Thứ Năm, 24 tháng 3, 2016

Ngày 24/3, sau gần 2 ngày đăng tải trên Facebook cá nhân, màn thí nghiệm ống nhạc lửa trong buổi học Vật lý đã thu hút gần 17.000 lượt thích, 10.000 lượt chia sẻ. “Em không ngờ nhiều người thích thú với màn thí nghiệm đến vậy”, nữ sinh Hoàng Thạch Giang, lớp 11 Trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm (TP Tam Kỳ, Quảng Nam) nói.

thi-nghiem-ong-nhac-lua-hau-due-mat-troi-cua-thay-vat-ly

Màn thí nghiệm của thầy Thành được học sinh quay clip.

Giang cho hay, cách đây ít ngày, trong buổi học Vật lý, thấy màn thí nghiệm của thầy Phan Công Thành hấp dẫn, đan xen vào đó là bản nhạc sôi động, Giang đã xin phép thầy dùng điện thoại để quay lại và đăng tải trên trang cá nhân.

Video dài hơn 6 phút ghi lại màn thí nghiệm đề cập sự giao thoa của sóng âm. Vật thí nghiệm là thanh inox rỗng ruột được hàn kín, một đầu có gắn van để nối ống dẫn gas, đầu còn lại bít bằng một màng rung bằng bóng cao su. Trên thân ống khoét các lỗ đều nhau với khoảng cách một cm. 

“Sau khi bơm gas vào ống, khí thoát ra qua lỗ trên ống được đốt cháy thành những ngọn lửa có chiều cao bằng nhau. Một đầu của ống được bịt lại bằng màng cao su và đầu kia được kết nối với nguồn gas. Một loa đặt hướng về phía màng cao su của ống sao cho âm thanh đi qua ống. Tùy theo tần số và cường độ của nhạc mà những cột lửa này có độ cao thấp khác nhau”, thầy Thành nói.

Đây là thí nghiệm vật lý nổi tiếng được sử dụng để chứng minh sự tương quan giữa sóng âm thanh và áp suất âm thanh, tên thường gọi ống lửa. Thí nghiệm được đặt theo tên người sáng chế người Đức, Heinrich Ruben. Vì vậy mà còn có tên gọi là ống Rubens.

Thầy Thành cho hay, ở nước ngoài màn thí nghiệm rất cũ kỹ trong các tiết học nhưng ở Việt Nam thì dường như còn lạ. Giữa năm 2014, dưới sự hướng dẫn của thầy Thành, hai học sinh chuyên lý của trường đã làm ra chiếc ống nay. Chiếc ống sau đó cũng đạt nhiều giải thưởng về khoa học kỹ thuật.

“Chỉ làm bài tập rất khô khan, tôi muốn vừa học nhưng cũng vừa giải trí để tạo sự tò mò, sự đam mê cho các em đồng thời giảm bớt áp lực học tập”, thầy giáo nói. Trong tiết học gần đây, nhận thấy bộ phim Hậu duệ mặt trời nhiều người xem, học trò coppy đoạn nhạc trong phim mang tới và thầy đồng ý đưa vào để làm màn thí nghiệm mới mẻ, vui vẻ hơn.

Hình ảnh ngọn lửa nhảy múa trong nền nhạc sôi động khiến nhiều học sinh thích thú. “Em thấy các thí nghiệm của thầy rất hay, rất sáng tạo và lôi cuốn. Nó giúp em hiểu, yêu và thêm đam mê với khoa học”, nữ sinh quay video đăng lên mạng nói.

thi-nghiem-ong-nhac-lua-hau-due-mat-troi-cua-thay-vat-ly-2

Câu lạc bộ Sáng tạo trẻ do thầy Thành làm chủ nhiệm. Ảnh: Tiến Hùng.

Đánh giá cao những đóng góp thực tế qua các màn thí nghiệm của thầy Thành, ông Lê Nguyên Bảng, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiếm cho hay, trong quá trình giảng dạy và dìu dắt nhiều lớp học sinh, thầy Thành đã luôn nỗ lực truyền cảm hứng. Dành cho học sinh các trải nghiệm có tính sáng tạo, đó là điều nên hưởng ứng.

“Tại trường, thầy Thành cũng là chủ nhiệm của Câu lạc bộ Sáng tạo trẻ. Đây là nơi để các em đam mê khoa học ghé tới nghiên cứu mỗi ngày”, Hiệu trưởng nói.

Tiến Hùng

Bài viết theo tháng

Tin nổi bật

Đối tác: