Thứ Sáu, 15 tháng 7, 2016

Cảm ơn các bạn đã góp ý cho bài viết trước, nhưng có vài điều các bạn chưa rõ hoặc hiểu sai một khía cạnh của bài viết trước. Tôi sẽ giải thích rõ hơn trong bài viết này và trả lời vài câu hỏi các bạn thắc mắc.

Quan điểm chính tôi đưa ra từ kinh nghiệm của bản thân và những người bạn chung lớp tôi gặp phải. Những lớp học tôi trải qua thường khoảng 40 học sinh và tôi thường xếp hạng 30, vậy phía sau tôi còn khoảng 10 bạn cũng yếu kém và không ít bạn đã bỏ học. Vấn đề chính tôi đưa ra không phải nhằm đổ lỗi cho bất kỳ ai mà là chúng ta phải biết lý do tại sao học sinh kém lại càng kém và học thêm không phải là cách để giúp học sinh kém.

Nếu các bạn hoặc con các bạn là học sinh khá giỏi thì thật tốt nhưng còn những em kém thì sao? Các em còn quá nhỏ để biết làm thế nào học cho đúng cách và phù hợp. Chính thầy cô, nhà trường là người giúp các học sinh kém đạt kết quả tốt nhất. Chúng ta thường bảo rằng vì mất căn bản nên mới học kém, vậy nếu đã bị mất tại sao không giúp các học sinh lấy lại căn bản? Nguyên nhân một phần vì bệnh thành tích. Khi cuối năm học sinh bị kém thì thầy cô sẽ làm bằng mọi cách để cho học sinh lên lớp, thậm chí thi lại chỉ là hình thức. Vì học sinh chỉ cần có mặt thi lại là đậu.

Nhưng rồi những năm học kế tiếp thì sao? Các em tiếp tục kém vì chẳng ai giúp tìm lại giá trị thực của chính mình để tiếp tục. Các bạn nói đúng ở Việt Nam nhiều học sinh kém vậy lấy ai mà dạy kèm và học đêm ai dạy cho mình, vậy chúng ta có nghĩ rằng tại sao lại có nhiều học sinh kém và tại sao chúng ta vẫn để tiếp tục xảy ra?

Các lớp cấp 3 ở Mỹ thường có lớp học về tham gia xã hội. Học sinh làm việc tình nguyện như chăm sóc người già, rửa xe hoặc tham gia lượm rác trên bờ sông... Khi học sinh tham gia đủ giờ công ích thì sẽ qua lớp học xã hội. Ở Việt Nam chúng ta có thể bắt học sinh, nhất là học sinh sư phạm học thêm lớp học xã hội, như phải đi dạy kèm cho đủ giờ, điều này cũng giúp học sinh kém có cơ hội tiến bộ và người dạy có kinh nghiệm đứng lớp sau này. Một năm chúng ta sẽ không thấy thay đổi nhưng 10 năm thì sẽ khác rất nhiều.

Các bạn cũng thắc mắc làm sao với trình độ toán lớp 6 mà vào đại học? Các bạn cũng biết ở Mỹ bao nhiêu tuổi cũng có thể vào đại học. Ví dụ một sinh viên 50 tuổi thì làm sao còn nhớ toán mà họ học cách đây hơn 30 năm? Và những lớp trình độ thấp thế này để giúp họ ôn lại những gì đã học trước khi học cao hơn. Và nếu ở Mỹ cũng đòi hỏi khi vào đại học phải có kiến thức tương ứng thì tôi nghĩ không riêng mình tôi, mà sẽ có hàng triệu người ở nhiều quốc gia khác sẽ không bao giờ đạt được giấc mơ đại học.

Nếu các bạn bảo ở Việt Nam phải học thêm thì mới hiểu bài. Vậy những học sinh không có điều kiện học thêm thì sao? Không lẽ trường học chỉ là nơi dành cho người có tiền? Ở Mỹ học sinh học theo tuổi không phải là theo trình độ. Em gái tôi qua Mỹ khi 11 tuổi, khi vào đăng ký học thì họ xếp cho học lớp 5 và không quan tâm tới trình độ ở Việt Nam mình đã học gì. Sau khi đi học nhà trường sẽ coi trình độ mỗi môn học tới đâu thì xếp đúng vị trí học môn đó.

Ví dụ họ xếp em gái tôi vào lớp 1 cho môn tiếng Anh, nhưng vẫn học Toán lớp 5. Và ở Mỹ không có việc bị lưu ban, tới giữa học kỳ 1 nếu họ thấy bạn kém môn nào thì nhà trường sẽ sắp xếp riêng cho bạn để cuối năm theo kịp chương trình. Nhưng nếu mùa học sau bạn vẫn không theo kịp thì nhà trường sẽ cho bạn học lại môn đó đúng khả năng mình có.

Quan điểm tôi muốn đưa ra vẫn không thay đổi là dạy thêm không có tác dụng giúp các em học sinh kém tốt hơn và lưu ban không phải là cách dạy dỗ các em nhận thức tốt hơn. Các bạn có thấy bao nhiêu học sinh nhờ lưu ban sau này sẽ trở thành học sinh giỏi chưa? Vậy nếu chưa thấy hoặc quá hiếm thì tại sao không bỏ đi thay vào đó chúng ta giúp các em bằng phương pháp tốt hơn.

Đúng là chúng ta không thể đem cả nền giáo dục của Mỹ vào Việt Nam áp dụng, nhưng có thể học hỏi thay đổi một vài cách giáo dục tốt hơn và phù hợp mà giúp cho giáo dục Việt Nam đi lên thì tại sao không?

Nguyễn Bằng

Bài viết theo tháng

Tin nổi bật

Đối tác: