Theo PGS Bùi Văn Quân, đến năm 2018 số sinh viên sư phạm ra trường mỗi năm ở bậc Tiểu học là 19.200, THCS là 18.700 và THPT là 23.000. Dù tăng số học sinh trên giáo viên bình quân lên tương đương các nước công nghiệp phát triển thì năm 2020 hệ thống cũng không thể tuyển dụng hết số giáo viên mới tốt nghiệp ra trường, vẫn thừa 41.000 đối với Tiểu học, 12.200 với THCS và 16.900 với THPT (VnExpress 18/5). Là cán bộ quản lý một trường THPT tôi có mấy ý kiến sau.
Số liệu giáo viên THPT toàn quốc năm học 2013-2014
Nguồn: Luận án tiến sĩ quản lý giáo dục, tác giả Nguyễn Tiến Dũng, năm 2015 |
Từ số liệu trên cho thấy tỷ lệ giáo viên THPT/lớp của cả nước thấp hơn so với định mức của loại hình trường THPT là 2,25 giáo viên/lớp. Theo báo Giáo dục điện tử ngày 5/9/2015, số trường THPT của cả nước hiện là 2.767 trường. Giả sử mỗi trường bình quân có 20 lớp, tổng số lớp có là 55.340. Số giáo viên thiếu so với định mức là 0,05/lớp tức 2.767 giáo viên.
Giả sử từ nay đến 2020, bình quân có 3% số giáo viên THPT nghỉ hưu theo chế độ thì số giáo viên THPT nghỉ hưu sẽ là 4.527 giáo viên.
Mục tiêu của giáo dục phổ thông được xác định theo Nghị quyết 29 của trung ương, với việc chuyển từ dạy học tiếp cận kiến thức sang phát triển năng lực và phẩm chất người học thì trường THPT cần nhiều loại hình giáo viên. Giả sử:
- Giáo viên làm công tác Tư vấn tâm lý học đường: 3 giáo viên/trường THPT (mỗi giáo viên phụ trách một lớp).
- Giáo viên làm công tác Hướng nghiệp: 3 giáo viên/trường THPT (mỗi giáo viên phụ trách một lớp).
- Giáo viên hướng dẫn Kỹ năng sống: 3 giáo viên/ trường THPT (mỗi giáo viên phụ trách một lớp).
Đến năm 2020 mỗi trường bổ sung 9 giáo viên, nghĩa là cả nước cần thêm 24.903 giáo viên.
Chỉ tính với yêu cầu trong bối cảnh đổi mới và do số giáo viên nghỉ hưu thì đến năm 2020 số giáo viên THPT cần bổ sung là 32.197. Như vậy xác định số dư giáo viên ở năm 2020 là 16.900 liệu có chính xác không?
Đó là chưa tính đến giáo viên dạy phân hóa, hướng dẫn học sinh nghiên cứu khoa học. Nếu tiến tới THPT học hai buổi/ngày, số giáo viên cần bổ sung sẽ nhiều hơn.
Thiết nghĩ các nhà làm công tác thống kê - kế hoạch cần khảo sát, điều tra để có bức tranh về nhân sự của cấp THPT nói riêng và cấp học phổ thông nói chung và từ đó đưa ra dự báo một cách xác đáng.
Đối với các trường sư phạm, cần xây dựng kế hoạch chiến lược mà xác định chỉ tiêu tuyển sinh hàng năm và quan trọng hơn là nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng yêu cầu đổi mới hiện nay trên cơ sở dự báo về số lượng, tầm nhìn - các giá trị - sứ mạng của mỗi cơ sở sư phạm xây dựng.
Mỗi trường THPT trong tương lai hết sức sinh động, đa dạng nên cần lắm nguồn sinh viên tốt nghiệp từ các trường sư phạm và có thể từ các trường ngoài sư phạm như xu hướng chung trên thế giới hiện nay.
Nguyễn Hoàng Chương