Chủ Nhật, 17 tháng 7, 2016

Đọc hai bài viết của độc giả Nguyễn Bằng trên VnExpress, tôi rất thích, một ý kiến độc đáo bàn về câu chuyện nóng trong giáo dục phổ thông Việt Nam từ góc nhìn của một người từng là học sinh học yếu, sau đó theo gia đình định cư ở Mỹ và tiếp tục học tập cho đến bậc đại học. 

Là nhà giáo dạy học ở bậc THPT nay đã 34 năm, 20 năm làm cán bộ quản lý lần lượt tại các trường THPT chất lượng cao, trường THPT yếu kém, tôi xin được chia sẻ với độc giả Nguyễn Bằng cùng bạn đọc VnExpress mấy điều...

Thứ nhất, ở Việt Nam, học sinh kém luôn được kèm cặp, phụ đạo; học sinh khá, giỏi được khuyến khích tham gia các lớp bồi dưỡng. Về nguyên tắc, việc phụ đạo không được phép thu tiền, còn bồi dưỡng học sinh giỏi nhà trường chi từ ngân sách của đơn vị. Xuất phát chính là từ trách nhiệm, lương tâm nghề nghiệp, không phải tất cả đều vì thành tích.

Với học sinh yếu, kém mà gia đình khấm khá, họ thường nhờ giáo viên kèm cặp riêng và trả thù lao. Hình thức này không gọi là dạy thêm. Tôi có người bà con làm giáo viên ở Mỹ, ông cũng thường dạy kiểu đó để có thêm thu nhập. Cũng có phụ huynh Việt Nam, chẳng quan tâm mấy đến việc học của con, con học kém ư, “trăm sự nhờ thầy cô”.

Thứ hai, giáo viên bộ môn, giáo viên chủ nhiệm hiện nay nắm vững hoàn cảnh học sinh nhất là học sinh kém. Giáo viên thường cùng phụ huynh tìm nguyên nhân và có biện pháp thích hợp. Nếu phụ huynh, học sinh hợp tác với thầy cô, các em tiến bộ rõ rệt. Nhưng gặp phụ huynh không quan tâm, học sinh bướng bỉnh, bất cần (như một số học sinh trường tôi hiện nay), lắm lúc thầy cô bất lực.

Con học không được - bỏ học, ba mẹ cho 1-2 mẫu đất. Sau vài năm, dựng vợ gả chồng cho con là xong. Ôn thi THPT quốc gia vừa rồi, trường nào cũng chăm sóc đặc biệt số học sinh yếu, kém. Có giáo viên còn tiếp tục gọi các em đến trường để ôn khi chỉ còn 1-2 ngày nữa là đến kỳ thi. Xin được chia sẻ với độc giả Nguyễn Bằng số liệu tại một cụm địa phương, có 325 em dự thi thì có đến 60 em có điểm thi môn Toán ≤ 1/10.

Thứ ba, học thêm có ai nói giúp được học sinh kém đâu? Vì là “thêm” kia mà. Thuật ngữ này nếu được dùng chung gồm các lớp luyện thi, mở rộng kiến thức, phụ đạo học sinh yếu, kém là không chính xác. Vả lại, thực tế có rất ít học sinh kém chịu đi học thêm.

Thứ tư, giúp học sinh học tập đúng cách và phù hợp là trách nhiệm của thầy cô trong mỗi tiết dạy. Cái khó hiện nay là chương trình, sách giáo khoa còn nặng nề, ôm đồm quá. Đề thi như kỳ thi THPT quốc gia mới đây, những câu vận dụng rất khó, nhiều học sinh phải cắn bút. Tôi có em học sinh bỏ Đại học Bách khoa TP HCM để sang Mỹ học, hiện em đã lập gia đình tại Las Vegas. Em kể với tôi, lúc học năm thứ nhất đại học tại Mỹ, môn tự chọn của em là Vật lý, nội dung học giống hệt phần Vật lý lớp 10 khi em học ở Việt Nam.

Thứ năm, lấy lại căn bản cho học sinh kém là phương pháp trong dạy học, trường phổ thông nào ở Việt Nam cũng có kế hoạch giúp học sinh kém một cách chủ động, tích cực. Chuyện thầy cô làm mọi cách để học sinh lên lớp, thậm chí thi lại là hình thức, là câu chuyện... “xưa rồi Diễm”.

Xin chia sẻ với độc giả Nguyễn Bằng, kỳ thi lại tại trường tôi mới xong, có 14 học sinh lưu ban trên tổng số 54 học sinh phải thi lại, các em lưu ban ở lớp 11 và 12 của năm học mới đều đã đến đăng ký học lại. Lưu ban không phải là hình phạt mà là một biện pháp giáo dục tích cực, không ít học sinh lưu ban sau này trưởng thành.

Đây là một ví dụ, lúc bấy giờ tôi là phó hiệu trưởng, gia đình bạn tôi có con đang học lớp 10 lưu ban đến nhờ tôi giúp đỡ. Tôi khuyên gia đình và cháu cố vượt qua, khuyên cách thức học tập, gia đình chấp nhận. Hiện nay cháu là giáo viên khá thành công tại một trường THPT chuyên.

Thứ sáu, hầu như các trường phổ thông Việt Nam hiện nay đều có tổ chức cho học sinh tham gia các hoạt động xã hội, từ thiện, trải nghiệm... Ngay như em Trần Thị Diệu Liên vừa nhận được học bổng 7 tỷ đồng để theo học Havard, bài luận của Diệu Liên với chủ đề “Chân thành và giản dị” kể về một lần Diệu Liên đến làng trẻ Hòa Bình.

Thứ bảy, đúng là ở Mỹ bao nhiêu tuổi cũng vào đại học, Việt Nam mình bây giờ cũng thế. Đại học ở Mỹ rất đa dạng, có trường tốt, có trường vừa và cũng có trường yếu kém. Thế nên, học Đại học ở Mỹ nhưng phải chỉ ra học ở trường nào, xếp hạng thứ bao nhiêu tại Mỹ.

Giáo dục toàn cầu đang thay đổi, giáo dục Việt Nam cũng đang thay đổi. Có thể còn những mặt yếu kém, chưa hoàn thiện, thế nên Việt Nam cần học hỏi mô hình giáo dục các nước phát triển là điều hết sức cần thiết.

Việc đánh giá thực trạng giáo dục phổ thông Việt Nam hiện nay một cách võ đoán, thiếu căn cứ thì dù với động cơ xây dựng e là sẽ gây ra những phản ứng từ phía bạn đọc, vô hình trung làm tổn thương bao thầy cô giáo. Dù còn khó khăn, họ vẫn vững vàng trên bục giảng, góp phần quan trọng đào tạo lớp công dân tương lai, chung tay xây dựng một nước Việt đàng hoàng hơn, to đẹp hơn.

Nguyễn Hoàng Chương

Bài viết theo tháng

Tin nổi bật

Đối tác: