Adam Khoo là một trong 25 người giàu nhất dưới tuổi 40 của Singapore khi mới 26 tuổi, ông cũng là tác giả của những quyển sách bán chạy nhất và là chuyên gia đào tạo hàng đầu châu Á.
Từ nhỏ, Adam bị coi là một đứa trẻ lười biếng, ngu dốt, gần như chậm tiến và không có hy vọng. Khi vào trường tiểu học, cậu bé ghét đọc sách, chỉ thích chơi game và xem TV. Do vậy, Adam Khoo sở hữu hàng loạt điểm F (điểm tệ nhất). Khi đang học lớp 3, cậu bé bị đuổi khỏi trường và phải chuyển đến học ở một nơi khác.
Vào cấp 2, cậu bị 6 ngôi trường từ chối, và cuối cùng phải vào học ở những trường tệ nhất. Ở tuổi 12, Adam Khoo được gửi tới tham gia một chương trình dạy kỹ năng sống. Cậu được dạy rằng: “Điều duy nhất kìm hãm chúng ta là những niềm tin sai lầm và thái độ tiêu cực”. Chương trình này đã tác động mạnh tới Adam Khoo, cậu tin rằng nếu người khác có thể đạt điểm A, thì mình cũng vậy. Lần đầu tiên trong đời, Adam Khoo dám đặt ra cho mình một mục tiêu, đó là có một điểm A.
Triệu phú trẻ tuổi nhất Singapore - Adam Khoo. |
Khi tốt nghiệp trung học, Adam đã đứng ở vị trí số một với bảng điểm toàn A trong kỳ thi 6 môn cuối cấp. Cuối cùng, anh được nhận vào trường Đại học Quốc gia Singapore (NUS). Trong mỗi năm học đại học, Adam đều đứng vào top 1% sinh viên xuất sắc nhất nên được đưa vào chương trình Phát triển tài năng NUS. Chương trình dành cho Top 10 sinh viên được coi là thiên tài.
Adam Khoo chia sẻ bí quyết khơi dậy niềm khát khao học tập ở mỗi đứa trẻ.
Tạo động lực và giúp con tự tin hơn
Từ trải nghiệm thực tế của bản thân, tỷ phú trẻ Singapore cho rằng, mọi đứa trẻ đều có những tiềm năng vô hạn. Với nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực giáo dục đào tạo, Adam Khoo khám phá rằng mọi đứa trẻ đều có tiềm năng như nhau và có thể đạt được những thành công tuyệt vời nếu biết cách tạo động lực, khuyến khích và trang bị những phương pháp học tập hiệu quả.
Trong suốt quá trình tiếp xúc với các học viên của mình, Adam Khoo nhận ra rằng, phụ huynh thường đối xử với con của mình như những đứa trẻ. Họ có thói quen so sánh con cái của mình với người khác và la mắng khi con làm sai. Điều này dễ khiến trẻ tự ti, nản chí và mất hứng thú trong học tập. Do đó, thay vì la mắng, mỗi khi con làm sai, gặp khó khăn, phụ huynh nên đồng hành cùng con để tìm ra nguyên nhân và giúp con rút ra bài học. Ngoài ra, phụ huynh nên động viên con bằng cách đề cập tế nhị những ưu điểm khác, giúp trẻ nhìn nhận vấn đề tích cực hơn.
Dành thời gian cho con
Ngày nay, nhiều bậc phụ huynh do quá bận rộn nên thường có xu hướng bù đắp vật chất cho con bằng cách chiều chuộng và đầu tư mua những thứ con thích.
Việc dành thời gian quan tâm con bằng việc cùng ăn bữa cơm gia đình, giúp con ôn bài hay xem chung một bộ phim ý nghĩa sẽ giúp trẻ cảm nhận được tình yêu thương. Khi dành thời gian cho con, phụ huynh sẽ dần hiểu những tâm tư, tình cảm, điểm mạnh, điểm yếu của trẻ để có cách nuôi dạy, định hướng hợp lý, tích cực.
Cha mẹ nên cùng tham gia các hoạt động ngoại khóa cùng con |
Tuy nhiên, dù luôn mong muốn những điều tốt đẹp nhất cho con nhưng không phải phụ huynh nào cũng có phương pháp dạy đúng đắn. Nuôi dạy con nên người là một hành trình dài, đòi hỏi sự kiên nhẫn, tinh tế từ bậc làm cha mẹ.
N.Loan