Thứ Tư, 4 tháng 5, 2016

Đây là kiến nghị GS Trần Văn Thọ gửi Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Minh Hiển ngày 3/1/2006, viết theo thư yêu cầu của Vụ trưởng Đại học và sau đại học Trần Thị Hà. Sau khi gửi kiến nghị, tác giả được trả lời là Bộ trưởng đã đọc nhưng rất tiếc là các kiến nghị này khó thực hiện trong tình hình của Việt Nam hiện nay.

sau-kien-nghi-cua-gs-tran-van-tho-ve-dao-tao-hoc-vi-tien-si

Ông Nguyễn Xuân Phúc (lúc bấy giờ là Phó thủ tướng) tiếp GS Trần Văn Thọ tại trụ sở Chính phủ năm 2011 khi giáo sư về công tác tại Việt Nam. Ảnh: VGP

Có lẽ không còn ai không thấy bức xúc về sự lạm phát văn bằng tiến sĩ tại Việt Nam. Từ “lạm phát” không đủ để diễn tả tình hình đã quá trầm trọng. Ta vẫn còn bắt gặp những cụm từ “tiến sĩ giấy”, “thi hộ tiến sĩ”, “chợ luận án tiến sĩ”... trên các bài báo trong nước gần đây.

Tiến sĩ là học vị cao nhất trong khoa học mà lại có thể thi hộ, có thể mua luận án cũ để nộp mà vẫn lấy được bằng? Một người bình thường với trình độ hiểu biết trung bình cũng có thể đặt ra nghi vấn đó. Đặt được nghi vấn đó thì thấy ngay cái gốc của vấn đề. Tại sao nhà nước vẫn không thấy hay là thấy mà vẫn không muốn sửa, và tại sao không muốn sửa?

Trong bài viết ngắn này tôi mạnh dạn nói cái gốc của vấn đề và đề nghị một giải pháp dứt khoát.

Trong khi dư luận báo chí và những người hiểu biết than thở với nhau “Cái học ngày nay đã hỏng rồi” thì những người có trách nhiệm của nhà nước vẫn tiếp tục đưa ra mục tiêu không có căn cứ khoa học và để đạt mục tiêu, đã đưa các chỉ tiêu xuống các cơ sở giáo dục đào tạo mà theo chuẩn mực quốc tế còn rất xa mới đủ năng lực để dạy bậc tiến sĩ.

Nhà nước có ảo tưởng là cứ tăng số lượng nguời có bằng tiến sĩ là có đủ “nhân tài” gánh vác công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Trong lúc đó, về phía cầu, xã hội ngày càng chạy theo bằng cấp, có bằng càng cao càng dễ được đề bạt lên các chức vụ cao hơn. Cả hai mặt cung và cầu đều có thể sửa đổi được ngay nếu nhà nước thấy vấn đề và có quyết tâm thực hiện.

Tôi vẫn không hiểu tại sao tình hình này cứ kéo dài và có chiều hướng trầm trọng hơn mặc dù nhiều người đã thấy vấn đề rất sớm và đã cảnh báo. Riêng tôi đã nêu vấn đề từ năm 1997 về sự cần thiết phải chấm dứt ngay việc đào tạo và cấp bằng tiến sĩ kinh tế học sau khi đã đi tham dự gần 10 buổi bảo vệ luận án trong lãnh vực này tại Việt Nam.

Tôi đã viết rõ những yêu cầu của một luận án tiến sĩ và trình độ học vấn của một người có tư cách bảo vệ luận án. Tôi cũng giới thiệu trường hợp của Đại học Thammasat, một đại học dạy kinh tế lâu đời nhất của Thái Lan. Trong số gần 60 giáo sư, phó giáo sư và giảng viên chính của khoa kinh tế trường này, có hơn 2/3 là những người đã học và lấy bằng tiến sĩ từ các nước tiên tiến, phần lớn là từ các đại học hàng đầu của Mỹ. Thế nhưng để bảo đảm chất lượng văn bằng tiến sĩ họ chưa dám bắt đầu đào tạo.

Với số người từng được thử thách và thành công ở các đại học tiên tiến như vậy, về mặt số giáo sư có tư cách hướng dẫn, họ đã có đủ nhưng các điều kiện khác không cho phép nghiên cứu sinh tại Thái Lan cập nhật nghiên cứu mới trên thế giới nên họ đã thận trọng. Vào thời điểm hiện tại, Đại học Thammasat vẫn còn rất thận trọng mặc dù lực lượng giáo sư của họ hùng hậu hơn trước: Hiện nay có 70 giáo sư, phó giáo sư và giảng sư trong khoa kinh tế, hầu hết đã lấy tiến sĩ từ các nước tiên tiến. Mấy năm gần đây họ đã chính thức xây dựng chương trình đào tạo tiến sĩ nhưng mỗi năm cũng chỉ cấp 4 hoặc 5 văn bằng.

Một người bạn của tôi đang dạy ở đó giải thích như sau: Vì muốn văn bằng tiến sĩ tại Thái Lan tương đương chất lượng với văn bằng tại các nước tiên tiến nên chúng tôi chủ trương không đào tạo nhiều và chọn đầu vào rất kỹ, chương trình học cũng vất vả nên những sinh viên giỏi và quyết chí học mới thi đỗ và học đến khi lấy được bằng. Thật ra Đại học Thammasat không phải là trường hợp cá biệt mà sự nghiêm túc đó rất phổ biến tại các nước.

Trong bài báo nói trên tôi cũng đã kiến nghị trước mắt cần có kế hoạch tích cực gửi nhiều người đi học ở nước ngoài, sau này chính những người này sẽ đảm nhận việc đào tạo bậc tiến sĩ. Nhưng rất tiếc tình hình sau đó chẳng những không thay đổi mà còn trầm trọng hơn.

Năm 2003, tôi có viết chi tiết hơn về chuẩn mực của luận án tiến sĩ, về điều kiện học lực của người có tư cách bảo vệ luận án và người có tư cách hướng dẫn nghiên cứu luận án tiến sĩ. Tuy bài báo đã được sự đồng tình rộng rãi trong dư luận, kể cả giới nghiên cứu và giáo dục đại học, nhưng hầu như chẳng có tác dụng gì về mặt thay đổi chính sách của nhà nước.

Cái gốc của vấn đề là gì?

Tôi xin rút gọn lại thành một đề nghị gồm mấy điểm mà tôi cho là cơ bản nhất:

Thứ nhất, cần thống nhất phương châm cơ bản là văn bằng tiến sĩ đào tạo ở Việt Nam phải tương đương chất lượng với văn bằng tại các nước khác. Không thể cho rằng trình độ phát triển kinh tế, xã hội Việt Nam còn thấp thì phải chấp nhận văn bằng có giá trị thấp.

Thứ hai, nhà nước không giao chỉ tiêu đào tạo đến các viện, các trường, và không tạo điều kiện cho quan chức đi học tại chức để lấy bằng tiến sĩ (Quan chức nhà nước chỉ cần có bằng đại học, không xem học vị thạc sĩ hay tiến sĩ là tiêu chuẩn để đề bạt).

Thứ ba, tạm ngừng các chương trình đào tạo tiến sĩ tại các viện, các trường cho đến khi có chính sách mới, đồng thời lập các hội đồng thẩm định gồm những nhà khoa học có uy tín trong và ngoài nước với nhiệm vụ thẩm định, đánh giá tư cách đào tạo tiến sĩ của các trường, các viện và các giáo sư. Công khai trên báo đài tên tuổi, thành tích khoa học của những thành viên trong các hội đồng thẩm định.

Thứ tư, sau chừng nửa năm hoặc một năm hoạt động của các hội đồng thẩm định, công bố danh sách các trường, các viện và tên các giáo sư đã qua thẩm định và được thừa nhận có tư cách đào tạo tiến sĩ. Các cơ quan này được phép tiếp tục các chương trình đào tạo tiến sĩ.

Thứ năm, những nghiên cứu sinh đã được nhận vào các viện, trường không đủ tư cách đào tạo tiến sĩ phải thi lại vào viện, trường có tư cách đó.

Thứ sáu, khuyến khích những “tiến sĩ” đã lấy bằng tại các cơ sở không đủ tiêu chuẩn mạnh dạn xin bảo vệ lại tại những viện, những truờng có đủ tiêu chuẩn đào tạo. Trong tương lai, những tiến sĩ chân chính sẽ ghi thêm chi tiết về nơi được đào tạo trong danh thiếp hoặc trong các giấy tờ liên hệ, và như vậy những tiến sĩ không đủ tiêu chuẩn phải bảo vệ lại hoặc tự đào thải.

Những đề nghị này tập trung giải quyết trên căn bản vấn đề tiêu chuẩn của các cơ sở đào tạo và của các giáo sư, phó giáo sư. Đây là vấn đề tế nhị và sẽ gặp phải sự phản kháng của những cơ sở và của những người không đủ tiêu chuẩn. Nhưng không thể có phương pháp nào khác để giải quyết tình trạng hiện nay. Những người có ý kiến khác cũng nên công khai thảo luận trên báo đài.

Chúng ta thử trở lại các nghi vấn nêu ở đầu bài này. Dư luận phê phán “chợ luận án”, lên án người đi mua và bán luận án, nhưng tôi lấy làm lạ là không ai đặt câu hỏi làm sao những người mua luận án đã bảo vệ thành công và lấy bằng tiến sĩ? Họ đã bảo vệ tại đâu, ai ở trong hội đồng chấm luận án ấy? Làm sao nhờ người khác thi hộ để được ghi danh học tiến sĩ mà giáo sư hướng dẫn sau đó không phát hiện được? Chung quy cái gốc vẫn là ở cơ sở đào tạo và ở người hướng dẫn làm luận án. Không giải quyết cái gốc này thì tình trạng vẫn như cũ.

Nếu đề án này được thực hiện thì mỗi năm số người lấy được bằng tiến sĩ tại Việt Nam sẽ ít hẳn đi, nhưng đó là trạng thái bình thường ở giai đoạn phát triển hiện nay của đất nước ta. Ta sẽ không còn thấy tình trạng học vị tiến sĩ xuất hiện tràn lan trên báo, trên các tạp chí, trong bản ghi chương trình của những hội thảo thông thường của các cơ quan trong nước. Ít nhất là trong bộ máy nhà nước và trong giới doanh nghiệp, số người có bằng tiến sĩ ở Việt Nam nhiều hơn hẳn ở Nhật Bản là nước đông dân hơn nhiều và có thu nhập đầu người gấp 35 lần Việt Nam. Đó là hiện tượng dị thường.

Hiện nay Bộ Giáo dục và Đào tạo có kế hoạch cải thiện chương trình đào tạo tiến sĩ. Đó là ý định tốt. Tuy nhiên, không thể chỉ sửa đổi các tiêu chuẩn, điều kiện liên quan đến luận án, đến quy trình đánh giá luận án và đưa chỉ thị mới xuống các cơ sở đào tạo hiện nay là cải thiện được tình hình. Phải giải quyết cái gốc của vấn đề.

Ông Trần Văn Thọ sinh năm 1949 tại Quảng Nam, năm 1967 sang Nhật Bản du học. Ông lấy được bằng tiến sĩ kinh tế tại Đại học Hitotsubashi, Tokyo. Ở lại Nhật, ông vào làm việc tại Trung tâm nghiên cứu kinh tế Nhật Bản, sau đó làm phó giáo sư, rồi giáo sư Đại học Obirin, Tokyo. Từ năm 2000 đến nay, ông làm giáo sư kinh tế Đại học Waseda, Tokyo.

Năm 1990, báo chí Nhật đưa tin lần đầu tiên có ba người nước ngoài được mời làm thành viên chuyên môn trong Hội đồng tư vấn kinh tế của thủ tướng Nhật, ông Thọ là một trong ba người đó. Ông ở cương vị này trong gần 10 năm, qua nhiều đời thủ tướng Nhật.

Xem thêm:
>>Trăn trở về đào tạo tiến sĩ của GS Trần Văn Thọ 19 năm trước
>>GS Trần Văn Thọ: Quá nhiều nhận thức sai lầm về bằng tiến sĩ
>>Đánh giá luận án tiến sĩ thế nào

GS Trần Văn Thọ
Đại học Waseda, Tokyo, Nhật Bản

Bài viết theo tháng

Tin nổi bật

Đối tác: