Thứ Bảy, 17 tháng 9, 2016

Thầy giáo Trần Quý Phi có bài viết trao đổi về dự thảo kỳ thi THPT quốc gia 2017, trong đó có việc thi trắc nghiệm môn Toán.

Hơn một tuần này dư luận xôn xao về vấn đề đổi mới thi tốt nghiệp THPT. Có hai luồng ý kiến cơ bản. Luồng thứ nhất cho rằng chưa nên triển khai thay đổi ngay trong năm nay, vì nhiều vấn đề còn cần phải đánh giá, chuẩn bị kể cả về kỹ thuật lẫn tâm lý học sinh. Luồng ý kiến thứ hai, cực đoan hơn, cho rằng nói chung là không nên triển khai thi trắc nghiệm môn Toán ở cuộc thi tốt nghiệp THPT, vì làm như thế sẽ triệt tiêu tư duy toán học, làm mất đi những lợi thế về giáo dục toán học mà nhiều năm nay chúng ta đã đạt được. 

Bản thân tôi cũng cho rằng triển khai những thay đổi ngay trong năm 2017 là vội vàng, vì về tâm lý, các thí sinh vẫn có sự chuẩn bị cho một kỳ thi như năm 2016 và hơn nữa. Về mặt kỹ thuật, cần thời gian để xây dựng và kiểm định ngân hàng đề thi theo các tiêu chuẩn khoa học và sư phạm gắt gao. Ở đây tôi muốn bàn nhiều hơn về luồng ý kiến thứ hai.

Tôi nghĩ chuyện học nói chung và thi cử hơi giống chuyện đá banh ở chỗ ai cũng có thể bàn. Âu cũng là lẽ thường tình trong một xã hội cởi mở và tôn trọng quyền cá nhân. Có điều khác với đá banh, với mọi người chỉ là trò chơi, chuyện thi cử rõ ràng không phải là chuyện chơi mà là chuyện khoa học. Khoa học về đánh giá, đo lường. Người có trách nhiệm tổ chức thi cử phải nắm rõ khoa học đó, phải có căn cứ để thuyết phục mọi người, cả giải thích lý thuyết lẫn chứng minh thực nghiệm. Người tham gia thi và những người liên quan cũng nên thận trọng khi góp ý, bàn luận.

Những đất nước có nền giáo dục tiên tiến là nhờ có những kỳ thi tốt, đó là điều không thể chối cãi. Và muốn có những kỳ thi tốt như vậy họ phải biết sử dụng những kết quả của khoa học đo lường trong giáo dục. Một trong những khái niệm cơ bản của một kỳ thi là tính tin cậy và tính giá trị của nó. Giả dụ, hàng ngày bạn ra chợ mua một ký thịt, và luôn mua ở một bà bán thịt. Nếu trong thực tế cái cân của bà bán thịt đó bị non, cứ luôn là 9 lạng rưỡi, thì cái cân của bà ấy rất "ổn định". Ta gọi nó có độ tin cậy cao. Nếu cái cân lúc già lúc non quá nhiều, thì cái cân không có độ tin cậy, vì nó "năm nóng năm lạnh".

Thi tự luận khó có tính tin cậy cao là vì phụ thuộc vào chủ quan của người chấm. Cùng một bài thi, luôn luôn có sự chênh lệch điểm giữa các lần chấm. Đó là điều mà không ai chối cãi được. Thi trắc nghiệm sẽ dễ có độ tin cậy cao hơn, ít nhất là ở khâu chấm bài, vì cùng một bài thi dù chấm nhiều lần đều có kết quả như nhau. Nếu một dạng bài thi cho học sinh thi hai lần, cách nhau vài tuần (học sinh không đủ thời gian để cải thiện) thì thí sinh có điểm số gần như nhau, thì dạng bài thi đó có độ tin cậy cao.

Hình như trước đây thi IELTS để có chứng nhận về khả năng Anh văn, họ không cho phép thí sinh đăng ký thi nếu trước đó đã thi không quá ba tháng thì phải. Vì trong khoảng thời gian đó kết quả sẽ không sai khác nhiều, thi chỉ phí tiền và thời gian. Tính tin cậy của bài thi đương nhiên cũng phụ thuộc vào việc tổ chức thi có nghiêm túc không, công bằng không. Ví dụ, thí sinh thi ở cụm này thì có khuynh hướng nhiều điểm hơn ở cụm khác, vì được coi thi dễ hơn. Kỳ thi đó không có tính tin cậy cao.

Tính tin cậy của bài thi có thể tính toán được, bằng nhiều phương pháp. Đặc biệt là đối với bài thi trắc nghiệm. Dĩ nhiên bài thi nào cũng có mục đích của nó. Nhưng chúng ta không nên nói chung chung mà phải xác định rõ ràng hơn vì mục đích của bài thi sẽ dẫn đến hình thức của bài thi. Thi lái xe thì phải lên xe mà đi. Không thể cho vài câu hỏi lên dốc thì phanh sao, thắng sao. Thi như vậy, để lấy bằng lái xe, là không có tính giá trị. Đánh giá kỹ năng viết văn thì phải làm luận. Đó là điều đương nhiên.

Nhưng rắc rối nảy sinh khi ta gặp các môn khoa học tự nhiên. Đặc biệt là môn Toán mà gần đây mọi người bàn tán sôi nổi. Mục đích của thi môn Toán là đánh giá kỹ năng tư duy toán học, suy luận logic, tính toán... Nhưng có cần phải trình bày rõ cho mọi người những bước tư duy, suy luận, tính toán như vậy hay không? Lấy ví dụ một bài toán đố, chỉ cần thí sinh đưa ra đáp số đúng (hoặc chọn đúng trong một số lựa chọn được cho sẵn) là được rồi hay thí sinh cần trình bày vì sao mình làm như vậy. Đó là cả một vấn đề cực kỳ hệ trọng.

Nói một cách gọn ghẽ là chúng ta muốn đánh giá tư duy toán học, suy luận và tính toán đơn thuần hay cả việc trình bày những kỹ năng đó? Dĩ nhiên nếu chúng ta chọn cái sau, tức là có việc trình bày, thì phải là thi tự luận. Nhưng nếu không cần trình bày, thì thi trắc nghiệm cũng có thể đánh giá được. Không ai có thể cho rằng khi làm trắc nghiệm về Toán mà thí sinh không cần tư duy. Cho rằng bấm máy tính là đủ để làm trắc nghiệm thì quá cực đoan, mà không nghĩ rằng đó là do việc ra câu hỏi là để đánh giá khả năng tính toán chứ không thực sự là tư duy toán học. Tức là đề thi không có tính giá trị để đánh giá tư duy nếu chỉ gồm những câu như vậy.

Ở đây, theo chúng tôi thi trắc nghiệm về Toán, cũng như các môn khoa học tự nhiên khác là quan niệm "quản lý theo hiệu quả". Nghĩa là tôi không biết anh làm thế nào, anh suy nghĩ ra sao, miễn là kết quả đầu ra của anh tốt là được. Có lẽ do có khuynh hướng thực dụng, phương Tây, đặc biệt là Mỹ họ đã dùng trắc nghiệm lâu đời và vẫn dùng cho các kỳ thi có tính tiêu chuẩn của họ. Dù không phải là không có khuyết điểm, nhưng giá trị của các kỳ thi như vậy cũng được công nhận rộng rãi. Nhưng dù sao, có một điều hiển nhiên là thi sao học vậy. Thi trắc nghiệm thì ta học theo kiểu... trắc nghiệm.

Nếu bình tĩnh ngẫm nghĩ thì vấn đề không đến nỗi như vậy. Ta cũng đã thi, trắc nghiệm Lý, Hóa... rồi. Các em học các môn đó có phải chỉ chăm chăm cái máy tính bấm bấm rồi khoanh A, B, C, D không? Hay các em cũng phải có giấy bút, ghi tóm tắt các bước giải? Dĩ nhiên em nào nhanh trí hơn thì ghi ít hơn, nghĩa là mất ít thì giờ hơn. Nhưng có phải các em mất đi tính logic, khả năng suy luận chặt chẽ không? Dĩ nhiên không, nếu không có những phẩm chất ấy, các em sẽ không bao giờ đạt điểm cao được, nếu đề thi không quá tầm thường. Rồi trên lớp các thầy cô cũng phải giảng dạy từng bước giải quyết vấn đề, cũng có bài tập tự luận, kiểm tra miệng...

Nghĩa là chúng ta cần phân biệt các bài thi trong khi học, mà chuyên môn gọi là các bài thi hình thành (formative). Khi đó các hình thức tự luận cần được chú trọng vì như vậy mới phát hiện được các em sai sót ở bước nào để uốn nắn. Cần phân biệt việc học với việc luyện thi. Ở đâu cũng vậy, ở Mỹ cũng vậy, thi là phải luyện cách làm bài, có chiến lược. Nhưng nếu quá trình học không có căn bản thì tự luận hay trắc nghiệm cũng như nhau thôi. Kỳ thi cuối cấp, thi vào các trường đại học khác với các kỳ thi trong khi học như thi học kỳ..., gọi là kỳ thi hoàn thành (achievement). Những kỳ thi này nhằm tổng kết và buộc phải có chuyện rớt đậu, cao thấp...

Và vì nó mang ý nghĩa xã hội, ảnh hưởng đến nhiều vấn đề như cạnh tranh về trường học, ngành nghề, học bổng... nên buộc phải có tính tin cậy cao vì nó phải bảo đảm được một cách cao nhất tính nghiêm túc, công bằng. Và trắc nghiệm sẽ có ưu thế hơn tự luận cho sự bảo đảm này.

Dự thảo thi THPT quốc gia và tuyển sinh đại học, cao đẳng 2017 của Bộ Giáo dục và Đào tạo lên phương án tổng hợp một số môn thi riêng rẽ làm thành bài thi tổng hợp trắc nghiệm. Tổng cộng còn 5 bài thi Toán, Ngữ Văn, Ngoại ngữ, Khoa học tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học) và Khoa học xã hội (Lịch sử, Địa lý, Giáo dục Công dân).

Ngoài môn Ngữ Văn thi tự luận, thời gian làm bài 120 phút, thi trên giấy do giáo viên chấm, bốn bài thi còn lại sẽ tổ chức theo dạng bài trắc nghiệm khách quan, thi trên giấy và chấm trên máy tính. Đề thi môn Ngoại ngữ có 40 câu hỏi trắc nghiệm làm trong 60 phút. Bài thi Toán gồm 50 câu; Khoa học tự nhiên, Khoa học xã hội có 60 câu, làm trong 90 phút. Trong phòng, mỗi thí sinh sẽ được cấp một mã đề thi riêng không giống nhau để tránh quay cóp. Kỳ thi sẽ do Sở Giáo dục các tỉnh chủ trì.

Trần Quý Phi
Trưởng phòng Đào tạo Cao đẳng y tế Quảng Nam

Bài viết theo tháng

Tin nổi bật

Đối tác: