Cuối năm học, mỗi giáo viên sẽ được đánh giá theo ba văn bản: Chuẩn nghề nghiệp giáo viên; Nghị định 56/2015 về đánh giá, phân loại cán bộ, công chức, viên chức; Quyết định 06/2006 về việc ban hành Quy chế đánh giá xếp loại giáo viên mầm non và giáo viên phổ thông công lập.
Giáo viên cứ tất bật ghi tới ghi lui những ưu, khuyết điểm của mình theo các biểu mẫu của ba công văn trên. Có giáo viên chia sẻ: “Khi mới ban hành Chuẩn nghề nghiệp giáo viên, thầy cô giáo đề nghị bỏ đánh giá giáo viên theo Quyết định 06/2006. Thế nhưng chẳng những không bỏ mà giờ lại có thêm Nghị định 56/2015. Chỉ có việc đánh giá giáo viên mà có tới ba văn bản tồn tại, chồng chéo nhau, làm ai cũng ngán ngẩm”.
Đâu phải chỉ có giáo viên mệt mỏi, các cán bộ quản lý nhà trường cũng căng thẳng, mệt mỏi không kém vì phải tổ chức họp nhiều lần để đánh giá giáo viên theo ba văn bản trên. Nhiều trường trung học phổ thông có gần 100 giáo viên, thử hỏi họ phải mất bao nhiêu thời gian để đánh giá cho từng người. Sau khi họp đánh giá xong, hiệu trưởng còn phải thực hiện các báo cáo thống kê kết quả đánh giá gửi cho cấp trên.
Ai cũng biết đánh giá giáo viên là cần thiết, nhưng đánh giá như thế nào để tạo được sự chuyển biến tích cực và thúc đẩy được sự phát triển cho đội ngũ giáo viên mới là quan trọng. Nếu đánh giá không khéo sẽ phản tác dụng, chỉ làm giáo viên cảm thấy mệt mỏi, nặng nề.
Chúng ta luôn yêu cầu giáo viên phải đổi mới nhưng làm sao giáo viên có thời gian để đầu tư cho đổi mới giảng dạy khi mà bao nhiêu thủ tục hành chính cứ đè nặng lên vai. Chúng ta cũng luôn kêu gọi đổi mới quản lý sao cho tinh gọn, hiệu quả nhưng tại sao các cấp quản lý không lựa chọn một văn bản nào phù hợp nhất để đánh giá giáo viên.
Với những đặc trưng riêng của nghề giáo, chúng tôi nghĩ rằng hàng năm, chỉ cần đánh giá giáo viên theo Chuẩn nghề nghiệp là đủ và cần thiết. Được như thế, công tác đánh giá giáo viên trong nhà trường sẽ trở nên gọn nhẹ và hiệu quả hơn.
Lê Thị Ngọc Nhẫn
Thạc sĩ Quản lý giáo dục