Tốt nghiệp chuyên ngành tiếng Anh, Đại Học Mở TP HCM năm 2010, Ngô Thị Tuyết Mai hiện là giáo viên tiếng Anh cho một trường mầm non quốc tế ở thành phố Thanh Đảo, thuộc tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc. Đây là một chi nhánh của trường Mulberry Learning Center có địa chỉ tại Singapore. Mai được phân công công tác giảng dạy cho học sinh 3 tuổi lớp mầm (Nursery 1) trong vòng ba tháng.
Với mong ước trở thành giáo viên tiếng Anh cho trẻ em, Mai đã xin làm trợ giảng cho trường Trung học quốc tế Australia (VAS) tại TP HCM trước khi suy nghĩ về việc giảng dạy cho trẻ em tại nước ngoài. Cô chọn Singapore vì tin với ngành giáo dục phát triển của đất nước này, cô sẽ học hỏi được nhiều kinh nghiệm về phương pháp giảng dạy thực tiễn và năng động.
Khó khăn phải trải qua
Trải lòng về quá trình tìm kiếm công việc tại nước ngoài, Mai nhớ lại ngày 30/5/2013, cô quyết định khăn gói lên đường sang Singapore với hy vọng hiện thực hóa ước mơ của mình. Sau khi xin được visa du lịch, cô ở lại Singapore trong 30 ngày. Thời hạn một tháng sắp trôi qua, nhưng cô vẫn chưa tìm được việc làm. Cô nhanh chóng quyết định mua vé xe buýt đến Kuala Lumpur, Malaysia và ở lại đó 2 ngày.
Sau đó, Mai quay lại Singapore ở hết tháng 6/2015. Cô vô cùng lo lắng cho sự mạo hiểm tìm việc ở nước ngoài bằng visa du lịch của mình. Mục tiêu di chuyển nhiều quốc gia của cô là để kéo dài thời gian ở nước ngoài và tìm kiếm công việc yêu thích. Cô gọi việc này là “run visa”. Cuối cùng may mắn cũng đến. Sau một thời gian chờ đợi, ngày 18/9/2015, cô được mời phỏng vấn tại trường Mulberry.
Sau khi vượt qua buổi demo bắt buộc, cô được nhận vào làm việc. Tuy nhiên, khó khăn trước mắt của Mai là không có những bằng cấp mà Bộ Giáo dục Singapore yêu cầu. Để có được hộ chiếu Singapore, Mai phải nộp các giấy tờ liên quan như bằng tốt nghiệp đại học, thư giới thiệu và bảng điểm thi IELTS. Sau đó, toàn bộ hồ sơ của cô được nộp lên Bộ Lao động Singapore.
Mai đang giảng dạy cho học sinh lớp mầm tại Singapore Ảnh: NVCC |
Mai tâm sự, trong thời gian đầu sinh sống tại quốc đảo sư tử, mọi thứ thật sự khó khăn, đặc biệt là làm hài lòng phụ huynh. Khi phụ huynh biết Mai là người Việt Nam, họ tỏ vẻ không vui vì nghĩ một giáo viên người Việt Nam không đủ trình độ để dạy tiếng Anh cho con họ. Phụ huynh mong muốn con em mình được học tiếng Anh từ một giáo viên người Philippines hoặc người bản địa.
Nghĩ đến việc phụ huynh nghi ngờ trình độ ngoại ngữ của mình, Mai cảm thấy tủi thân khi bản thân là người Việt Nam đang làm việc ở nước ngoài. Mai nói, cô thường bị hiệu trưởng bắt buộc làm việc quá giờ mà không thể nào từ chối. Áp lực, có lần cô hỏi trực tiếp hiệu trưởng để xin dừng làm việc thêm giờ cho nhà trường. Ngay lập tức sau đó, cô bị quát mắng: “Nếu cô không muốn làm việc ngoài giờ thì hãy ở nhà và đừng đến đây làm việc trong hai tuần tới”.
Đấy là lần đầu tiên mà Mai bị ức hiếp bởi một hiệu trưởng người nước ngoài. Cô thầm nghĩ có lẽ người ta chỉ ức hiếp người mới vào làm thôi. Một lần nọ, vị hiệu trưởng gọi cô vào phòng họp và nói rằng cô bị phụ huynh phàn nàn về khả năng tiếng Anh. Họ bảo tiếng Anh của cô không tốt. Tại sao nhà trường lại thuê cô dạy con em họ.
Trong khi đó, cô vượt qua cuộc thi IELTS với 7.0 và điểm 6.5 vòng phỏng vấn với vị sếp tổng. Cô được đánh giá cao về khả năng tiếng Anh và được mong đợi vào giảng dạy trong trường.
Mai nhận xét, thật ra người Singapore sử dụng tiếng Anh rất ngẫu hứng. Họ không theo cấu trúc ngữ pháp nào cụ thể, phát âm và ngữ điệu không tuân theo cái chuẩn như người Việt Nam học tiếng Anh. Hơn nữa, đa phần người Singapore có gốc từ người Hoa, nên họ sử dụng Singlish nhiều hơn là English.
Mai trong một tiết dạy tại Trung Quốc Ảnh: NVCC |
Tự tin vào chính mình
Dẫu chịu nhiều áp lực nơi xứ người, Mai luôn lạc quan khi nghĩ rằng đã xin được việc làm thì không dễ gì từ bỏ. Vì thế, cô cắn răng chịu đựng những nghi ngờ về năng lực và sự dè bỉu của giáo viên bản địa. Thời gian trôi qua, Mai đã có hai năm kinh nghiệm giảng dạy tại Singapore và tiếp tục ký hợp đồng lao động mới.
Trong năm 2016, Mulberry Learning Center mở thêm một chi nhánh giáo dục mới tại Trung Quốc. Cô được phân công giảng dạy ở đây. Khi được nhận nhiệm vụ mới, Mai vô cùng vui sướng. Cô kể, mình rất háo hức cho chuyến đi sắp đến để có thêm kinh nghiệm và cơ hội mài giũa tiếng Trung, ngôn ngữ thứ hai mà cô từng học bên cạnh tiếng Anh trong trường đại học tại Việt Nam.
Thời gian đầu tại Trung Quốc, cô không thể diễn tả được nội dung giảng dạy chuyên môn cho các giáo viên người Trung Quốc hiểu. Rất may, cô được sếp làm phiên dịch. Tuy vậy, một thời gian ngắn thích nghi với môi trường làm việc mới, cộng với sự nỗ lực không mệt mỏi, Mai có thể sử dụng được tiếng Trung trong giao tiếp và diễn đạt một số khía cạnh trong giảng dạy trước hiệu trưởng và đồng nghiệp nơi đây.
Cô kể, bản thân là người độc lập khi còn ở Việt Nam. Vì thế, cô không cảm thấy quá nhớ nhà, dễ bắt nhịp được cuộc sống tha phương, và không dễ dàng bị khuất phục trước khó khăn. Cô nhớ mãi những giây phút được học trò ôm vào lòng. Đối với cô, hạnh phúc ngập tràn là khi nhìn thấy các em lớn dần. Có bé đã không dùng bỉm nữa, biết uống sữa bằng ly, hay tập đánh răng trước giờ ngủ trưa. Sau những vất vả ấy là những bức thư cảm ơn của phụ huynh cho thấy những nỗ lực và tâm huyết của cô đã được ghi nhận.
Thanh Thu