Địa lý 180 phút trong tiết trời dịu mát. Hết 2/3 thời gian, điểm thi Đại học công nghệ giao thông vận tải (Triều Khúc, Thanh Xuân) thuộc cụm Đại học Thủy lợi chủ trì lác đác có em hoàn thành môn thi sớm.

de-dia-lyhoi-ve-ngap-man-thi-sinh-trung-tu

Các thí sinh rời phòng thi trong tâm trạng phấn khởi sau khi làm bài môn Địa lý. Ảnh: Ngọc Thành.

Phương Linh (THPT Kim Liên) rời phòng thi trong tâm trạng thoải mái. Linh cho biết đề có 4 câu, không mang tính đánh đố và cần thí sinh thường xuyên cập nhật thời sự, chăm đọc thông tin về khoa học, tình hình nông nghiệp.

Câu 1 yêu cầu nêu các biện pháp bảo tồn đa dạng sinh học, em cho cả thông tin về các loại động vật quý hiếm như tê giác, sếu... bị tác động của ô nhiêm môi trường đến đa dạng sinh học. Câu biểu đồ chiếm 3 điểm cũng không yêu cầu thí sinh phải xác định loại biểu đồ cần vẽ mà ra sẵn là vẽ biểu đồ tròn. Các em chỉ cần sử dụng Atlat thành thạo và vẽ biểu đồ chính xác là có thể đạt điểm trung bình.

"Ý cuối cùng của đề hỏi vì sao thời gian qua xâm nhập mặn lại diễn ra nghiêm trọng tại đồng bằng sông Cửu Long. Phần này mang tính thời sự, em cũng dự đoán được nên học khá kỹ và tự tin làm bài", Linh cho biết.

"Nếu muốn lấy điểm câu đó, em nghĩ không chỉ dựa vào sách giáo khoa là trả lời xong mà còn cần cập nhật thông tin từ báo chí, như việc xây đập thủy điện quá nhiều, tác động của con người đến dòng chảy của sông Mê Kông", thí sinh tên Chí Thành đánh giá và cho biết làm được khoảng 70%.

de-dia-lyhoi-ve-ngap-man-thi-sinh-trung-tu-1

Nhiều thí sinh cho biết Atlat địa lý đã "cứu cánh" các em trong câu II chiếm 2 điểm. Ảnh: Ngọc Thành.

Cười tươi rói, Vũ Thùy Trâm thi tại Đại học Sư phạm cho biết, đề năm nay dễ, chỉ cần chăm đọc báo, xem tivi là có thể viết tốt. "Phần xâm nhập mặn bọn em ôn khá kỹ, ngoài ra em còn lưu tâm đến vấn đề cá chết, ô nhiễm môi trường biển", Linh cười cho hay. Cô dự định sẽ dùng kết quả thi vào Khoa Giáo dục Tiểu học của trường này luôn. Thi môn Sử cuối cùng nên Trâm khá thoải mái.

Em Lê Xuân Tài (THPT Xuân Mai) thi tại Đại học Lâm nghiệp làm hết bài. Song phần biểu đồ hình tròn đòi hỏi tính toán nên cũng khá khó. Em dự đoán mình được khoảng 6 điểm", Tài nói.

Tại Thanh Hóa, gần 6.300 học sinh ở cụm thi số 34 Đại học Hồng Đức bước vào môn thi Địa lý trong tiết trời mát mẻ. Theo đánh giá của nhiều học sinh, đề Địa lý năm nay khá sát chương trình phổ thông và vừa sức. Mới hết 2/3 thời gian nhưng hàng trăm thí sinh ở Cơ sở 1, Đại học Hồng Đức đã nộp bài ra về, nhiều em trong tâm trạng phấn chấn vì hoàn thành tốt phần thi.
"Em thi khối D nhưng hoàn thành được khoảng 80% câu hỏi", nữ sinh Thùy Ngân (THPT Cẩm Thủy 2) nói và cho hay, đêm qua ôn lại kiến thức em học rất kỹ phần kiến thức nói về các vùng kinh tế đặc biệt là Đồng bằng sông Cửu Long nên đã "trúng tủ".

Nhiều thí sinh không làm hết bài nhưng vì Địa lý là môn xét tốt nghiệp nên các em chỉ trả lời hơn nửa số câu hỏi rồi rời trường thi. "Đề thi không khó nhưng em không chú trọng ban C nên chỉ cần đạt điểm 5 là đủ", nam sinh Minh Quân chia sẻ.

de-dia-ly-hoi-ve-ngap-man-thi-sinh-trung-tu-2

Thí sinh Hà Tĩnh tươi rói rời trường thi. Ảnh: Đức Hùng.

Tại Hà Tĩnh, hơn 11.000 thí sinh tham gia làm bài thi môn Địa lý. Khoảng 9h30, trời đổ mưa, nhiều thí sinh ra sớm. Theo đánh giá của các sĩ tử, đề thi địa lý năm nay khá dễ, nhiều em mất thời gian 1 tiếng để hoàn thành xong bài thi.

Một thí sinh hội đồng thi trường THPT Nghèn chia sẻ, tâm đắc nhất trong đề thi địa lý là câu hỏi về vấn đề xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long. "Đây là câu hỏi rất có ý nghĩa, nói về hiện tượng biến đổi khí hậu ở nước ta, đến công ăn việc làm của người dân, nó khuyến khích chúng ta cùng bảo vệ môi trường", thí sinh nói.

Nhóm phóng viên

Bài viết theo tháng

Tin nổi bật

Đối tác: