Thứ hai, 1/8/2016 | 20:45 GMT+7
Thứ hai, 1/8/2016 | 20:45 GMT+7
Lãnh đạo Đại học Bách khoa Hà Nội bất ngờ bởi lượng thí sinh đến nộp hồ sơ trực tiếp khá đông, trước đó các trường đều kỳ vọng xét tuyển trực tuyến qua phần mềm của Bộ Giáo dục sẽ đỡ vất vả cho thí sinh và giảm tải cho trường.
Trong ngày đầu tiên của đợt xét tuyển đại học đợt 1, nhiều thí sinh không chọn hình thức đăng ký trực tuyến hoặc gửi hồ sơ qua đường bưu điện mà đến tận trường. Tại Đại học Bách khoa Hà Nội, tính đến cuối giờ chiều có hàng nghìn thí sinh lẫn phụ huynh đến nộp hồ sơ và tham khảo thông tin xét tuyển.
Phụ huynh cùng thí sinh vượt hàng trăm km, từ các tỉnh Bắc Giang, Hải Phòng, Nam Định, Thái Bình, Thanh Hóa đến tận trường nộp hồ sơ cho yên tâm. Trước khi nộp, nhiều thí sinh còn thắc mắc về mã ngành, thông tin tuyển sinh. Phòng đào tạo Đại học Bách khoa đã cho in cụ thể mã ngành, chỉ tiêu, điều kiện xét tuyển của 12 trường trong nhóm GX, dán lên bảng để thí sinh tiện theo dõi.
Đi kèm là thông báo về các giấy tờ thí sinh cần chuẩn bị như bản photo chứng nhận kết quả thi không cần công chứng, giấy tờ chứng minh thuộc diện ưu tiên nếu có...
Nhiều thí sinh đến sớm, nộp hồ sơ xong còn ngồi nán lại nói chuyện với nhau. Ông Đoàn Văn Năm (quê Nam Định) đưa con trai Đoàn Quốc Phụng lên Hà Nội từ sáng sớm, nộp hồ sơ xong hai bố con lại bắt xe về quê ngay. Phụng thi được 25,5 điểm, em chọn tổ hợp 3 môn Toán - Lý - Hóa để xét tuyển vào ngành Công nghệ thông tin và Tự động hóa của Bách khoa, nguyện vọng còn lại chọn vào Học viện Kỹ thuật quân sự. "Nếu may mắn đậu cả hai trường thì em sẽ chọn học Kỹ thuật quân sự cho bố mẹ đỡ vất vả", Phụng cho hay. Nhiều phụ huynh và thí sinh cho biết, họ chọn cách đến nộp hồ sơ trực tiếp tại trường để được nghe tư vấn và cầm giấy biên nhận, chắc chắn là đã đăng ký xét tuyển thành công.
Nguyễn Thị Vân, sinh viên Đại học Bách khoa tư vấn cho em họ Lê Thanh Đức (quê Nông Cống, Thanh Hóa) chọn ngành vào trường. Cộng cả điểm ưu tiên, Đức được 25,7, chọn đăng ký vào khoa Tự động hóa và Cơ điện tử. Năm trước khoa này lấy 8,5 (tính theo điểm quy đổi của trường), điểm thi của Đức quy đổi ra là 8,63. Cậu lo lắng điểm chuẩn có thể biến động nên không biết ra sao. Ngoài Bách khoa, em còn đăng ký vào Đại học Kinh tế quốc dân. "Em thích Bách khoa hơn nên nếu đậu thì sẽ chọn học Bách khoa", Đức nói.
Nhóm bạn thân học cùng cấp 3, người đã đậu đại học năm trước, người năm nay thi lại cùng nhau đi nộp hồ sơ.
Các cán bộ phòng Đào tạo làm việc hết công suất, vừa tiếp nhận hồ sơ, vừa xem kỹ thông tin để nhắc nhở các em nếu có sai sót. Sau khi nhận hồ sơ của thí sinh, trường sẽ nhập vào hệ thống và chuyển về phần mềm xét tuyển chung của Bộ.
Sau khi hoàn tất hồ sơ xét tuyển và nộp cho nhà trường, thí sinh cầm giấy biên nhận trường đã nhận hồ sơ.
Thầy Trần Văn Tớp, Hiệu phó trường Đại học Bách khoa cho biết, từ sáng sớm nhà trường đã rất bất ngờ vì số lượng thí sinh đến làm hồ sơ trực tiếp tại trường khá đông. Bởi xét tuyển bằng phương thức trực tuyến qua phần mềm của Bộ Giáo dục và Đào tạo được Đại học Bách khoa kỳ vọng nhất, mong muốn giảm bớt vất vả cho thí sinh lẫn giảm tải khối lượng công việc cho trường. Trên nền tảng công nghệ thông tin phát triển, thí sinh có thể đăng ký bằng điện thoại, máy tính cá nhân, thiết bị kết nối với server của Bộ. Song nhiều phụ huynh, thí sinh vẫn chọn cách đến nộp trực tiếp tại trường do tâm lý muốn chắc chắn là hồ sơ đã nộp thành công.
Thông tin từ các trường nhóm GX cho biết, lượng thí sinh đến nộp trực tiếp hồ sơ khá đông. Trong buổi sáng nay, Đại học Bách khoa tiếp nhận khoảng 300 hồ sơ xét tuyển, Đại học Giao thông vận tải 120 hồ sơ, Đại học Công nghiệp khoảng 400, Đại học Kinh tế quốc dân hơn 100. Chưa kể lượng thí sinh và người nhà chỉ đến để tìm hiểu tình hình mà chưa vội đăng ký.
Nhiều phụ huynh không nắm rõ cách xét tuyển hay tư vấn cho con chọn ngành nghề nhưng vẫn đi cùng cho yên tâm. Một số khác đến trường nghe ngóng thông tin trước rồi mới cùng con chọn trường. Chị Phượng (Đền Lừ, Hoàng Mai) chia sẻ, con trai được 18, 5 điểm khối A, từ hôm biết điểm đến nay, ngày nào chị cũng ôm máy tính hoặc điện thoại để theo dõi thông tin về các ngành nghề. Con trai chị đăng ký vào hệ trung cấp của Học viện An ninh nhưng xác định với số điểm trên sẽ khó vào nên chị đi tham khảo một số ngành học của Đại học Thủy lợi, Đại học Mỏ, Công nghiệp. Ngày mai, hai mẹ con mới mang hồ sơ đi đăng ký xét tuyển.
Gần 17h chiều - thời điểm kết thúc nhận hồ sơ, vẫn còn khá đông phụ huynh lẫn thí sinh ngồi viết phiếu đăng ký. Đợt xét tuyển vào đại học đợt 1 sẽ diễn ra từ ngày 1/8 đến 12/8. Kết quả trúng tuyển sẽ được các trường công bố trước ngày 14/8.
Ngọc Thành - Hoàng Phương