Thứ Tư, 4 tháng 5, 2016

Đầu tháng 5, Võ Bé Tư (22 tuổi, sinh viên năm cuối khoa Tâm lý học – Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP HCM) vội từ quê ở Lai Vung, Đồng Tháp trở lại Sài Gòn sau kỳ nghỉ lễ. Anh muốn “chạy nước rút” để kịp hoàn thành những tín chỉ cuối cùng cho đợt xét tốt nghiệp đại học sắp tới.

Mang dị tật sứt môi – hở hàm ếch bẩm sinh khiến sức khỏe của Tư yếu ớt và việc giao tiếp rất khó khăn. Tuổi thơ của Tư là những chuỗi ngày dài sống trong mặc cảm, bị bạn bè chế giễu, cười đùa. "Đó còn là nỗi đau thầm lặng của mẹ tôi. Mỗi lần nghe tôi nói ước mơ có giọng nõi rõ ràng như bao người khác, mẹ tôi lại khóc", giọng Tư bùi ngùi.

hanh-trinh-tim-giong-noi-cua-chang-sinh-vien-sut-moi

Võ Bé Tư luôn giữ nụ cười lạc quan trước những khó khăn. Ảnh: Mạnh Tùng

Chàng trai đã quên đi những mặc cảm bằng sự chăm chỉ học vì anh nghĩ "học giỏi sẽ không có ai dám chê bai". Suốt 12 năm phổ thông, Tư đều đạt danh hiệu học sinh giỏi và đậu đại học ngành tâm lý học với điểm khá cao.

Anh đã trải qua ba cuộc phẫu thuật phục hồi lại môi và đã lấy lại được nụ cười khá lành lặn song khả năng phát âm còn rất kém. “Hồi học năm nhất, có lần tôi giơ tay phát biểu ý kiến thì phía sau có những giọng cười khúc khích vì bạn bè không hiểu tôi nói gì. Từ đó, tôi rất ngại giơ tay, dù nhiều vấn đề mình rất muốn nói”, Tư kể.

Anh đã luyện tập cách phát âm hàng ngày bằng cách tự nói một mình, thu âm sau đó nghe lại để chỉnh sửa. Việc "luyện giọng" rất khó, có lúc làm chàng trai dị tật bật khóc vì chán nản chính mình, song không bao giờ anh chịu bỏ cuộc. Hiện, phát âm của chàng trai tuy còn yếu, bị sót hoặc lẫn lộn giữa các phụ âm nhưng anh có thể tự tin giao tiếp, thuyết trình trước lớp.

Nhà nghèo nên từ lúc đặt chân lên Sài Gòn, Tư vừa đi học vừa tranh thủ làm thêm đủ nghề, từ phụ quán cơm ở làng đại học Thủ Đức, đổ rác ở ký túc xá rồi phát tờ rơi. “Tiền làm thêm chỉ đủ cho tôi trang trải chi tiêu, ăn uống dè dặt trong tháng. Học phí và học thêm tôi có được nhờ săn học bổng”, chàng sinh viên bộc bạch.

Tư dự định sẽ học chuyên sâu về tham vấn - trị liệu tâm lý sau khi tốt nghiệp để phục vụ cho trung tâm “ngữ âm trị liệu” dành cho trẻ sứt môi, hở hàm ếch mà anh ấp ủ bấy lâu. Đây là cách để bản thân lan tỏa tinh thần lạc quan, vượt qua nghịch cảnh đến những người bất hạnh, đúng tinh thần câu danh ngôn mà anh rất thích: “Không ai có thể chọn cho mình nơi sinh ra nhưng có thể chọn cho mình một thái độ sống”.

hanh-trinh-tim-giong-noi-cua-chang-sinh-vien-sut-moi-1

Võ Bé Tư (thứ tư từ trái sang) trong một lần nhận học bổng. Ảnh: T.D

Tiến sĩ Ngô Xuân Điệp – Trưởng khoa Tâm lý học (Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP HCM) – nhận xét Võ Bé Tư là một sinh viên nổi bật của khoa, không phải vì dị tật bẩm sinh của anh mà là thành tích học tập tốt.

“Tư có nghị lực đáng khâm phục, thái độ sống tích cực và tư duy khá nhạy bén”, ông Điệp nói về học trò.

Mạnh Tùng

Bài viết theo tháng

Tin nổi bật

Đối tác: