Từ hơn 10 năm trở lại đây, đề tài về y tế luôn thu hút sự quan tâm đông đảo của người dân, và tạo nên các cuộc tranh luận lớn trong dư luận. Các vụ việc đơn lẻ trong ngành y, hoặc các sự cố y khoa lớn đều kéo theo rất nhiều tranh biện từ nhiều phía. Khác với các đề tài nổi cộm khác trong xã hội hiện nay, với vấn đề y tế, dư luận sẵn sàng lên án một cách rất mạnh mẽ, thậm chí là bằng các hành động bộc phát dữ dội, như huy động người nhà vây bệnh viện, hoặc tấn công trực tiếp nhân viên y tế...
Ở hiện thực ngoài xã hội là như thế, trên các mạng xã hội hoặc các diễn đàn, dư luận cũng sẵn sàng lan truyền và công kích dữ dội nhân viên y tế qua các mẩu đối thoại, hoặc các clip bất kỳ nào mặc dù chưa biết rõ thực hư thế nào. Và thường là sau khi cùng lên án gay gắt cái gọi là y đức, sự quá tải của tuyến trên, sự yếu kém của tuyến dưới… để kết thúc mỗi cuộc tranh luận ta hay nghe đâu đó tiếng thở dài cám cảnh rằng: " Ở nước ngoài, đào tạo bác sĩ mất tới mười mấy năm. Chớ đâu có như Việt Nam mình, có 6 năm !?”.
Vậy “nước ngoài” là nước nào? Và có thật sự là ở nước ngoài thì đào tạo bác sĩ mất mười mấy năm hay không? Đầu tiên, "nước ngoài" là nước nào? Mặc dù có nhiều nước có nền y học hiện đại, tiến bộ hay có chính sách chăm sóc y tế tốt hơn Việt Nam, nhưng khi so sánh về y tế thì người dân hay so sánh y tế Việt Nam với Mỹ. Vì 3 lý do sau.
Thứ nhất, Mỹ là một trong những nước có nền y học hiện đại, phát triển nhất thế giới. Hơn nữa, các trường đại học danh tiếng, Viện nghiên cứu hay giáo sư Mỹ thường hay công bố báo cáo hay các phác đồ điều trị một cách minh bạch, rộng rãi và đáng tin cậy. Điều này cho phép không chỉ giới y khoa, khoa học mà nhiều giới khác đều có thể tiếp cận và tham khảo các thông tin được đưa ra. Rõ ràng một bài viết có thêm dòng chữ "Theo nghiên cứu của Đại học Harvard…", hay khi các tranh luận y khoa chuyên môn nếu người nói có câu "Phác đồ điều trị của Hội ung thư Mỹ rằng..." thì phát ngôn đó có giá trị và đáng tin hơn hẳn.
Điều thứ hai, mặc dù chi phí y tế tại Mỹ rất cao, nhưng với các gói hỗ trợ của chính phủ liên bang (như chương trình Obamacare) thì người dân Mỹ hoặc sinh sống làm việc tại Mỹ đều có thể tiếp cận được với các chăm sóc y tế cần thiết. Việc có nhiều Việt kiều ở Mỹ thường xuyên về Việt Nam cũng giúp cho việc so sánh dịch vụ y tế của Mỹ và Việt Nam. Ở các nước phát triển khác, như Canada, Đức, Pháp... dịch vụ y tế công thường mất thời gian đợi chờ (Ví dụ ở Đức, để lên lịch siêu âm hay Xquang, nếu không phải là trường hợp cấp cứu thì thường mất khoảng một tháng).
Điều thứ ba, quả thật chương trình đào tạo y khoa tại Mỹ là một trong những chương trình kéo dài và thử thách nhất trên thế giới. Ở Mỹ việc đào tạo nhân viên y tế rất được chú trọng, ngoài năng lực học tập cá nhân, kỹ năng xã hội được đánh giá bằng các kỳ thi gắt gao thì việc đào tạo y khoa liên tục cũng rất được chú trọng.
Vậy còn phát biểu "đào tạo bác sĩ ở Mỹ mất tới 11-12 năm, còn ở Việt Nam chỉ có 6 năm!?" thì có đúng không? Câu trả lời là phát biểu đó hoàn toàn không đúng. Phát biểu trên là ngộ nhận, sai lệch xuất phát từ hệ thống đào tạo y khoa rất khác biệt của Việt Nam và ngữ nghĩa khi dịch các học vị từ tiếng Việt qua tiếng Anh. Ngộ nhận này kéo dài trong suốt vài chục năm qua, tạo thành một vết hằn trong ý nghĩ của người dân và thậm chí là cả những người làm việc trong môi trường y tế.
Để giải thích rõ hơn, tôi xin phân tích hai hệ thống đào tạo y khoa của Mỹ và Việt Nam. Tại Mỹ, để được hành nghề y, một học sinh trung học đầu tiên phải tốt nghiệp chương trình Pre-Med tại một trường cao đẳng (College) để lấy bằng cử nhân (Bachelor degree) thường là 3-4 năm. Các bằng cử nhân thường lấy là các ngành sinh hóa, hóa học, sinh học... thậm chí có thể là vật lý, toán học hay âm nhạc... Sau đó, học viên ngoài điểm tốt nghiệp rất cao còn phải thi một kỳ thi gọi là Medical College Admission Test (MCAT). Cộng điểm số MCAT, điểm tốt nghiệp, quá trình học và các hoạt động ngoại khóa nổi trội khác, thí sinh này sẽ nộp vào một trong những trường Y khoa tại Mỹ (Medical School).
Các trường đại học này sẽ tiếp nhận và sắp xếp lịch phỏng vấn thí sinh. Và nếu may mắn được nhận học thì các sinh viên sẽ được theo học chương trình Y khoa 4 năm. Đến năm thứ 4 các sinh viên sẽ thi tốt nghiệp và phải vượt qua kỳ thi United States Medical Licensing Examination (USMLE). Tuy nhiên, quá trình đào tạo vẫn chưa kết thúc ở đó, mà ở Mỹ chương trình đào tạo Nội trú (residency) là bắt buộc. Các physicians (đã tốt nghiệp Medical School) sẽ nộp điểm của mình và kết quả USMLE để xin nội trú tại các bệnh viện công, hoặc các bệnh viện đại Học.
Một số bệnh viện đại học danh tiếng còn yêu cầu các cuộc thi riêng gắt gao hơn. Ở giai đoạn Nội trú bệnh viện này, thường kéo dài 4 năm đối với các ngành Nội khoa, và 5 năm đối với các ngành Ngoại khoa, physicans có quyền gần như tương đương Doctor (tạm thời gọi là bác sĩ), và được nhận lương để sinh hoạt. Sau 4-5 năm nội trú và thi đỗ USMLE Step 3, tổng thời gian trung bình là (12-14 năm) thì họ sẽ đạt được học vị là M.D (Doctor of Medicine), có nghĩa là tiến sĩ y khoa, chữ Doctor (Dr) ở đây được dịch có nghĩa là tiến sĩ, chứ không phải là bác sĩ như ta vẫn ngộ nhận bấy lâu.
Với học vị là tiến sĩ y khoa (Doctor of Medicine), người hành nghề y còn phải thi bằng hành nghề (Board Certified) tùy theo quy định mỗi bang và còn phải thi lại bằng hành nghề mỗi 10 năm, hoặc theo học tiếp chương trình Fellowship. Chương trình Fellowship thường kéo dài 1-2 năm không có ý nghĩa về mặt hàn lâm, nhưng rất có giá trị trong việc hành nghề sau này vì mang ý nghĩa truyền nghề, tiếp nối (Fellow). Các Hội Y khoa (ví dụ Hội Phẫu thuật Tim mạch, Hội phẫu thuật tạo hình và thẩm mỹ vùng mặt Mỹ…) thường sẽ giới thiệu các tiến sĩ y khoa (M.D) mới tốt nghiệp theo học với các giáo sư nổi tiếng.
Danh tiếng của giáo sư nhận dạy fellowship càng lớn thì càng có giá trị, một số giáo sư còn đòi hỏi việc thi tuyển gắt gao. Ngoài ra, nếu các tiến sĩ y khoa (M.D) muốn làm về nghiên cứu, hoặc giảng dạy trong các trường đại học thì sẽ làm các đề tài nghiên cứu trong các viện, để lấy học vị là Ph.D (Doctor of Philosophy) dịch ra là tiến sĩ khoa học. Như vậy học vị mà họ có thể đạt được là Ph.D, M.D.
Còn tại Việt Nam, sau khi tốt nghiệp cấp III, học sinh sẽ thi vào Đại học Y và học trong 6 năm. Sau khi tốt nghiệp, họ sẽ được gọi là Bác sĩ Đa khoa hay Bác sĩ tổng quát, là học vị thấp nhất trong hệ thống đào tạo bác sĩ y khoa Việt Nam. Tuy nhiên, bằng tốt nghiệp vẫn được ghi là "Bác sĩ" và dịch ra tiếng Anh lại là "The Degree of Doctor of Medicine", và mặc nhiên viết tắt là M.D. Điều nay gây nhiều bối rối cho các tiến sĩ y khoa Mỹ khi họ tiếp xúc hay làm việc với các bác sĩ trẻ tại Việt Nam, hầu hết họ sẽ nghĩ bác sĩ trẻ ở Việt Nam là dạng thần đồng, nhân tài đất Việt vì mới 24 tuổi đã có học vị tiến sĩ (M.D).
Tiếp theo, các chương trình sau đại học gồm có như Nội trú 3 năm. Nếu bác sĩ đa khoa tốt nghiệp từ loại khá trở lên thì được quyền thi, không bắt buộc. Bằng Nội trú sau khi ra trường thì được xét tương đương là 3 bằng: bằng Nội trú, bằng CK I và bằng Thạc sĩ. Tuy nhiên, quy chế hiện nay cũng đang xét lại Thạc sĩ (cao học) 2-3 năm. Hệ thạc sĩ là đặc thù riêng của đào tạo y tế tại Việt Nam, ở Mỹ không có.
Hiện nay lại còn có đề xuất đào tạo riêng thạc sĩ thực hành và thạc sĩ nghiên cứu! Nghiên cứu sinh sau khi có đạt thạc sĩ thì nếu đáp ứng các điều kiện có thể theo học nghiên cứu sinh để lấy tiến sĩ. Chuyên khoa I 2 năm tập trung hoặc kéo dài 3-5 năm, đòi hỏi người đăng ký thi phải công tác ít nhất 12 tháng. Một số ngành như Mắt, Tai Mũi Họng yêu cầu trước khi thi CKI phải học qua lớp định hướng (9 tháng).
Chuyên khoa II 2 năm tập trung hoặc kéo dài 3-5 năm đòi hỏi có bằng CKI, công tác 6 năm trở lên, hoặc Nội trú tương đương công tác 3 năm trở lên. Ở CKII tại Việt Nam thì được cho phép thi chuyển đổi thành tiến sĩ. Như vậy, để đạt học vị tiến sĩ y khoa tại Việt Nam thì thời gian cũng bằng và thậm chí dài hơn (17 năm nếu đi theo con đường chuyên khoa) và gian truân hơn (do phải vừa làm vừa xin đi học chứ không được đào tạo liên tục như tại Mỹ).
Tuy nhiên, cho dù như vậy thì nếu chuyển đổi từ CKII thì học vị tiến sĩ đạt được cũng chỉ là tiến sĩ y khoa chứ không phải là Ph.D (Tiến sĩ khoa học - Doctor of Philosophy) vì rất nhiều đề tài nghiên cứu sinh hoặc đề tài CKI II là đề tài lâm sàng (Ví dụ chuyển đổi công dụng hay đánh giá một vạt da) chứ không phải là một đề tài nghiên cứu khoa học ứng dụng (Ví dụ nghiên cứu bản đồ gen người, các gen gây ung thư...).
Phân tích rõ ràng như thế để chúng ta thấy được rằng chỉ vì dịch không đúng ngữ nghĩa của chữ doctor thành bác sĩ mà đã tạo ngộ nhận lâu nay của người Việt Nam ta về việc đào tạo y khoa tại Mỹ, cũng như là tại Việt Nam. Thật vậy, người Mỹ không mất 12 năm để đào tạo một bác sĩ Y khoa, mà họ mất 12 năm để đào tạo ra một tiến sĩ y khoa.
Hy vọng rằng, sau bài viết này góp phần thay đổi về cách đánh giá đào tạo y khoa tại Mỹ và Việt Nam chính xác hơn, đặc biệt là về các danh pháp học vị. Cũng như thấy được sự rắc rối và rườm ra trong hệ thống đào tạo y khoa tại Việt Nam, đặc biệt là hệ Sau đại học.
Nguyên Phong