Chủ Nhật, 5 tháng 6, 2016

Ngày 6/6, trong chuyến thăm và làm việc đầu tiên tại TP HCM trên cương vị Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo, ông Phùng Xuân Nhạ nói chuyện với các giáo viên Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (quận 1), chia sẻ nỗi vất vả mà các thầy cô đã trải qua khi thực hiện Thông tư 30 - được Bộ áp dụng từ năm 2014 và yêu cầu giáo viên tiểu học không chấm điểm mà thay bằng cách nhận xét.

bo-truong-giao-duc-se-ra-soat-lo-trinh-bo-cham-diem-hoc-sinh-tieu-hoc

Bộ trưởng Giáo dục Phùng Xuân Nhạ tại TP HCM sáng nay. Ảnh: Mạnh Tùng

Bộ trưởng Nhạ khẳng định, mục tiêu của thông tư này là toàn diện, nhân văn và đúng đắn. Đây cũng là phương thức đánh giá học sinh tiểu học được nhiều nước tiên tiến sử dụng. Tuy nhiên, khi áp dụng vào thực tế ở các địa phương khác nhau, với điều kiện khác nhau đã bộc lộ những khó khăn.

"Lớp học mà đến 50 em thì thầy cô làm sao có đủ sức, đủ thời gian nhận xét, đánh giá từng em? Khi thực hiện thông tư, khối lượng công việc của thầy cô tăng lên thì đãi ngộ có tăng theo hay không?", Bộ trưởng Nhạ đặt vấn đề.

Cũng theo ông Nhạ, việc nhận xét thay vì chấm điểm cũng làm nhiều giáo viên bỡ ngỡ. Ông gợi ý cách thức lượng hóa việc đánh giá bằng cách nhận xét này, như việc đưa ra nhiều tiêu chí nhỏ để thầy cô dễ thực hiện hơn. Bộ trưởng Giáo dục cho biết, ông vừa chỉ đạo bộ phận công nghệ thông tin của bộ này nghiên cứu một phần mềm giúp giáo viên trong khâu nhận xét.

Ông Phùng Xuân Nhạ yêu cầu lãnh đạo Sở Giáo dục TP HCM phải tổ chức tập huấn để giáo viên tiểu học có cách hiểu chính xác, đồng bộ về ý nghĩa của Thông tư 30.

Về phía Bộ Giáo dục, ông Nhạ sẽ chỉ đạo rà soát lộ trình thực hiện Thông tư 30 từ năm học sau, cần thiết sẽ thực hiện thí điểm tại một số trường từng địa phương trước khi áp dụng đại trà. Lộ trình sẽ có sự hoàn thiện thay đổi hợp lý hơn về cách xếp loại, đánh giá kết quả của học sinh về mặt học tập cũng như rèn luyện. Bộ trưởng Nhạ khẳng định sẽ tiếp thu, lắng nghe ý kiến của các thầy cô tiểu học trong quá trình hoàn thiện.

bo-truong-giao-duc-se-ra-soat-lo-trinh-bo-cham-diem-hoc-sinh-tieu-hoc-1

Ông Phùng Xuân Nhạ (ngoài cùng, bên trái) tham quan mô hình vườn rau sạch của học sinh Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (quận 1). Ảnh: Mạnh Tùng

Tại THPT Lê Quý Đôn (quận 3), sau khi kiểm tra cơ sở vật chất và công tác chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia 2016, ông Nhạ đã lưu ý Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM cùng các trường trên địa bàn phải tổ chức kỳ thi một cách an toàn, nghiêm túc và hạn chế tối đa tiêu cực. Thi xong, công tác huy động giáo viên chấm thi cũng phải đảm bảo khách quan, công tâm, tránh sự “ưu ái” của người chấm cho thí sinh cùng địa phương.

"Vì tính chất quan trọng của kỳ thi THPT quốc gia và sự quan tâm của dư luận xã hội nên các trường phải có ý thức bảo vệ thương hiệu của mình. Chúng ta xây dựng thương hiệu của trường tốt rất lâu nhưng chỉ cần xảy ra sơ suất, tiêu cực sẽ mất thương hiệu", Bộ trưởng Giáo dục nhắc nhở.

Bộ trưởng Nhạ nêu quan điểm: Giáo dục là một quá trình lâu dài, không phải là ngắn hạn. Đầu tư về cơ sở vật chất là quan trọng nhưng đầu tư về chất lượng chất lượng giáo viên  đáp ứng được yêu cầu mới là nhiệm vụ hàng đầu. 

Ông yêu cầu các trường phải chú trọng giáo dục đạo đức, lối sống của học sinh, nhân rộng mô hình tư vấn tâm lý trước tình trạng bạo lực học đường gia tăng hiện nay.

Mạnh Tùng

Bài viết theo tháng

Tin nổi bật

Đối tác: