Thứ Năm, 2 tháng 6, 2016

Giáo sư William Wendt năm nay 84 tuổi. Khác với những giảng viên lớn tuổi thường không chịu dùng công nghệ trong lớp học, ông thích soạn và gửi email trên chiếc iPhone 6 của mình, chuyên dạy các khóa online và lớp học truyền thống có tích hợp nhiều tính năng trực tuyến.

Ông say mê với công nghệ từ những ngày đầu mới đi làm và đã dạy về kinh tế tại Đại học Bắc Carolina ở Pembroke của Mỹ suốt 10 năm qua. Tốt nghiệp quản trị kinh doanh nhưng William Wendt từng là lập trình viên rồi mới tiếp tục học thạc sĩ kinh tế, giảng dạy ở Đại học America những năm 1960. Sau đó, ông quay trở lại kinh doanh và ổn định với công việc dạy học từ năm 2001. Trải nghiệm nhiều công việc nhưng có một niềm đam mê không bao giờ tắt với vị giáo sư 84 tuổi này, đó là công nghệ.

The Chronicle - tờ báo chuyên cung cấp thông tin về giáo dục bậc cao và cơ hội nghề nghiệp cho sinh viên tại Mỹ vừa có một bài phỏng vấn với người thầy về sự đam mê công nghệ hiếm thấy của ông.

- Công nghệ trong lớp học những năm 60, 70 trông như thế nào, thưa giáo sư?

Các trường đại học không sử dụng công nghệ cho đến tận giữa hoặc cuối những năm 70. Thứ đầu tiên mà chúng tôi sử dụng là Blackboard (một hệ thống quản lý học tập ảo trên website cho phép quản lý các khóa học, điều chỉnh chương trình phù hợp với sinh viên). Về cơ bản, học cách sử dụng Blackboard không khó và tôi vẫn giao các bài tập cho sinh viên và yêu cầu các em làm bài kiểm tra trên đó.

Ông sử dụng công nghệ như thế nào trong quá trình dạy học?

Tất nhiên là tôi sử dụng các slide PowerPoint và cả video. Khi soạn bài cho khóa học, tôi dùng LMS (Learning Management System - Hệ thống quản lý học tập trực tuyến, cho phép giáo viên tải các tài liệu, theo dõi tiến độ học tập, làm bài của sinh viên). Chính bạn cũng có thể gắn một video thú vị lên hệ thống này để mọi người cùng theo dõi. Đây là một thế giới điện tử nên mọi thứ được đều có trên Bloackboard, sinh viên của tôi có các video để xem, tài liệu để đọc, slide PowerPoint để xem và tôi còn thu âm lại lời giảng của mình trên mỗi slide để học sinh của tôi theo dõi.

Ông bắt đầu dạy online từ năm 2003. Chuyển sang hình thức dạy học này có những khó khăn gì?

Với tôi, không có sự chuyển đổi nào xảy ra và cũng không khó khăn gì. Bạn phải tự thân thay đổi để phù hợp với thế giới hiện đại này. Tôi cũng thường nói điều này với sinh viên của mình: “Đây là thế giới kỹ thuật số, các em phải làm quen với nó, tận dụng những cuốn sách, khóa học kỹ thuật số. Chính tôi cũng vừa học một lớp Lịch sử thế giới trên Coursera và đạt điểm 65, không cao nhưng đủ để qua môn và điều này thật tốt”.

Theo tôi, những khóa học trực tuyến ngày càng quan trọng hơn bởi lũ trẻ đang phải làm thêm một hoặc hai công việc song song với đến trường và không có đủ thời gian để tận dụng tất cả lợi ích của 4 năm trên giảng đường. Chỉ những đứa trẻ có hoàn cảnh gia đình đủ tốt mới làm được điều đó. Nhưng không nhiều sinh viên có cơ hội này.

Ông có lời khuyên gì cho những giáo sư có tuổi khác để có thể thích nghi những công nghệ mới trong lớp học?

- Thật khó nếu họ không được tiếp xúc với máy tính và chính họ không tin tưởng vào thiết bị này. Tôi không nêu tên ra, nhưng ngay ở Đại học Bắc Carolina ở Pembroke (UNC-Pembroke), có những giáo sư mới 40 tuổi thôi đã chỉ thích dạy học theo phương pháp cũ rồi. Họ chỉ thích đứng giảng bài, điều mà sinh viên ngày nay không chịu đựng nổi.

Thế giới giáo dục phải thay đổi. Có thể hiểu rằng công việc giảng dạy đang bị đe dọa, nhưng nếu họ không thích nghĩ với chương trình mới, họ sẽ bị cho nghỉ hưu sớm. UNC-Pembroke đã tổ chức những giờ học ngắn về công nghệ trước khi các học kỳ bắt đầu. Tôi đã tham gia và học được một số bí quyết thú vị. Tôi nghĩ, mọi việc phải theo chiều hướng đó.

- Về ý tưởng sử dụng mạng xã hội cho lớp học, ông nghĩ sao?

- Tôi không làm điều này bởi về cơ bản, tôi thấy sinh viên của mình chưa cần đến mức độ đó. Tôi có tài khoản Twitter, Facebook, không dùng thường xuyên nhưng phải có. Tôi muốn tìm hiểu rõ để có thể sử dụng khi sinh viên của tôi sẵn sàng mang mạng xã hội vào lớp học.

Ông đánh giá thế nào về tác động của công nghệ vào giáo dục bậc cao trong tương lai?

- Chi phí là yếu tố quyết định ở đây. Nếu tôi được làm lại cuộc đời, tôi muốn trở thành hiệu trưởng một trường đại học, tiến hành một cuộc tái cấu trúc thực sự và chuyển sang hình thức đào tạo trực tuyến hoàn toàn hoặc lồng ghép giảng dạy trực tuyến vào hình thức truyền thống. Sinh viên được đào tạo theo hình thức truyền thống vẫn tồn tại nhưng với số lượng nhỏ. Tôi cho rằng, giáo dục trực tuyến sẽ chiếm ưu thế lớn trong 10-15 năm tới.

Thu Ngân (theo Chronicle)

Bài viết theo tháng

Tin nổi bật

Đối tác: