Vài năm nay, các lớp dạy kỹ năng sống vào dịp hè ngày càng được học sinh ưa chuộng. Theo TS Vũ Thu Hương, Đại học Sư phạm Hà Nội thì bố mẹ nên cân nhắc, xem con thiếu gì thì cho trẻ đi học cái đó. Nhiều bố mẹ thường cho con đi học hè các môn Toán, Tiếng Anh..., nhưng không nên vì dễ khiến con quá tải, mệt mỏi, không có tinh thần chuẩn bị cho năm học mới.
Học sinh tìm hiểu cách băng bó cứu thương trong học kỳ quân đội được tổ chức ở trường Sĩ quan Lục quân 1 (Sơn Tây, Hà Nội). Ảnh: Hà Bi. |
Phụ huynh nên cho con bắt đầu với những lớp dạy kỹ năng thoát hiểm, sử dụng các vật dụng trong gia đình, sử dụng đồng tiền ra sao... Chia sẻ câu chuyện của chính con gái 16 tuổi, chị Hương cho hay từ khi 6 tuổi, cháu được học lớp kỹ năng dạy thoát hiểm đầu tiên, rồi đến kiến thức giới tính, sử dụng kim, búa, dao, kéo, đồ điện trong nhà, tính toán tiền nong ra sao. Từ lớp 3, con gái chị tự đi bộ đến trường, buổi trưa không ngủ ở trường mà quay về nhà, phụ giúp mẹ nấu cơm, ăn cơm ở nhà rồi chiều đi học tiếp. 15 tuổi, cô bé có thể một mình sang Singapore, tự đi làm thêm ở ngoại tỉnh để kiếm tiền.
Theo TS Hương, phụ huynh cho con học kỹ năng hè rồi thì nên tạo điều kiện cho con trải nghiệm. Học sinh Việt Nam không thiếu kiến thức mà thiếu kỹ năng sống và trải nghiệm. Chương trình học 2 buổi một ngày ở bậc tiểu học hiện nay khiến trẻ phải học quá nhiều, mức độ trải nghiệm kém. Trẻ được va chạm bao giờ cũng có cái nhìn về cuộc sống sâu sắc hơn, kiến thức cộng đồng phong phú hơn.
Đưa ra một vài ví dụ thú vị, bà Hương cho biết nhiều trẻ em nước ngoài ngay từ lớp 1 có thể đi ngoại khóa qua đêm do nhà trường tổ chức; lớp 3 có thể ra nước ngoài, trải nghiệm những hoạt động ngoại khóa trong rừng, lên núi, xuống biển. Đứa trẻ 18 tuổi kết thúc bậc trung học, sau đó thường có một thời gian gọi là năm trải nghiệm trước khi vào đại học. Các em có thể chọn ra nước ngoài học tập, tìm hiểu về nền văn hóa khác, khám phá thế giới hoặc tham gia tình nguyện, hoạt động xã hội.
Học sinh Hà Nội tự mình lội ruộng hái rau về cho nhà chùa làm cơm trong buổi ngoại khóa ở chùa Địa Tạng (Hà Nam). Ảnh: Đình Khoa. |
Chị Minh Tú, giáo viên một trung tâm dạy kỹ năng sống ở Hà Nội cho biết, tùy từng độ tuổi mà phụ huynh nên cho đi học lớp kỹ năng khác nhau. Trẻ 4-5 tuổi nên tham gia lớp học bơi mùa hè để không bị đuối nước, học kỹ năng thoát hiểm trong đám cháy hoặc đối phó với người lạ có ý đồ xấu. Trẻ lớn hơn thì tham gia lớp kỹ năng có "trình độ" cao hơn, như cứu người đuối nước, cứu người ngạt thở, học cách cứu như thế nào để vừa giúp đỡ người khác mà mình cũng an toàn.
Theo chị Tú, nhiều phụ huynh hiện nay lạm dụng những lớp kỹ năng hè như một nhà trẻ hay trường tiểu học thứ hai để không phải trông con mùa hè. "Học kỹ năng trong một tháng hè không thể dạy được hết kiến thức cho các cháu. Đây là một quá trình bồi đắp lâu dài cho các con trong nhiều năm. Quan trọng là phụ huynh tạo điều kiện cho con thực hành. Trong lớp, các cháu học rất nhanh về lý thuyết, nhưng không được thực hành thì sẽ nhanh quên", chị chia sẻ.
Phương Hòa