Thứ Bảy, 23 tháng 7, 2016

Báo chí và mạng xã hội mấy hôm nay lan truyền rất nhanh bức xúc sinh viên Đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội trước việc học phí tăng 30% từ năm học 2016-2017. Gần như ngay sau đó, một bài viết có sức lan tỏa không kém phản hồi lại bức xúc của sinh viên, đến từ thầy Phạm Thanh Long, giảng viên nhà trường. Theo thầy Long, đại học là một dịch vụ và việc trả học phí là một khoản đầu tư tương xứng. Sẽ không thể có chuyện học phí thấp lại đòi hỏi chất lượng cao.

Là người luôn ủng hộ việc coi giáo dục đại học là một dịch vụ và hoạt động theo cơ chế thị trường, mặc dù vậy cũng từ góc nhìn này, tôi không thể đồng ý với thầy Long và xin được phản biện thầy một số điểm sau đây:

Trước hết, xin khoan không nói về chuyện chất lượng đào tạo có được nâng cao tương xứng với mức học phí hay không như nhiều người khác đang lập luận, bởi đó là chuyện của tương lai, thầy Long nói riêng và Đại học Kinh tế quốc dân nói chung sẽ phải nỗ lực để minh chứng điều này ngay từ bây giờ. Tôi chỉ muốn tập trung vào nguyên tắc cơ bản của thị trường, đó là sự đồng thuận trong giao dịch mua - bán giữa hai bên cung cấp và tiếp nhận dịch vụ.

Giả sử đây là dịch vụ trả tiền một lần, ví dụ ăn uống, thì mọi chuyện rất đơn giản. Khách hàng xem giá trên menu, cảm thấy chấp nhận được và gọi món. Nhưng giáo dục đại học lại thuộc nhóm dịch vụ dài hạn (có khoảng thời gian tiêu thụ lâu dài) tương tự như Internet, điện thoại trả sau hay thuê văn phòng... Các dịch vụ thuộc nhóm này có đặc điểm chung là mức phí thường được trả rải rác nhiều lần theo chu kỳ (tháng/quý/năm...).

Về nguyên tắc, việc bên bán muốn tăng giá trong tương lai (nhằm bù lại mức trượt giá chẳng hạn) là hoạt động bình thường. Tuy vậy, việc tăng giá này với tỷ lệ bao nhiêu phần trăm, tần suất tăng thế nào, với những điều kiện nào cần được thống nhất trước giữa hai bên, trước khi giao dịch đầu tiên chính thức bắt đầu.

Quay trở lại với câu chuyện của Đại học Kinh tế quốc dân, trước khi viết bài phản hồi lại sinh viên, không biết thầy Long đã kiểm tra xem năm ngoái và một vài năm trước đó, các sinh viên đang bức xúc ngày hôm nay đã được trường thông báo đầy đủ về việc học phí sẽ tăng đột biến (30%) bắt đầu từ năm 2016-2017. Hoặc bài bản hơn, đã có một văn bản hay thoả thuận nào được ký kết giữa một bên là sinh viên và một bên là đại diện nhà trường về vấn đề học phí trong suốt 4 năm học của sinh viên tại nhà trường?

Tôi e rằng là chưa, bởi từ 2015 trở về trước, Đại học Kinh tế quốc dân vẫn chưa hoạt động theo mô hình tự chủ theo phê duyệt của Thủ tướng. Điều này mặc nhiên ngầm định mức học phí sẽ được giữ ổn định và chỉ tăng rất ít như phần lớn các trường đại học công lập khác trong cả nước.

Một điểm nữa tôi cũng không thể đồng ý với thầy Long là việc thầy khuyên sinh viên có thể bỏ học, nếu không muốn đóng mức học phí cao. Điều này, thoạt nghe có vẻ rất sòng phẳng, nhưng khi xem xét kỹ lại thấy thầy đang không đứng về phía quyền lợi của khách hàng - một nguyên tắc cơ bản khác trong dịch vụ. Bởi trong thực tế, việc công nhận tín chỉ và chuyển tiếp sang học ở trường đại học khác vẫn chưa phổ biến và được chấp nhận rộng rãi ở Việt Nam. Vì vậy, nếu sinh viên nghe theo lời thầy (tức là bỏ học), họ sẽ coi như phí hoài một vài năm theo học tại Đại học Kinh tế quốc dân - một điều chắc chắn không ai muốn.

Điểm cuối cùng liên quan đến việc riêng, thầy công khai phản hồi sinh viên trên mạng xã hội, nhưng đồng thời nó cũng phản ánh sự thiếu sẵn sàng của Đại học Kinh tế quốc dân nói chung trong việc chuyển mình hoàn toàn từ một tổ chức công sang đơn vị dịch vụ. Bởi nếu bài bản, khi gặp phải phàn nàn của khách hàng (ở đây là bức xúc của sinh viên) thì bộ phận phù hợp để liên tiếng phải là truyền thông, công tác sinh viên hoặc lãnh đạo nhà trường chứ không phải là thầy giáo - người về chức năng, chỉ có nhiệm vụ cung cấp dịch vụ trực tiếp. Có cảm giác ở đây, thầy vẫn coi sinh viên là đám “học trò” theo nghĩa truyền thống để chỉ bảo (hơn đối tượng khách hàng cần phục vụ).

Thay lời kết, xin chia sẻ với thầy quan sát của tôi tại một đại học có yếu tố nước ngoài tại Việt Nam có học phí đắt. Mức học phí của trường này lên tới gấp 10 lần mức học phí mà Đại học Kinh tế quốc dân mới công bố, đồng thời đều đặn tăng học phí thêm 10% mỗi năm. Tuy vậy, rất hiếm khi tôi quan sát thấy phàn nàn của sinh viên trong trường về chuyện học phí. Điều này xuất phát từ chính sách học phí của họ luôn công khai từ đầu, được thông báo đầy đủ và có sự đồng thuận với sinh viên trước khi tiến hành. Quan trọng hơn, chính sách học phí này lại được nhất quán thực hiện trong suốt các năm học của sinh viên trong trường và đảm bảo không làm sinh viên đột ngột cảm thấy thất vọng.

Suy cho cùng, cũng như các ngành dịch vụ khác, giáo dục đại học muốn thành công thì yếu tố quyết định không hẳn nằm ở chuyện học phí đắt hay rẻ, chất lượng vượt trội hay không mà là ở chỗ, ta cam kết gì với sinh viên và có thực hiện đúng cam kết đó với sự chuyên nghiệp nhất có thể. Vậy thôi.

>>Bài viết của thầy Phạm Thanh Long

Phạm Hiệp

Bài viết theo tháng

Tin nổi bật

Đối tác: